Đào Trung Đạo, RFA
Khi họ Mao còn sống người dân không ai dám nói nguyên họ tên Mao Trạch Đông như thể sợ phạm húy. Hiện nay Mao vẫn được tôn sùng. Ngay như Đặng Tiểu Bình, trong những năm cuối đời, đã nhận ra được những mâu thuận xâu sắc của chính sách Đổi Mới mình chủ trương, và có ý nghĩ cảm phục họ Mao vì trong thời Mao trị vì không làm gì có những nghịch lý như vậy. Cũng chính vì lý do này Mao được “tái sinh”. Dư Hoa thuật lại: “Không lâu trước đây người ta làm một cuộc thăm dò ý kiến trên Internet để biết thái độ dân chúng trước câu hỏi “Nếu như họ Mao sống dậy hôm nay” thì sao. Kết quả có 10% ý kiến cho rằng đó là điều tệ hại, 5% cho rằng việc này chẳng quan hệ gì đối với Trung Quốc cũng như toàn thế giới, trong khi có 85% ý kiến lại cho rằng đó là một điều tốt.” Dư Hoa cho rằng vì đây là cuộc thăm dò ý kiến trên Internet nên rất có thể ý kiến đa số 85% này phần đông là của giới trẻ. Vì giới trẻ hôm nay chẳng biết gì nhiều về lịch sử quá khứ cũng như về họ Mao nên ta có thể suy ra rằng đó là một thái độ bất mãn với giới lãnh đạo hiện tại. Ngoài ra Dư Hoa còn đưa ra nhận xét: Dù tốt hay xấu, những việc họ Mao đã làm ở Trung Quốc nay không còn quan trọng nữa, nhưng ảnh hưởng của tư tưởng Mao Trạch Đông vẫn cứ như những hạt giống vẫn nảy mầm tươi tốt, không hề sút giảm cả ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới. Nhận xét này của Dư Hoa xem ra không có cơ sở.
Sang đến chương “Đọc” họ Dư kể lại việc đọc sách của mình thời niên thiếu và thời tuổi trẻ. Trong thời niên thiếu vào năm 1973, sau cuộc Cách mạng Văn hóa hầu như toàn bộ sách vở bị vệ binh đỏ thiêu rụi và vì là học sinh ở một vùng xa xôi hẻo lánh, sách đọc không có, nên cuốn Tuyển tập Mao Trạch Đông và cuốn Trích dẫn lời Chủ tịch Mao là những cuốn sách duy nhất đối với một đứa trẻ ham đọc sách tưởng chừng sẽ trở thành hấp dẫn đối với cậu học sinh tiểu học họ Dư, nhưng dù có đọc cậu bé cũng hoàn toàn không nhập tâm được gì. Ngược lại, chỉ có những chú giải trong Tuyển tập là gây được chút thích thú vì nhưng chú giải này cho cậu biết được tóm lược những sự kiện và nhân vật lịch sử. Lên trung học Dư Hoa bắt đầu say mê đọc những quyển sách được cho là độc hại. Những quyển sách này may mắn chưa bị vệ binh đỏ thiêu rụi, còn được lén lút truyền tay qua nhiều người cho nên phần lớn thiếu trang, thiếu đầu thiếu đuôi, thiếu cả bìa sách nên cũng chẳng biết tác giả là ai. Dư Hoa kể lại chuyện anh và mấy đứa bạn học vớ được bản dịch lậu một cuốn tiểu thuyết tình lãng mạn của Pháp và cả bọn quyết định thức thâu đêm chia nhau chép tay từng phần quyển sách sau đó nhập lại thành cả quyển để mỗi đứa tha hồ có thể đọc đi đọc lại. Nhưng chuyện tức cười xảy ra là sáng hôm sau khi xem lại thì không đứa nào đọc được chữ viết của đứa kia. Chính vì những cuốn tiểu thuyết mất đầu thiếu đuôi – nhất là thiếu phần kết truyện này đã khiến Dư Hoa, nhiều đêm trằn trọc cố tưởng tượng ra cái kết thúc truyện. Kinh nghiệm này có ảnh hưởng lớn việc đi vào con đường viết lách của Dư Hoa.
Chương viết về “Lỗ Tấn” (mất năm 1936) khá thú vị vì Dư Hoa kể lại mình từ chỗ coi thường văn hào này thời còn trẻ trung ấu trĩ cho đến khi trưởng thành đọc lại Lỗ Tấn mới thấy ngưỡng mộ nhà văn này. Sinh thời Mao Chủ tịch rất hâm mộ Lỗ Tấn, biến tên tuổi nhà văn này thành biểu tượng của sự đúng đắn và cách mạng thường trực. Nhưng bọn trẻ như Dư Hoa lại thấy tác phẩm của Lỗ Tấn mang nặng một ý nghĩa quá tầm văn chương và tự truyện. Và cậu học trò họ Dư ưa chế riễu đã lợi dụng cơ hội gán những ý kiến của mình cho là của Lỗ Tấn để chiến thắng trong những cuộc tranh luận với bè bạn. Nhưng rất lâu sau này khi một đạo diễn điện ảnh muốn Dư Hoa đọc hết những truyện ngắn của Lỗ Tấn để chuyển thể thành kịch bản phim họ Dư mới kinh ngạc khám phá ra Lỗ Tấn quả thực là một nhà văn có tầm vóc lớn lao. Dư Hoa đưa ra kết luận: “Đối với một người đọc, để thực sự gặp gỡ được một nhà văn nhiều khi tùy thuộc vào việc tìm được đúng lúc để đọc.”
