You are here

5 ngày ở Amsterdam

Ảnh của songchi

Song Chi

Uploaded with ImageShack.us Hình: Joyce Anne Nguyen

Tôi đến Amsterdam vào những ngày tháng Tư-mùa lễ Phục sinh. Ở các nước châu Âu vào mùa này vẫn đang là mùa xuân, thời tiết đẹp. Amsterdam cũng vậy. Trời mát lạnh nhưng vẫn có nắng dịu và ấm áp, rất dễ chịu. Đúng là thời tiết lý tưởng cho du khách thả bộ lang thang qua các đường phố, không kể mùa hè, vốn là mùa của du lịch.
Như thói quen mỗi khi đến một thành phố mới, tôi đã có sẵn một danh sách các bảo tàng, khu di tích văn hóa, lịch sử…để tham quan. Với Amsterdam chẳng hạn, là ngôi nhà của Anne Frank, bảo tàng Vangogh, nhà lưu niệm và bảo tàng Rembrandt…và nhiều nơi khác.
Khi tỉm đến ngôi nhà số 267 đường Prinsengracht nơi cô gái nhỏ Anne Frank đã sống ẩn nấp cùng gia đình và vài người khác trong hơn hai năm và viết cuốn nhật ký nổi tiếng của mình cho đến khi bị bắt, tôi đã thấy cả hàng dãy dài người đang xếp hàng chờ được vào tham quan. Thật không ngờ lại có nhiều người đến thăm ngôi nhà của Anne Frank như vậy, chứng tỏ kể từ khi ra đời cho đến nay, cuốn sách của cô đã có sức hút như thế nào với bao nhiêu người đọc ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Và hầu như ngày nào cũng vậy, hết đám đông này đến đám đông khác. Anne Frank đã làm được điều mà cô từng khao khát“Tôi muốn được tiếp tục sống ngay cả sau khi chết đi”. (I want to go on living even after my death). Thật lạ lùng cái cảm giác khi ta đứng trong ngôi nhà của một con người mà ta chỉ biết đến qua những trang sách thì giờ đây, cuộc sống của cô qua những lời cô kể như hiển hiện trước mắt, trong những căn phòng nhỏ bé này. Cả thảy 8 con người chia sẻ với nhau cái không gian chật hẹp trên tầng hai và ba của tòa nhà, hạn chế mọi tiếng động, mọi sinh hoạt, ở đó một chút nắng trời bên ngoài cũng trở thành niềm khát khao đến cháy bỏng.
Với Vangogh hay Rembrandt thì ngay từ thời sinh viên, tôi đã được xem nhiều bức tranh nổi tiếng của họ trong những cuốn sách về mỹ thuật. Đến bảo tàng Vangogh để được biết thêm những bức tranh khác, phong cách khác hẳn của nhà danh họa như những bức vẽ trong thời gian ông ở Pháp hay những bức mang phong cách tranh Nhật. Bảo tàng Rembrandt được thành lập ngay chính ngôi nhà nơi ông từng ở và sáng tác những kiệt tác của mình trong khoảng thời gian từ 1639 đến 1658. Sau này khi bị phá sản, ngôi nhà đã được đem bán đấu giá còn Rembrandt chuyển về ở tại một căn nhà thuê khác cho đến khi mất khoảng năm 1669. Bây giờ trong ngôi nhà này, ngoài hàng trăm bức tranh của Rembrandt, là khá đầy đủ đồ đạc được bày biện như thời Rembrandt còn sống. Trong phòng làm việc của ông, tấm giá vẽ được dựng lên đúng vị trí, và bảng màu, những cây cọ, lọ màu… cùng với những vật mẫu bừa bộn, tưởng như Rembrandt vừa mới đi đâu ra khỏi nhà và sẽ quay trở lại vẽ tiếp.
Amsterdam có khá nhiều nhà bảo tàng, trong đó ngoài bảo tàng Vangogh, Rembrandt, thuộc loại lớn nhất và “chất lượng” nhất là bảo tàng Rijk với hàng trăm tác phẩm hội họa, đồ sứ, đồ bạc, vũ khí… hầu hết của thế kỷ 16, 17, là thời đại vàng của Hà Lan (Dutch Golden Age). Tham quan bảo tàng Rijk, du khách có thể hình dung thấy vào giai đoạn này Hà Lan từng là một quốc gia phát triển thuộc loại hàng đầu ở châu Âu, không chỉ mạnh về kinh tế, thương mại và hàng hải, mà cả trong các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, mỹ nghệ bằng sứ, bằng bạc…
Tuy nhìn chung, bảo tàng ở Amsterdam có thể chưa bằng Paris hay London cả về số lượng và quy mô, nhưng lại có nhiều bảo tàng độc đáo mà ở các nước khác chưa chắc đã có như bảo tàng về tình dục (sexmuseum), bảo tàng đề tài khiêu dâm (erotic museum), bảo tàng về các trò tra tấn (torture museum), bảo tàng các túi sách và ví (museum of bags and purses), bảo tàng những con tàu (museum the ship) v.v…
Một điểm tham quan khác cũng hấp dẫn du khách là tòa nhà MadameTussauds, tại đó sau khi được nhìn ngắm lại những pho tượng thể hiện các tầng lớp nhân vật khác nhau trong đời sống của đất nước Hà Lan thời xưa từ quý tộc, linh mục, cho đến nông dân, người ăn mày… và được dẫn dắt qua chốn tù ngục khá là rùng rợn, du khách sẽ được “gặp gỡ” hàng loạt nhân vật mà mình yêu mến từ các chính khách như Tổng thống G.Bush, tổng thống Barack Obama, tổng thống J.Kennedy, công nương Diana, đức Đạt Lai Lạt Ma, thánh Gandhi, tổng thống Nelson Mendela…, nhà bác học thiên tài Eisentein, các danh họa Picasso, Vangogh…, cho đến các ca sĩ, nhạc sĩ như Madona, Michael Jackson, Elvis Presley…các diễn viên như Brad Pitt và Angelina Jolie, Johnny Depp, Tom Hank…..Tòa tàng này lả một phiên bản của tòa nhà Madame Tusssauds ở London.
