S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Bà Khương Du – phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng – đã tuyên bố rằng “các hoạt động như tự thiêu, diễn ra liên tục trong nhiều tháng qua, chính là bạo lực” và “các hành động phân liệt gây thiệt hại sinh mạng như thế chính là khủng bố được che đậy."
Thiệt là thầy chạy!
Có bữa, tôi ghe ông Lái Gió (rề rà) kể chuyện bên nhà:
“Đêm đó từ Hải Phòng về Hà Nội, xe về Lương Yên đến Bác Cổ dừng lại cho một số người xuống trước bến. Hắn xuống xe dáo dác tìm xe ôm, đáng nhẽ vào hẳn bến thì có nhiều xe, đằng này lại muốn xuống đây cho thoáng, vì hắn sợ cái không khí nồng nặc mùi dầu xe, mùi nước tiểu ở bến xe. Bước lững thững dọc vỉa hè men viện bảo tàng lịch sử, bỗng tiếng xe máy áp tới và một giọng nữ trung niên hỏi:
- Đi không anh ơi?
Hắn quay đầu lại nhìn, trên chiếc xe máy wawe Trung Quốc cũ là một phụ nữ xồ xề hơn 50, khuôn mặt bự phấn cười nhăn nhở.
- Đi
Hắn leo lên đằng sau xe, người phụ nữ rồ ga vẻ hứng chí như vớ được con mồi, chị ta cười nhăn nhở hỏi:
- Tàu nhanh nhé, nhà nghỉ ngay đây, trong đê thôi.
Hắn không hẳn từ chối, nói:
- Cứ đi đoạn nữa đê.
Thấy vẻ không dứt khoát của hắn, chị phụ nữ nài nỉ:
- Vào đi, tớ chiều hết mình, muốn gì cũng được. Gái già có chiêu của gái già, bọn trẻ kia nó kiêu lắm không làm hết mình đâu.
Người phụ nữ ra sức nài nỉ, chị ta bỏ một bên tay lái vòng đằng sau sờ quần hắn, hơi thở từ nụ cười nhăn nhở phả vào mặt hắn thối hoắc. Hắn gạt tay chị ta ra nói:
- Đi nhìn đường, đâm bây giờ.
Chị ta cười cố gắng duyên dáng nói:
- Đi mở hàng cho tớ đi, hôm nay chưa có khách, tớ cũng đang máu lắm, lấy rẻ thôi nhé, 100 nghìn cả nhà nghỉ bao 1 tiếng, đi không?
Xe đến quán phở, không còn cách nhà bao nhiêu. Hắn bảo xuống đây, chị phụ nữ dừng xe, nét mặt thẫn thờ như tiếc công sức từ này mồi chài không được. Chị thở dài nhìn hắn vớt vát nài nỉ:
- Đi cho chị có chút tiền đong gạo cho cháu, xăng xe của chị cũng chả còn đây em này.
Hắn lặng lẽ lục ví, tìm tờ 100 đưa cho chị. Cầm tờ tiền, cảm tưởng cả lớp phấn trắng bệch rẻ tiền trên mặt chị cũng dãn ra theo nếp nhăn.
- Chị xin, chị hay đứng muộn ở chỗ ban nãy em lên xe, lúc nào muốn giải quyết tìm chị nhé, coi như chị nợ em lần này.
Hắn hỏi:
- Có thật trừ nợ không hay điêu?
Chị quả quyết:
- Chị bán thân chứ không bán cái điêu.
Ông Lái Gió tác nghiệp. Nguồn ảnh: http://aotrangoi.blogspot.com
Có lần, tôi cũng đọc được một truyện ngắn (“Truyện Không Tên”) của bác Bùi Ngọc Tấn – với nội dung gần tương tự – về một phụ nữ tên Sợi, sống trong ngõ Ánh Hồng, cạnh một nhà xí công cộng, luôn luôn ngập ngụa phân người – ở Hà Nội.
Chị Sợi có một mẹt hàng ở đầu ngõ, bầy bán các thứ linh tinh: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích qui. Chị không có vốn nên hàng hoá lèo tèo, thảm hại.
Chị Sợi bán hàng không đủ thu nhập để nuôi mình, và nuôi người mẹ bệnh đang nằm chờ chết nên – đôi lúc – buộc phải bán cả thân. Mẹt hàng, cũng như thân xác “xuống cấp” của người đàn bà đã quá thời xuân sắc này, chỉ hấp dẫn được một loại khách hàng duy nhất: đám ăn mày!
“Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi.
Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ.
Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch quanh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.
Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ. Một bà già. Bà cụ Mít. Đó là một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa. Chính bà Mít cũng không biết mình bao nhiêu tuổi…
Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. Án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.
- Bây giờ một đứa lên tám, một đứa lên mười rồi cô ạ. Vài năm nữa, chúng nó lớn khôn là tôi không lo gì nữa. Tôi có chết cũng không ân hận.
Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:
- Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.
Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà.
- Giúp chị với em nhé. Chị tin ở em.
Thì ra bà muốn gửi chị tiền. Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Chúng còn bé lắm. Chúng mồ côi, chúng mong bà. Chúng cần tiền của bà. Bà phải nuôi chúng. Chúng chưa thể tự kiếm sống được, chưa thể tự lo liệu được. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê.
……
Mùa rét bao giờ cũng là thời gian gay go của chị. Hàng họ ế ẩm. Khách đến nhà cũng ít. Bù lại với đám ăn mày, mùa rét là mùa cưới xin, mùa bốc mả. Trong khi hiếu, hỷ, người ta rộng rãi với ăn mày. Bà cụ Mít vẫn thỉnh thoảng tới chỗ chị để cho chị hòn xôi, miếng thịt. Bà kêu rét và gửi chị thêm một ít tiền. Chị bảo bà đã gửi bốn lần tiền rồi sao không mang về cho các cháu kẻo chúng nó mong, đã lâu rồi bà chưa về nhưng bà Mít nói:
- Tôi cố thêm ít ngày nữa. Rồi về ở với chúng nó một thời gian. Ngoài giêng tôi mới ra. Bà cháu xa nhau lâu quá rồi. Lại còn phải cố mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới mặc Tết.
Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại. Chị Sợi biết rằng có chuyện chẳng lành nhưng vẫn hy vọng được thấy dáng người nhỏ còng còng của bà trong tấm ni-lông vá víu chống gậy, khoác bị bước tới. Chị chưa chờ ai đến như vậy. Lo lắng. Hy vọng. Tuyệt vọng. Chắc chắn bà Mít đã chết ở đâu rồi!
Chị Sợi kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Rồi gấp những tờ giấy xi-măng, những túi ni-lông. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:
- Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. Ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.
- Em biết quê bà ở đâu mà tìm?
- Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra. Hỏi dân. Hỏi tòa án.
Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó…”
Đọc xong “Truyện Không Tên,” tôi đã viết thư cảm ơn tác giả vì ông đã sáng tạo ra những nhân vật hết sức nhân ái, làm cảm động lòng người, và khiến cho độc giả thấy đời thêm đáng sống. Khi hồi âm, Bùi Ngọc Tấn cho biết ông không sáng tác mà chỉ ghi lại –nguyên văn – lời kể chuyện của chị Sợi về cuộc đời (không may) của chính mình thôi.
Bà Mít đã chết nhưng anh Què vẫn sống lẩn quẩn bằng cách ăn xin, cạnh ngõ Ánh Hồng. Chị Sợi vẫn vừa bán nước chè, vừa bán thân để nuôi mình và nuôi mẹ. Hai người vẫn đi lại, nương tựa vào nhau mà sống.
Tôi chưa bao giờ có cơ hội được đặt chân đến Hà Nội nhưng vẫn thấy vô cùng cảm khái khi biết rằng nơi một con hẻm hôi thối – ở trong lòng quê hương xa lắc của mình – vẫn có những người dân còn giữ được nguyên vẹn tâm hồn đôn hậu như chị Sợi, hay như người phụ nữ xồ xề (“mặt bự phấn son”) đã chèo kéo ông Lái Gió, hôm nào, cạnh một bến xe nồng nặc mùi nước tiểu.
Dù cách xa nhà đến hơn nửa vòng quả đất, tôi vẫn có thể cảm được cái “hồn thơm tho” của cả dân tộc mình qua tấm lòng trong veo của họ. Dù họ phải bán thân, rồi bán cả mồ hôi (“mà đói rách vẫn quần cho sớm tối”) nhưng nhất định không bán sự điêu ngoa, hay gian trá.