Bàn về “Giầu nghèo cách biệt” giọng văn Dư Hoa chua chát hơn. Lịch sử Trung Quốc trải qua từ thời xảy ra Cách mạng Văn hóa đến nay, bạo động biến dạng từ nổi sang chìm: ngày nay có rất nhiều kẻ giàu sang sống vô cảm trước cảnh nghèo túng của những kẻ cùng đinh là những người “không còn gì để mất mát vì họ đã bắt đầu từ con số không” cho nên họ bất chấp đạo lý, luật pháp cản đường kiếm lợi. Và ngay những kẻ giàu sang xa hoa hành xử cũng chẳng khác gì bọn cùng đinh. Phưong châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện” trở thành phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội. Theo chân Lỗ Tấn, Dư Hoa ở những chương sách cuối hướng sự phê phán xã hội triệt để hơn. Như trong chương “Bịp” tác giả vạch trần hiện tượng con người tìm lợi nhuận bằng cách lợi dụng danh tiếng người khác và hiện tượng này nay đã được coi là hợp pháp ở Trung Quốc. Lấy ngay kinh nghiệm bản thân: tuy được chính quyền chỉ định như một nha sĩ nhưng thực ra họ Dư chỉ qua huấn luyện bằng cách quan sát qua loa một nha sĩ đã nghỉ hưu tác nghiệp. Việc không có căn bản học vấn hay huấn luyện nghề nha chẳng phải là điều quan trọng vì đã có chức danh do nhà nước công nhận, có dụng cụ hành nghề, và có cả một văn phòng nằm trong một bệnh viện do nhà nước quản lý. Nhớ lại chuyện cũ Dư Hoa nay biết mình đúng là một nha sĩ “bịp.” Bịp bợm cũng còn là chuyện bình thường trong các cơ sở sản xuất hay bán đồ “nhái”. Tệ nạn “Bắt chước rởm” cũng là một đặc điểm khác của xã hội Trung Quốc hiện nay: chẳng hạn một tờ nhật báo khủng nọ đăng tải một bài viết về chuyện Bill Gates đã thuê một một khu chung cư tồi tàn với một giá cao ngất trời để không bao lâu sau biến khu chung cư này thành một khu chung cư nổi tiếng khắp nước. Thế nhưng, chẳng có ai quan tâm tới sự dối trá của bài báo bởi “Ở Trung Quốc dân chúng chỉ nhún vai coi đó là trò bịp bơm.” Trong khi nông dân nghèo vượt bao dặm đường từ quê ra tỉnh để bán máu đổi lấy miếng ăn thì những đại gia xây cất những lâu đài nguy nga rập khuôn kiểu Tòa Bạch ốc. “Ban ngày thì vị tổng giám đốc công ty ngồi ở bàn giấy thiết kế nhái theo Văn phòng Hình Bầu dục,” nhưng “Buổi tối ông ta cầm tay cô thư ký xinh đẹp và dắt cô ta vào căn phòng ngủ nhái kiểu Phòng ngủ của Lincohn.”
Qua 10 chương sách Dư Hoa cho mọi người thấy rõ tác giả tin rằng phép màu Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng nhất thời. Tác giả khẳng định: “Kiểu mẫu tăng trưởng của Trung Quốc là chi ra 100 tệ để kiếm lời 10 tệ trong tăng trưởng GDP.” Giống như Bước Nhảy Vọt trước đây, cái kiểu mẫu tăng trưởng kinh tế được theo đuổi một cách mù quáng như thế chỉ tổ đưa đến hậu quả thảm khốc mà thôi.
Trong buổi giới thiệu quyển “Trung Quốc trong 10 Chữ” với sinh viên ban Nghiên cứu Văn hóa Trung Quốc ở đại học Berkeley vào ngày 2 tháng 11, 2011 Dư Hoa còn nói đến nhiều tệ trạng khác trong xã hội Trung Quốc hiện nay như giới quan chức địa phương bất chấp chính sách của chính quyền trung ương, mặc sức tham nhũng vơ vét, người có tội chỉ cần có một luật sư và một tay trung gian chạy án và chịu chi tiền thì bản án sẽ được giảm nhẹ tối đa một cách dễ dàng v.v…
Câu hỏi đặt ra là: Liệu các nhà văn “hiện thực phê phán” của Việt Nam có đủ can đảm như Dư Hoa để viết về xã hội nước ta hiện nay không? Nếu như quyển “Trung Quốc trong 10 Chữ” được sang tiếng Việt (như quyễn Huynh Đệ) thì có được xuất bản và lưu hành không?
Bài bình luận gần đây