Tết Tân Mão đã qua vậy mà còn nhiều chuyện để nói. Nhân dịp Tết, đài BBC đã chạy một bài "Việt Nam đón Mèo còn châu Á chào Thỏ" của ký giả Nguyễn Hùng, qua đó nêu lên sự khác biệt giữa Thỏ với Mèo là một sự kiện quan tâm hàng quốc tế về tâm lý Việt Nam đối với Trung Quốc và trở thành một chủ đề thảo luận.
Bài báo thu gom ý kiến chuyên gia học giả về Trung Quốc, Việt Nam học và ghi nhận có hai trường phái. Dù không đi đến kết luận thỏa đáng vì sao chỉ chọn mèo bỏ thỏ hay là sự ngẫu hứng nào đó trong tập quán dân gian mà tạo nên sự khác biệt.
Dẫn lời từ nhà ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông thì cho rằng 12 con giáp đến từ Việt Nam vì "Trong số này có con mèo, trước Việt Nam chọn con mèo, sang kia họ hiếm mèo, nhiều thỏ thì họ thay bằng con thỏ."
Nguyễn Cung Thông dựa trên nền kinh tế lúa nước và đối chiếu ngữ âm cho rằng mèo và mão âm gần giống nhau.
Qua ý kiến chừng mực của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải dĩ nhiên tin rằng khoa chiêm tinh 12 con giáp thuộc về văn hóa Trung Quốc.
Xét cho cùng, 12 con giáp còn lại cũng là một tập hợp vừa phác họa, vừa lý tính nhưng không kém phần mơ hồ hỗn loạn như một số khái niệm khác từ Trung Quốc đã ăn sâu vào văn hóa Việt.
Có thật là mập mờ
BBC cũng đã phỏng vấn trực tiếp một vị chuyên gia văn hóa học và sử Việt Nam và Trung Quốc giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ đã nói rằng những lý giải về sự tồn tại năm Mèo và năm Thỏ còn "mập mờ".
Vị giáo sư này phân biệt ra hai vùng Hoa Bắc và Hoa Nam để nhận thức về văn hóa Trung Quốc và cho rằng Việt Nam cùng chung văn hóa Giang Nam.
Khác với sự so sánh về mặt ngữ âm Mão/Mèo của Nguyễn Cung Thông, Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng chữ Tân trong Tân Mão có nghĩa là Tân/Mới.
Về mặt ngữ học thì cả hai nhà nghiên cứu này đều sai ngộ chồng chất và có vẻ tuỳ tiện diễn dịch các nội hàm từ ngữ tưởng như rất đơn giản.
Thiên Can Địa Chi
Thiên can địa chi thuộc về khoa chiêm tinh cổ đại của Trung Quốc. Địa chi 12 vị (tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) chỉ là định danh chu kỳ không có nghĩa là tên của các con vật. Các con vật được cho vào và có tên thông tục ví dụ như mã (ngựa), dương (dê), hầu (khỉ), kê (gà) nhưng các chữ ngọ, mùi, thân, dậu trong chữ Hán không có nghĩa là ngựa, dê, khỉ, gà.
Nhiều người cứ lầm tưởng các chữ trong địa chi có nghĩa là tên loài vật cho nên dẫn đến nhiều ngộ nhận trầm trọng về chữ nghĩa. Điều này hiện rõ qua các vế đối đầu năm trong tiếng Việt.
Do chữ Mão không có nghĩa là Mèo và không có sự liên tưởng nào đến loài mèo trong chữ Hán cho nên đây có thể là một ngẫu hứng về mặt ngữ âm trong tiếng Việt chứ không phải là sự cố ý thay mèo thành thỏ để gần gũi với sinh hoạt dân gian. Theo lịch số Trung Quốc, người cổ đại cho con Thỏ vào vị này vì lý tính nào đó liên quan tới mặt trăng. Thế thôi.
Vấn đề chuyển dịch từ Thiên Can Địa Chi từ Trung Quốc sang Việt Nam có một số khác biệt như Trâu/Bò, Heo/Lợn, Cừu/Dê, Cọp/Hổ nhưng không đáng được chú ý vì các động vật có cách gọi khác nhau hay là gần chủng loại. Riêng Mèo và Thỏ thì sự sai biệt lớn hơn vì hai con này ngoài sự không cùng chủng loại lại có hình thù rất khác cho nên không thể châm chước như kiểu dê cừu, trâu bò được.
