Song Chi.
Uploaded with ImageShack.us
Cảnh trong phim "Lý Công Uẩn-Đường đến thành Thăng long". Nguồn: thethaovanhoa.vn
Mấy hôm nay tôi đọc những bài báo và dư luận ở trong nước xung quanh bộ phim truyền hình nhiều tập “Lý Công Uẩn-Đường đến thành Thăng Long”. Và tôi cũng xem được cái trailer quảng cáo của bộ phim. Tôi không muốn nói gì về nội dung và chất lượng nghệ thuật của bộ phim này, thứ nhất vì mới chỉ xem được cái trailer (mặc dù chỉ cần như thế cũng đã thấy được cái bản sắc văn hóa Trung Hoa bao trùm và đây rõ ràng là một bộ phim Tàu nói tiếng Việt không sai), hơn nữa, nhiều người đã có những nhận xét rất chính xác về bộ phim này rồi. Sự bất bình, phẫn nộ của dư luận là hoàn toàn đúng. Điều tôi muốn nói, là chúng ta thấy gì qua câu chuyện này?
SỰ LỆ THUỘC VỀ VĂN HÓA-KHÔNG PHẢI ĐẾN BÂY GIỜ MỚI XẢY RA!
Nhiều người nói đến sự lệ thuộc về văn hóa hay nô dịch về văn hóa trong bộ phim “Lý Công Uẩn-Đường đến thành Thăng Long”. Nhưng nghĩ cho cùng, ai đã tiếp tay cho văn hóa Trung Quốc nói chung và phim ảnh Trung Quốc nói riêng tràn vào Việt Nam lâu nay? Suốt cả một thời gian dài, trên hầu hết các kênh truyền hình của Việt Nam tràn ngập phim Trung Quốc-hết phim dã sử, lịch sử đến phim tình cảm, hình sự, điều tra phá án…Bật qua kênh nào cũng là phim…Tàu. Bên cạnh đó là phim Hàn Quốc. Hết chiếu phim Trung Quốc, Hàn Quốc, các hãng, đài lại đua nhau làm phim theo công nghệ Hàn Quốc, kịch bản phim Trung Quốc, Hàn Quốc…Thực tế là mấy năm gần đây do tình hình phim truyền hình Việt Nam sản xuất ồ ạt, kịch bản nhiều khi kiếm người viết không xuể, và lại lâu nữa, thế là để cho nhanh, người ta mua lại những kịch bản phim truyền hình của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…và dịch ra, cho một người hoặc một nhóm biên kịch chế biến xào nấu một chút gọi là “Việt hóa”, thế là xong. Phim chiếu ra, từ câu chuyện cho đến tính cách, ngôn ngữ của nhân vật, mặc dù đã cố gắng gia công “Việt hóa” nhưng vẫn như chuyện của nước khác.
Cho đến nay, có khoảng trên 20 bộ phim Việt Nam được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài như “Lẵng hoa tình yêu”, “Vòng xoáy tình yêu”, “Bà mẹ nhí”, “Cô gái xấu xí”, “Những người độc thân vui vẻ”, “Hoa dã quỳ”, “Gia đình phép thuật”, “Có lẽ nào ta yêu nhau”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Anh em nhà bác sĩ”…Chiếm gần một nửa trong số đó là kịch bản phim Hàn Quốc, và có những phim đã được sản xuất từ cả chục năm trước, cũng đã được chiếu ở Việt Nam nhiều lần, như “Anh em nhà bác sĩ” chẳng hạn. Những bộ phim đó thực chất cũng là “phim Hàn nói tiếng Việt” thôi. Chưa kể những bộ phim hoàn toàn do người Việt thực hiện từ kịch bản, đạo diễn…nhưng cũng ảnh hưởng mô típ phim truyền hình Hàn Quốc đầy nước mắt với những bi kịch gia đình, tình yêu trắc trở, bệnh ung thư gây chia lìa… Vậy thì không phải đến “Lý Công Uẩn-Đường đến thành Thăng Long” sự lệ thuộc về văn hóa nước ngoài mới diễn ra. Chỉ có điều, trong trường hợp của bộ phim “Lý Công Uẩn-Đường đến thành Thăng Long”, ai cũng biết, sở dĩ dư luận sôi sục, bất bình, phẫn nộ bởi vì đây là phim lịch sử, lại được làm với mục đích kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, vậy mà lại do… người Trung Quốc thực hiện, từ kịch bản đến đạo diễn, chuyên viên hóa trang, diễn viên đóng thế, diễn viên quần chúng… bối cảnh thì thuê ở phim trường của Trung Quốc, phục trang, đạo cụ…cũng của Trung Quốc!
Uploaded with ImageShack.us
Đoàn diễn viên Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm cùng đạo diễn Cận Đức Mậu (giữa). Nguồn:tintuc.xalo.vn
TÂM LÝ CỨ LÀM, BẤT CHẤP LỜI CẢNH BÁO RỒI CÓ GÌ TÍNH SAU!