Tuy nhiên, bách nhân bách tính. Câu truyện mà mà blogger Trịnh Hội mới mới kể bữa rồi, về một phụ nữ Hà Nội khác – bà Nguyễn Phương Nga, nguyên phát ngôn viên của BNGVN – lại khiến cho tôi bỗng hoá băn khoăn về tư cách của người dân Việt:
“Tôi đã từng có lần gặp bà Phương Nga ở ngoài đời, nói thẳng ra là gặp ở trường Đại Học Oxford lúc bà tháp tùng ông Đại Sứ Anh ở Việt Nam thời đó, Mark Kent, đến trò chuyện cùng đám sinh viên, cựu sinh viên Việt Nam ở trường như tôi. Bà là người vẫn còn khá trẻ, có những cử chỉ nhẹ nhàng, từ tốn và dĩ nhiên tôi đoán là một người có học thức cao, nói tiếng Anh lưu loát.”
“Nhưng kể từ khi tôi nghe chính lời bà tuyên bố những câu quá trơ trẽn thì tất cả những tình cảm thiện chí của tôi dành cho bà lúc ban đầu bỗng nhiên biến mất. Vì tôi nghĩ, đồng ý là ai cũng phải tìm việc làm, phải tự lo cho mình, cho gia đình, cho con cái. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình phải làm những việc, phải nói những lời trái với lương tâm của mình. Và trực tiếp làm tổn hại đến danh dự, cuộc sống của những người chung quanh mình. Nếu chỉ vì tiền, tôi tin rằng một người có khả năng và bằng cấp như bà hoàn toàn có thể tìm được một việc làm tốt hơn cho một công ty ngoại quốc ở Việt Nam.”
Phương Nga. Ảnh: V.DŨNG. Nguồn: tuoitrenews.vn
Cùng với Trịnh Hội, Tạ Phong Tần – vào ngày 10 tháng 8 năm 2011 – cũng có những lời phàn nàn tương tự về ngôn ngữ của bà Nguyễn Phương Nga, sau khi nghe nhân vật này phát biểu về phiên toà xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ:
“Bà là một kẻ dối trá, dối trá một cách trơ trẽn, mặt dạn mày dày không biết ngượng. Tôi thật xấu hổ thay cho bà, nếu bà còn biết xấu hổ và còn có lương tâm con người, thì bà đã không quanh năm suốt tháng lặp đi lặp lại cái câu ‘Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền. Cũng như ở mọi quốc gia khác, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị’ trong khi sự thật xã hội VN hiện nay hoàn toàn ngược lại.”
Ông Nguyễn Hưng Quốc cũng có lần phàn nàn (y) như thế: “Ở Việt Nam, người ta hay nói đến chữ ‘nhà nước pháp quyền’. Người sử dùng chữ này nhiều nhất không chừng là bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao. Hình như bất cứ khi nào bị phóng viên ngoại quốc hạch hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam là bà lại xào lại món ăn cũ: ‘Việt Nam là một nhà nước pháp quyền!’ Tôi đã có dịp chuyện trò với một số phóng viên ngoại quốc từng làm việc ở Việt Nam. Hỏi cảm tưởng của họ khi nghe những câu trả lời như thế, ai cũng cười. Và người Việt Nam chúng ta cũng cười ...”
Nói thiệt: sao tui cười không (muốn) nổi. Bà Phương Nga đã làm tôi buồn quá mạng, buồn thảm thiết, và buồn muốn chết luôn vì có một người đồng hương điêu ngoa, dối trá, và quá quắt (hết thuốc chữa) như vậy.
Ảnh: Reuters
Tôi suýt tự tử (vì buồn) thì nghe tin tu sĩ Norbu Dathul tự thiêu ở Tứ Xuyên, vào hôm 15 tháng 10 năm 2011. Sau đó, cũng ở địa phương này, vào ngày 03/11/2011 “lại có thêm một ni cô người Tây Tạng tự thiêu, nâng số tăng ni Tây Tạng chọn biện pháp hy sinh này lên thành 11 người, kể từ tháng ba đến nay. Làn sóng tự thiêu đó đã thu hút mối quan tâm của công luận đến chính sách đàn áp khắc nghiệt của Bắc Kinh nhắm vào người Tây Tạng, không chỉ đối với những người sống ở chính Tây Tạng, mà cả đối với người Tây Tạng đã tự nguyện sống tại Trung Quốc” – theo như tường thuật của phóng viên Trọng Nghĩa, RFI:
Khuơng Du. Ảnh: BBC
Thiệt là thầy chạy!
So với sự điêu ngoa (và quá quắt) của Khương Du thì Phương Nga – rõ ràng – phải chào thua, và chắc chắn phải gọi bà chị Trung Hoa này ... bằng Cụ. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho anh Ba Dũng phải điều cô em của tôi đi làm công tác khác, cho đỡ vất vả hơn. Ta, xét ra, còn phải học Tầu nhiều lắm!
Bài bình luận
family Tuong