Cường điệu hay tham lam
Nếu nói âm mão gần với mèo rồi cho rằng thiên can địa chi xuất xứ từ Việt Nam thì lại quá tham lam. Nếu điều này có thật thì cần phải chứng minh nghiêm túc chứ không thể dựa vào một sự trùng hợp tình cờ về mặt khẩu âm rồi viện dẫn, chưa nói đến đó là sự diễn dịch là vô căn cứ.
Trường phái của Nguyễn Cung Thông tuy có vẻ như cự tuyệt văn hóa Hán nhưng lại muốn ôm lại những thứ Hán văn hóa đã vun bồi và hoàn thiện cả hơn hai ngàn năm qua.
Nói tới 10 vị trong thiên can như giáp ất bính đinh cũng có nghĩa rất đặc thù dành riêng về quy phạm từ ngữ.
Ngoài ra, chữ Tân trong Tân Mão (辛卯) rõ là không có nghĩa là mới như ông Nguyễn Thừa Hỷ cảm hứng.
Tuy quan điểm của ông Nguyễn Thừa Hỷ có phần dung hòa về sự du nhập văn hóa Trung Quốc nhưng lại tuỳ tiện về mặt tình cảm do đó các dẫn nhập về văn hóa Giang Nam cần phải được rà soát lại nhiều dẫn chứng.
Hiện Tượng Nguyễn Huy Quý
Gần đây, trong một bài trả lời phỏng vấn với Hoàn Cầu Thời Báo (Trung Quốc), một nhà nghiên cứu về Trung Quốc của viện khoa học xã hội Việt Nam, giáo sư Nguyễn Huy Quý nói rằng quan hệ Việt Nam Trung Quốc là quan hệ “tam đồng”, đồng văn, đồng chủng, và đồng chí. Giáo sư này còn cường điệu quan hệ Trung Việt không khác gì quan hệ mật thiết và đặc biệt như hai nước Anh và Mỹ.
Lấy trường hợp tổng bí thư ĐCS Nông Đức Mạnh là người dân tộc Tày/Choang ở biên giới Việt Trung, Nguyễn Huy Quý nhìn nhận về Trung Quốc hoàn toàn khác với quan điểm bấy lâu nay trong sử sách.
Trong lúc đó quan điểm cự tuyệt “Hán văn hóa” thì lại hiếu động và cực đoan. Hai quan điểm này cứ tạo nên những vùng xoáy trong tranh luận và có khi là báng bổ nhau về quan điểm.
Cũng có trường phái cho rằng Việt Nam mới là chủ thể của văn hóa Bách Việt. Nhưng trường phái này hầu như né hẳn yếu tố khách quan Bách Việt chính là một thực thể tạo nên văn hóa Hán ở Trung Quốc. Do đó, tìm được yếu tố Bách Việt trong văn hóa Hán cũng không nói được điều gì về Việt Nam cả.
Quan điểm “khuynh Hoa” thì thường có tâm lý bốc đồng trong lúc đó quan điểm “thoát Hán” thì cào bằng phủ nhận, nhưng một mặt khác thì lại muốn ôm vào những thứ đang thuộc về Trung Quốc và cho là dân tộc Hán đi “cướp” văn hóa của nơi khác như Việt Nam. Tâm lý cả hai nhóm đều trở nên mâu thuẫn và mất thăng bằng vì thật sự phải đối diện với một Trung Quốc trong hiện tại mà không phải là quá khứ.
Qua bài báo của ký giả Nguyễn Hùng này tưởng như là “viết chơi đầu năm” nhưng cho thấy học giới Việt Nam vẫn nổi cộm lên hai quan điểm, “thoát Hán” và “khuynh Hoa”
Sự bốc đồng và cực đoan của hai phái thường không đưa đến những suy luận chính xác và thường không giúp ích gì cho Việt Nam về việc thiết lập một nền tảng văn hóa dân tộc về ít nhất là phương diện hành chánh như các vùng văn hóa địa lý khác.
Bài bình luận
Sau khi đọc bài báo trên -
Có vài điểm quan trọng cần
Bạn Chaunhu Hoang và các bạn
Chức năng ký âm của tên 12