You are here

Giới thiệu những nhà văn trẻ thế giới (2)

      Đào Trung Đạo

Có thể nói ở Mỹ hai nhà văn trẻ gốc Việt tạo được tên tuổi trong văn  giới trong vòng 10 năm trở lại đây là Monique Trương (tác giả hai tiểu thuyết ‘The Book of Salt’ và ‘Bitter in the Mouth’) và Nam Lê tác giả tập truyện ngắn ‘The Boat’. Quyển sách này của Nam Lê  đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương giá trị hàng đầu của Úc, Anh, và Mỹ.

Nam Lê (tên đầy đủ Lê Hữu Phúc Nam) sinh năm 1979, cùng gia đình vượt biển tỵ nạn năm anh mới 3 tháng tuổi. Cha anh, một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, sau khi ở tù cải tạo  đã đem gia đình vượt biển đến Pulau Bidong, Malaysia, và sau đó gia đình anh được định cư ở Melbourne, Úc Châu.  Nam Lê tốt nghiệp ngành luật, đi làm luật sư một thời gian nhưng sau đó bỏ nghề luật, sang Mỹ theo học lớp viết văn nổi tiếng Iowa Writer’s Workshop, tốt nghiệp và được học bổng Grace Paley Endowed Fellowship để hoàn tất việc học tại Trung Tâm Nghệ Thuật ở Provinetown, bang Massachusetts, và  tại Phillips Exeter Academy ở New Hampshire. Nam Lê có truyện ngắn đăng trên những tạp chí văn chương thế giá như Conjunctions, Zoetrope, A Public Space, One Story, Best New American Voices, Best Australian Stories, Tuyển Tập Pushcart….và được trao những giải văn chương như giải Pushcart Award, Michener-Corpernicus Society Award. Hiện anh là chủ biên mảng tiểu thuyết của Harvard Review. Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về “quê nhà” Nam Lê đã trả lời :” Nước Úc là nhà. Mối quan hệ của tôi với Việt Nam khá phức tạp. Tôi sinh ra ở đó. Tôi đã về thăm Việt Nam ba lần. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính của tôi. Tôi cảm thấy ràng buộc xâu xa với di sản gia đình. Có thể Úc là nhà và có thể Việt Nam là quê hương của tôi. Nhưng tôi vẫn còn đang khám phá, trên trang viết cũng như ngoài đời sống, xem quê nhà có nghĩa là gì.” Trong sách cũng như ngoài đời cho thấy Lê Nam không những viết Anh văn giỏi mà còn thông thạo tiếng Việt.

Truyện mở đầu ‘Tình Yêu và Danh Dự…’ là truyện ngắn nhất (26 trang) trong tập sách nhưng lại    là truyện chính yếu nhất. Truyện có tính chất một tự truyện. Nhân vật tự sự chính là Nam, sinh viên ngành viết văn ở Iowa sắp mãn khóa. Vào đúng lúc Nam đang khẩn cấp vật lộn để hoàn tất bài nộp cuối quý thì cha anh từ Úc sang thăm sau hơn ba năm xa cách. Nam là một nhà văn đang trong tình trạng bế tắc, viết không được. Nhất là bế tắc đề tài. Thầy và bạn của Nam  không hiểu tại sao anh không chịu viết về Việt Nam. Ông thày lớp viết văn bảo Nam “Văn chương dân thiểu số bây giờ ăn khách lắm” “Và còn quan trọng nũa chứ.” Một người bạn Nam bảo anh ta: Tôi biết khi tôi nói thế này thì hóa ra tôi là người thật tệ quá, nhưng đó cũng là lý do vì sao tôi không quan tâm tới văn của anh, Nam ạ. Bởi anh có thể cứ viết về thuyền nhân Việt Nam hoài hoài…nhưng thay vì làm vậy, anh lại chọn viết về những con quỷ hút máu đồng tính nữ và những tên sát nhân gốc Colombia và về những đứa trẻ mồ côi ở Hiroshima – và cả về những họa sĩ ở New York bị bệnh trĩ nữa.” Ngoài ra anh cũng còn rất khó chịu vì những lời dè bỉu của giới viết lách Mỹ đối với những nhà văn Á Châu khi họ cho rằng nhà văn Á Châu viết câu văn trần trụi vì  vốn liếng từ ngữ nghèo nàn, sáng tác theo thị hiếu thị trường muốn tìm đọc hoa thơm cỏ lạ, muốn biết về các món ăn của dân thiểu số v.v…

