You are here

Lá thơ gởi giới nghệ sĩ

Thú thật, tôi đắn đo rất nhiều khi viết lá thơ này, bởi tôi chỉ là một thường dân, đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
 
Tôi ngần ngại khi viết lá thơ này, cũng vì tôi chỉ là một khán giả bình thường như hàng triệu người. Tôi tần ngần trên bàn phím để viết lá thơ này, gởi đến cô Thanh Lam với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp và được phong danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân vào tháng 12 năm 2023, cùng Tiến sĩ Nghệ thuật - Nghệ Sĩ Nhân Dân Bạch Tuyết, sau khi "thưởng thức" cô Thanh Lam trình diễn bài "Áo Mới Cà Mau" [1] trên sân khấu game show "Our Song" và sau khi clip đó chấm dứt, tôi vô tình bắt gặp "Mang Tiền Về Cho Mẹ" [2] của cô Bạch Tuyết trình bày với phần "Ca Trù" thay cho cách "Nói Lối" của Cải Lương.
 
Tôi loay hoay tìm ý tưởng sao cho giản dị mà thuyết phục, trước những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp, khi phải viết lá thơ này, bởi tôi không phải là người thuộc về "thánh đường nghệ thuật". Lý do khiến tôi phân vân, vì cảm thấy bản thân có vẻ đường đột và sỗ sàng với thành ngữ "đũa mốc đòi chòi mâm son", vì nó sẽ biến tôi trở nên lố bịch trong mắt cô Bạch Tuyết và cô Thanh Lam, cùng hàng ngàn người mang danh "văn - nghệ sĩ" nổi tiếng khác, khi "cả gan" đánh giá sự trình diễn của những tên tuổi hàng đầu thuộc giới nghệ sĩ tại Việt Nam (!).
 
Những người dân miền Nam mộc mạc với cách gọi "đào thương - đào mụ - đào lẳng" hay "kép văn - kép võ - kép độc" không hề khi dể các nghệ sĩ Cải Lương, vì vốn dĩ Cải Lương thấm đẫm tính hồn hậu và chơn chất từ câu hò điệu lý, của những ngày "chang chang nắng gắt" hay "mưa dầm héo cả dây bầu", rồi từ đó phả hồn vào những bài bản. Giới mộ điệu không thể quên "Cải Lương Chi Bảo" Bạch Tuyết được xướng lên, vào năm 1962 như là bảo vật của bộ môn Cải Lương. Khán giả yêu thích Cải Lương không cần biết "cô đào" tài sắc vẹn toàn Bạch Tuyết là tiến sĩ nghệ thuật hay Nghệ Sĩ Nhân Dân nhưng người ta luôn nhớ cô Lựu Bạch Tuyết đầy nỗi niềm u uất hoặc Thái hậu Dương Vân Nga Bạch Tuyết vẫn uy nghi đường bệ, với nỗi lòng ngổn ngang "thù trong giặc ngoài", thay con "gánh vác san hà" giữa cơn nguy biến.
 
Khán giả đã say mê thưởng thức nhạc phẩm "Giọt Nắng Bên Thềm" của cố nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác, với giọng ca mang âm sắc lạ mà hay tuyệt vời cùng vóc dáng thanh tú, khuôn mặt khả ái của nữ ca sĩ Thanh Lam trình bày đầu tiên trên "màn ảnh nhỏ", cách đây hơn 30 năm. Giới mộ điệu tân nhạc ngày càng cảm thấy "sợ", mỗi khi Thanh Lam xuất hiện trên sân khấu trong vai trò ca sĩ, bằng việc phô diễn kỹ thuật thanh nhạc hơn là trút nỗi niềm thay cho khán giả, dù đó là "tiếc nuối Hạ Trắng" của Trịnh Công Sơn hay "niềm tự hào Đất Nước" của Phạm Minh Tuấn. Người am hiểu tân nhạc, không hiểu lý do gì làm cho cô ca sĩ khả ái Thanh Lam ngày xưa, lại từ bỏ lối hát gây ngất ngây lòng người, để thay bằng cách hát "xung phong và "ào lên như vũ bão" khiến khán giả có thể ngất xỉu tại chỗ, mỗi khi Thanh Lam... hét lên. Rất tiếc! Danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân không giúp ca sĩ Thanh Lam lấy lại niềm ái mộ của khán giả đã mất hút từ nhiều năm qua, từ sự ca tụng "bộ tứ Diva" hào nhoáng!
 
Dĩ nhiên, đứng trước một bài hát quá quen thuộc và gần như phổ biến trong quảng đại quần chúng, người biểu diễn bắt buộc phải sáng tạo, sao cho tạo dấu ấn riêng là một điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, sáng tạo phải mới - hay nhưng tránh lố lăng - kỳ quái và đặc biệt tối kỵ, khi cô đào Bạch Tuyết và ca sĩ Thanh Lam không phân biệt được giữa sự độc đáo với độc hại, bày ra trước mắt hàng triệu khán giả.
 
Làm sao có thể chấp nhận cô đào Bạch Tuyết pha Ca Trù vào trong Vọng Cổ như lớp trẻ đua đòi trộn trà sữa với mắm tôm, vốn đã xảy ra trong đời thực, khiến gây lợm giọng và thậm chí ói mửa (!). Bài bản Cải Lương thuộc tâm tình chắt chiu của người dân Nam Bộ, còn làn điệu Ca Trù hay Chèo Cổ - Quan Họ Bắc Ninh thuộc hồn cốt ngàn năm người dân Bắc Bộ. Nghệ sĩ cần phải sáng tạo. Nhưng sáng tạo không phải để gây choáng váng cho khán giả.
 
Làm sao có thể trách khán giả  không cười cợt - chê bai, khi ca sĩ Thanh Lam với vóc dáng đẫy đà của một phụ nữ luống tuổi, vẫn có thể trồng chuối và xoạc chân thẳng băng, nhằm để khoe sự dẻo dai của người đàn bà đã qua thời xuân sắc (!). Sân khấu trình diễn nghệ thuật không phải sân vận động thể thao, để ở đó thi thố sự khỏe mạnh dẻo dai của ca sĩ. Ca sĩ phải khỏe mạnh để giữ giọng ca hay và làn hơi đầy nhưng làm ca sĩ không cần trưng trổ, như một vận động viên thể dục dụng cụ.
 
Làm văn hóa phải am tường văn hóa làm nghề, bởi văn hóa là những gì tinh túy của mỗi dân tộc. Sáng tạo văn hóa không phải nấu một nồi lẩu.
 
Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách - Nước nhà có lúc hưng thịnh, lúc suy vong, một người dân thường cũng cần có trách nhiệm.
 
Văn hóa thịnh suy - nghệ sĩ chớ tắc trách!