Thành phố cũng có nhiều quảng trường, công viên, nhiều ngôi nhà thờ nổi tiếng như nhà thờ cổ (De Oude Kerk) và nhà thờ mới (De Nieuwe Kerk), đều ở khu vực quảng trường Dam. Nhà thờ cổ-được xây từ thế kỷ thứ 14, bây giờ chỉ là nơi để khách tham quan. Du khách bước đi trong ngôi nhà thờ vắng lạnh, phía dưới sàn nhà ghép bằng những tảng đá dài là 2500 huyệt mộ có khắc tên người chết hay đơn giản chỉ là những con số. Trong danh sách có cả người vợ đầu Saskia của danh họa Rembrandt được chôn ở đây, còn bản thân ông khi mất lại được chôn ở một nhà thờ khác.
Nếu như bảo tàng là nơi lưu giữ những di sản về văn hóa, khoa học, kiến thức nói chung của một dân tộc, thì những ngôi chợ lại là bộ mặt đời sống xã hội của dân tộc đó. Amsterdam có những cái chợ độc đáo như chợ hoa hay khu chợ trời lớn nhất Amsterdam ở phố Albert Cuyp , nghe đâu khu chợ trời này cũng đã có trên 100 năm. Tại đây du khách có thể mua đủ thứ với giá cực kỳ rẻ.
Nhưng thích nhất vẫn là đi lang thang.
Thả bộ qua những con đường để khám phá một thành phố lạ là một niềm vui của phần lớn du khách trong đó có tôi. Amsterdam là một thành phố khá lâu đời. Ngắm những bức tranh vẽ thành phố Amsterdam thế kỷ 16, 17 cũng chẳng khác với Amsterdam hiện nay nhiều. Diện mạo tổng thể của thành phố đã được hình thành với những tòa nhà hầu hết được xây bằng đá, những con đường lát đá với rất nhiều kênh đào trong lòng thành phố và những cây cầu bắc ngang.
Nếu nhìn thoáng qua, kiến trúc của Amsterdam trông hơi cầu kỳ, hơi nặng với mặt tiền các ngôi nhà được xây bằng đá tông màu xậm như nâu đậm, đỏ sậm, vàng đất. Nhưng nhìn kỹ lại có cái đẹp riêng. Tôi đặc biệt thích những con đường hẹp lát đá có dốc lên xuống, với những ngôi nhà có tầng trệt xây một nửa dưới mặt đất, tầng thứ nhất có cầu thang thấp ngay trước cửa. Những con đường vắng, chỉ có người đi bộ, người đi xe đạp, thỉnh thoảng mới có chiếc xe hơi chạy qua. Nét đặc biệt của thành phố này là rất nhiều kênh đào, nhiều cây cầu và nhiều xe đạp. Ngoại trừ những phương tiện công cộng rất tốt như xe điện, xe bus, metro, người dân Amsterdam chỉ dùng xe hơi hoặc xe đạp, rất hiếm khi đi xe gắn máy.
Hà Lan là một quốc gia thuộc loại hết sức tự do, cởi mở về phương diện tình dục. Làm điếm là một nghề công khai. Khu Red light tràn ngập những cửa hàng bán sex toys, phim sex, và những ngôi nhà có đèn neon màu đỏ, những tấm màn nhung đỏ. Phía sau khung cửa kính là những cô gái mặc bikini khoe thân thể, đang đứng chào hàng rất tự nhiên.
Nắng dịu ngọt. Những hàng cây trụi lá chĩa những cành khô lên bầu trời.
Mọi người đổ ra đường, đi dạo phố, mua sắm, ngồi ăn uống ở những quán café có bàn kê ngoài đường. Một ông cụ ngồi phơi nắng trên ghế dài trước hiên nhà. Những cặp tình nhân ngồi trên ghế dọc theo bờ kênh. Ở các quảng trường càng đông người hơn. Như quảng trường Dam, một quảng trường lớn của Amsterdam. Khách du lịch ngồi trên ghế đá hoặc ngồi ngay dưới đất, vừa ăn vừa ngắm những con chim bồ câu đậu đầy quanh đấy, thân thiện, không sợ hãi con người. Những người hát rong, làm trò đang diễn…
Có quảng trường nhỏ hơn nhiều như quảng trường Spui nhưng cũng có nét độc đáo riêng-là khu bán sách, tranh, băng nhạc cũ…
Những ngày ngắn ngủi ở Amsterdam, nhiều lần tôi ngồi ở các quảng trường, ngắm mọi người chung quanh, hưởng cái nắng ấm áp và một cảm giác thật bình yên. Những thành phố lớn của châu Âu hầu hết đều có một bề dày về văn hóa lịch sử cho du khách tha hồ khám phá đồng thời lại có một không gian vừa gần gũi, ấm cúng lại rất yên bình. Cứ ngồi như thế và nhớ về Sài gòn, thành phố nơi tôi đã sống một nửa đời người và bây giờ đã rời xa, lại chạnh lòng nghĩ không biết bao giờ Sài Gòn mới có những địa chỉ văn hóa, những con đường đi bộ, những quảng trường và một không gian yên tĩnh, trong lành cho du khách và người dân có thể ngồi yên thư giãn mà không bận tâm thời gian đang chậm rãi đi qua?

Bài bình luận

do they need advise from communists around the world?