Để phản bác thiên kiến khó tẩy bỏ của giới viết văn, xuất bản, cũng như phần đông người đọc Mỹ  nên trước tiên và trên hết thảy Nam Lê cho thấy công lực học thuật và Anh ngữ của mình bằng cách: qua tiểu thuyết viết về chính hành động viết. Trong truyện Nam Lê cũng còn cho người đọc cảm nhận sâu sắc được tình cha con, quan niệm của anh về lịch sử, về cái quá khứ thống hận của cha anh. Đến thăm con, người cha hiện ra như một bóng lớn lặng lẽ, như một quá khứ đè nặng trên vai tuổi thơ cũng như cuộc sống hôm nay của Nam. Sự có mặt của người cha đẩy anh trở lại tuổi thơ khó khăn, quá khứ của ông được kể (rất vắn tắt với vợ con trong gia đình nhưng lại đầy cảm xúc trong những bữa nhậu với bạn bè cũ) ở những hoàn cảnh và những thời điểm khác nhau cho ta cảm giác tự sự về cuộc đời cũng như lịch sử bày ra những sự thực thật đong đưa, bất định. Nam Lê đã dùng cuộc họp mặt cha con làm đề tài cho bài văn cuối khóa. Linda bạn gái của Nam sau khi đọc văn bản tỏ ra không hiểu anh muốn nói gì nhưng kết luận Nam viết truyện này để bênh vực cha anh, một kẻ đã nói ra miệng “trong lòng cha chỉ có hận thù”. Nhưng lòng hận thù này khá phức tạp, không một chiều. Lòng hận thù đó phát xuất từ vụ tàn sát Mỹ lai khi đó ông mới chỉ là một đứa trẻ 14 tuổi phải chứng kiến mẹ ông bị giết chết, nó cũng còn  phát xuất từ những ngày tối tăm đầm mình trong cuộc chiến tranh phi lý vì ông là một sĩ quan trong quân đội Miền Nam, và vì những ngày địa ngục trong trại cải tạo. Sau cùng Nam đã thẳng thắn tuyên bố: Đây là cái tôi tin tưởng: Chúng tôi kính trọng bất kỳ sự hy sinh nào của cha mẹ chúng tôi, miễn sao sự hy sinh đó không được thực hiện nhân danh chúng tôi. Với cha tôi, không có một cái tên nào khác – chỉ có một tên tôi thôi, và ông đã đặt tên tôi theo tên cái quê nhà ông đã phải từ bỏ. Sự hy sinh của ông là  trọn vẹn và nó đã thúc đẩy ông tới tất cả những gì đã xảy ra sau đó. Với tất cả, tôi là một kẻ chưa vẹn toàn.” (The Boat, p. 19-20). Đoạn văn này có thể hiểu rộng ra là: thế hệ cha chú đã có những hành động, nhất là đã tham dự vào cuộc chiến tranh đẫm máu, dù ở bên này hay ở bên kia chiến tuyến, và hậu quả của cuộc chiến tranh ấy còn đậm nét trên đời sống của những con người không những của thế hệ đó mà còn trên cả thế hệ kế tiếp. Nhưng thế hệ trẻ không tham dự vào cuộc chiến đó cho nên không thể tha thứ cho bất kỳ ai nói rằng họ đã hy sinh trong chiến tranh vì thế hệ tương lai (dân tộc, tổ quốc), nghĩa là nhân danh họ. Nghệ thuật viết truyện ngắn của Nam Lê nhằm trình bày những con người của mọi chủng tộc khác nhau, từ những nền văn hóa khác nhau, ở những giai đoạn sinh tử của đời sống, đối diện với sự mất mát, với cái chết hay sự kinh hoàng, bị xô đẩy vào hoàn cảnh giới hạn cùng kiệt để sau cùng và trên hết thảy, nhận ra được bản ngã của mình và hiểu được mình muốn gì và tin vào điều gì.