Điều đáng nói ở đây là tại sao những người có trách nhiệm, những người quản lý phía Việt Nam lại không giám sát thật kỹ khâu kịch bản ngay từ đầu, và khi thấy nhà sản xuất-công ty cổ phần truyền hình Trường Thành, mời cả một êkíp làm phim người Trung Quốc và kéo nhau sang Trung Quốc thuê bối cảnh thì không có ý kiến ngay, để bây giờ phim xong rồi Hội đồng duyệt phim quốc gia mới bảo là “yếu tố Trung Hoa rõ quá” (theo báo Người lao động) và bắt phải sửa lại? Ai ở trong nghề cũng biết rằng khi phim đã hoàn tất, cắt sửa một phân đoạn thôi đã là việc không đơn giản, thà bỏ đi quay lại còn dễ hơn. Huống hồ ở đây cả bộ phim từ đầu đến cuối đậm đặc bản sắc Trung Hoa như thế, “Việt hóa” lại cách nào? Những người làm phim cũng chỉ có thể chỉnh sửa sơ sơ, ví dụ chỉnh những câu thoại không phù hợp, bỏ đi một số cảnh đông diễn viên quần chúng người Trung Quốc, hoặc vài cảnh rộng cho thấy bối cảnh Trung Hoa rõ nét và quá quen thuộc, dễ nhận ra là…ở bên Tàu v.v…Và nếu dư luận nguôi nguôi, hoặc một thời gian sau quên đi thì dám chắc bộ phim cũng sẽ được cho chiếu như thường. Ở Việt Nam là thế, nhiều sai phạm cực kỳ nghiêm trọng, nặng nề trong nhiều lĩnh vực khác nhau, người ta còn cứ cho qua nữa là một bộ phim! Còn nếu không phát sóng rộng rãi được trong nước thì nhà sản xuất in sang thành DVD, bán ra nước ngoài hoặc bán lại cho các đài truyền hình các nước khác, tìm cách thu hồi vốn, còn các nước khác làm sao mà biết được phim này không đúng với lịch sử, bản sắc văn hóa Việt, hoặc nhiều khi lại tưởng văn hóa Việt giống Trung Hoa đến thế!
Có người sẽ nói, có thể vì bộ phim “Lý Công Uẩn-Đường đến thành Thăng Long” là do tư nhân sản xuất nên về phía nhà nước, phần biên tập, kiểm soát ngay từ đầu có phần lơi lỏng hơn? Có thể là như vậy nhưng đó là với những bộ phim truyện đề tài đương đại, tình cảm xã hội, (bởi vì trong quan điểm của các vị lãnh đạo văn hóa ở Việt Nam, miễn là nội dung tác phẩm đừng có dính dáng gì đến chính trị, đến những vấn đề “nhạy cảm” mà Đảng và nhà nước rất kỵ như tự do dân chủ, nhân quyền, bất công xã hội, đời sống thật của công nhân, nông dân, dân nghèo cho đến sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải…còn lại, đề tài gì, hay dở, nhảm nhí, phản thẩm mỹ, phản văn hóa…ra sao cũng cho qua). Còn với phim lịch sử, lại làm nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng long-Hà nội như thế này thì không thể cẩu thả, cho dù là phim tư nhân hay phim nhà nước. Chưa kể, đang có những thông tin rằng trong bộ phim này, phía Trung Quốc bỏ ra 50 tỷ để đầu tư, chuyện này có thể xem như một sự vô tình không hay cũng nằm trong ý đồ quảng bá văn hóa Trung Quốc của nước này, mà phía Việt Nam thì các quan chức có trách nhiệm từ trên xuống dưới cứ thấy tiền là gật?
Tôi có cảm giác rằng trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật cho đến an ninh quốc phòng, đối ngoại…những người có trách nhiệm cao nhất ở Việt Nam từ lâu nay dường như hay có thói quen…coi thường dư luận, coi thường những lời cảnh báo của những nhà chuyên môn, trí thức cho đến người dân thường có lòng với đất nước. Có khá nhiều chuyện đã được dư luận lên tiếng cảnh báo, góp ý ngay từ đầu nhưng những người lãnh đạo chẳng thèm nghe (mà sự vỡ nợ của Vinashin chẳng hạn là một ví dụ gần đây nhất, trong lĩnh vực kinh tế). Trong chuyện làm phim về lịch sử, ngay từ đầu khi các hãng đua nhau đưa ra những dự án phim truyền hình, phim nhựa… nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhiều ý kiến của các nhà lịch sử, người trong nghề cũng đã tỏ ý lo ngại rằng trong điều kiện làm phim ở Việt Nam hiện nay, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn từ việc không có phim trường (mà sử dụng bối cảnh thiên nhiên có sẵn thì cũng hiện đại hóa nhiều, thay đổi nhiều theo thời gian), khó khăn về nguồn tư liệu lịch sử trong việc dàn dựng bối cảnh, thiết kế phục trang, đạo cụ…cho đến kinh nghiệm làm phim lịch sử…Do vậy, việc làm phim lịch sử phải hết sức cẩn trọng, cần phải theo dõi, giám sát kỹ lưỡng; những người làm phim không thể cứ thấy có tiền là làm cho bằng được, bất kể tiền đó từ đâu (từ ngân sách của nhà nước tức tiền thuế của nhân dân hay từ tiền của…nước lạ), còn những người chịu trách nhiệm biên tập, giám sát...khi “tiền trách nhiệm” đã bỏ vào túi rồi thì mặc cho những người thực hiện muốn chế biến, xào nấu ra sao thì ra, đến khi phim đã làm xong, hậu quả tai hại, dư luận lên tiếng thì mới tìm cách sửa chữa, là sửa bằng cách nào?
Bài bình luận
chỉ vì tham
Ly cong Uan-duong den thanh thang long
Tôi đang muốn bán đất nước " Tung của" với giá 1 đô la !