Truyện kế tiếp “Cartagenia” là lời tự sự của một đứa con trai 14 tuổi làm tay sai cho một tên chúa chùm buôn bán ma túy người Colombia. Tác giả mô tả cuộc sống khốn khổ bế tắc của trẻ con ở những xứ chậm phát triển, con người sống trong tăm tối, tai họa có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Trong truyện “Gặp Gỡ Elise” giọng kể hấp hối của một người cha họa sĩ già ở New York về cuộc đoàn tụ quá trễ muộn với người con gái của ông. Cô hiện là một nhạc sĩ trung hồ cầm ông chưa từng gặp mặt. Giờ đây ông không còn mấy thì giờ để gặp gỡ con vì cô sắp sửa phải đi trình diễn. Truyện “Hiroshima” kể lại cuộc di tản trốn bom nguyên tử cùng lũ bạn học của một bé gái 13 tuổi đến ngôi chùa Shinto vài giờ trước khi bom rơi xuống thành phố. “Teheran Gọi” kể lại chuyện một phụ nữ Mỹ bị trầm cảm vì không thỏa mãn với nghề nghiệp của mình và vì cuộc tình đớn đau vừa trải qua. Bà làm một chuyến đi thăm người bạn thân ở Teheran nhưng khi đến nơi lại trúng ngay vào ngày bắt đầu mùa lễ hội Hồi giáo. Việc người bạn gái của bà là kẻ  đã chọn lựa con đường họat động chính trị như một người bất đồng chính kiến giúp bà tỉnh ngộ về bản thân và cuộc đời. Truyện “Vịnh Halflead” thật cảm động với cuộc đời của Jamie một thiếu niên ham mê đá banh, nhà ở trông ra vịnh, cha đã về già và mẹ bịnh hoạn triền miên. Cha của Jamie cũng như bạn bè nó đều nghĩ rằng Jamie là một đứa trẻ thất bại, họ còn nghi là trước đây chính nó là kẻ đã giết một thằng con trai cả gan ngấp nghé đứa con gái nó yêu thương. Nhưng cuối cùng Jamie đã tìm thấy bản ngã của nó qua những biến cố dồn dập kết thúc một quãng đời niên thiếu.

 

Truyện cuối cùng “Con Thuyền” dùng làm tựa đề cho quyển sách kể lại chuyến vượt biên của người thiếu nữ tên Mai cùng với gần bốn trăm người vượt biển trên một con thuyền nhỏ bé đã phải trực diện với sự đói khát, kinh hoàng, bệnh tật, cái chết trong suốt 13 ngày.  Trong khi niềm khát khao thuyền tới được đất liền là sự chờ đơi của mọi người, nhưng với Mai trong chuyến vượt biên này sự gặp gỡ tình người qua việc phụ giúp mẹ một đứa bé chăm sóc nó vì nó ngã bệnh, tình thương thơ ngây hồn nhiên nó dành cho cô cũng như niềm hy vọng của Mai rằng thằng bé sẽ qua khỏi mới là niềm hạnh phúc tuyệt vời. Dù rằng cuối cùng đứa bé đó đã không thoát khỏi cơn bệnh ngặt nghèo khi thuyền sắp vào đến đất liền và Mai đã cùng với mẹ nó phải quăng xác đứa bé xuống biển, nhưng tình yêu của Mai dành cho đứa bé mãi mãi vẫn còn đó. Cái chết và niềm hy vọng đụng mặt vào giây phút kết thúc của trang sách.

 

Qua hai truyện ở đầu và cuối sách, Nam Lê đã, gián tiếp ở truyện trên và trực tiếp ở truyện sau, cho thấy cuộc chiến tranh Việt Nam là một vết sẹo trên cơ thể cuộc sống hàng ngày của người Việt, ảnh hưởng của nó làm biến đổi số phần và bản ngã mỗi người, khua thức khuấy động trong cả những giấc mơ, và đó là một gánh nặng lịch sử mọi người phải mang nặng trên vai.

 

Đào Trung Đạo

----------------- *Đây là blog cá nhân của Đào Trung Đạo. Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

Bài bình luận

xk4MZj <a href="http://zclzuzubkfbq.com/">zclzuzubkfbq</a>, [url=http://hfzymfdyuzel.com/]hfzymfdyuzel[/url], [link=http://bvnhjfmpgwvv.com/]bvnhjfmpgwvv[/link], http://gcxfmlbirycm.com/