Song Chi
Vừa qua tại một số nơi ở Việt Nam, Hoa Kỳ, đông đảo Phật tử đã tổ chức Lễ Tiểu tường Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ như tại Chùa Phật Ân, Đồng Nai vào ngày 12/11, tại Chùa Kim Quang Sacramento, California vào sáng Chủ nhật 17/11/2024 và có thể, nhiều nơi khác nữa…Như vậy là tổ chức sớm, vì Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch vào ngày 24/11/2023.
Ngày Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ rời cõi tạm, rất nhiều Phật tử, học trò của Thầy Tuệ Sỹ, các trí thức, học giả từng có cơ duyên được biết, được làm việc chung hay chỉ đọc và biết đến Hòa thượng từ xa, đã có những bài viết phân tích về cuộc đời, di sản Hòa thượng để lại cũng như bày tỏ niềm thương tiếc và sự kính trọng sâu sắc đối với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, mà từ lúc này trở đi, người viết xin được gọi ngắn gọn là Thầy Tuệ Sỹ. Cũng qua dịp đó, rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trước năm 1975 hay ở Việt Nam sau năm 1975, trong đó có cả những nhân vật trong giới trí thức, lần đầu tiên mới được nghe đến tên Thầy Tuệ Sỹ (!); cũng như lần đầu tiên mới được biết là có một tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã được thành lập vào tháng 1/1964, bị đàn áp dữ dội sau ngày 30/4/1975 nhưng vẫn tồn tại song song bên cạnh Giáo Hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước kiểm soát!
Rõ ràng đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã khá là thành công trong việc ngăn chặn mọi thông tin, ảnh hưởng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, cũng như của những bậc cao tăng lẫy lừng của tổ chức này, trong đó có Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.
Nói về thầy Tuệ Sỹ, với tầm vóc, trí tuệ, khối lượng công việc mà Thầy đã làm thật khó mà có một danh xưng nào cho đủ: Thiền sư, Đạo sư, Học giả, Thi sĩ, Văn nhân, nhà văn hóa…Một tấm gương đại trí, đại bi, đại dũng, đã dành trọn cuộc đời tận hiến cho Phật giáo, cho quê hương, dân tộc.
Nhưng điều đầu tiên cần phải khẳng định rằng nếu không có 20 năm với thể chế VNCH tự do, dân chủ, dù còn non trẻ và nhiều khiếm khuyết, thì Phật giáo đã không phát triển rực rỡ như vậy và cũng sẽ không có rất nhiều vị cao tăng, thiền sư vừa có trí tuệ, kiến thức mênh mông vừa có tư cách đạo đức cao đẹp, mà tiêu biểu là 2 khuôn mặt Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu tức giáo sư Lê Mạnh Thát.
Phật giáo ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 là sự tiếp nối của công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, đã làm thay đổi rất nhiều về nội dung và hình thức hoạt động của Phật giáo tại Việt Nam.
Từ sau 1945 Việt Nam lại bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến năm 1954 hiệp định Genève chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, thành hai quốc gia có hai chế độ chính trị khác nhau.
Miền Bắc trong giai đoạn 1954-1975 dưới chế độ độc tài cộng sản, mọi tôn giáo đều bị kềm hãm, đàn áp. Phật giáo trở nên “tàn tạ”. Ông Đỗ Trung Hiếu, một đảng viên, một cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam tham gia vào việc thống nhất Phật giáo Việt Nam, đã ra khỏi đảng do bất đồng chính kiến năm 1990, ông từng viết trong thiên hồi ký “Hồ sơ thống nhất phật giáo”: “Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một báo cáo cụ, hai báo cáo cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc, Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải thành công của tôn giáo vận.
Cán-bộ tôn giáo vận ở trung ương và các tỉnh miền Bắc văn hóa thấp kém, chính trị non nớt, nghiệp vụ chuyên môn giáo điều cũ kỹ và tổ chức bộ máy tôn giáo vận xộc xệch quê mùa. Như vậy làm sao đói ứng nổi với bộ máy hiện đại của các tôn giáo ở miền Nam. Cho nên rốt cuộc chỉ áp-dụng "chuyên-chính vô-sản".
Trong khi sinh hoạt Phật giáo ở miền Bắc quê mùa, cũ kỹ, thầm lặng thì ở miền Nam phong phú, hiện đại, tự do.
Từ thập niên 60 của thế kỷ XX là sự bùng nổ của bao nhiêu hệ phái tôn giáo, bao nhiêu tờ báo, tạp chí, tập san nghiên cứu về Triết học, Phật học. Các nhật báo như Chánh Đạo, Đất Tổ, các tuần san như Hải Triều Âm, Thiện Mỹ, Đuốc Tuệ, Đại Từ Bi, các nguyệt san Vạn Hạnh, Giữ Thơm, Quê Mẹ, Liên Hoa, Từ Quang, tập san nghiên cứu Tư Tưởng v.v…
Tìm hiểu về hoạt động báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1951 đến 1975, điều nổi bật có thể nhận thấy là chính triết lý sâu sắc của giáo pháp nhà Phật đã thu hút hàng loạt học giả, nhà nghiên cứu, giáo sư, văn nghệ sĩ… đến với báo chí Phật giáo. Hai nhà xuất bản Vạn Hạnh và Lá Bối chuyên xuất bản sách về Triết học, Phật học, đều tuyên bố theo đường lối hiên đại hoá đạo Phật.
Đến năm 1964, Trường đại học Vạn Hạnh do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, là viện đại học tư thục Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Rất nhiều bậc tu hành, trí thức am hiểu về Phật giáo đã đến giảng dạy tại đây, kể cả thầy Tuệ Sỹ, thầy Trí Siêu. Vạn Hạnh không chỉ có chuyên khoa Phật học mà còn có các phân khoa Văn học và Nhân văn, Khoa học Xã hội, Giáo dục, Khoa học ứng dụng… Thư viện của viện đại học có hơn 25.000 đầu sách, ngoài văn tịch tiếng Việt, còn có nhiều kinh sách tiếng nước ngoài kể cả những ngôn ngữ cổ như tiếng Phạn, nhiều bộ kinh Phật giáo v.v…
Và cũng không chỉ giảng dạy, Đại học Vạn Hạnh là nơi khai sinh ra tạp chí Tư Tưởng, một tập sách khảo cứu nặng ký với sự tham gia đóng góp bài vở của hàng loạt trí thức, nhân sĩ tên tuổi. Viện Đại học Vạn Hạnh lẫn tạp chí Tư Tưởng đã thắp lên ngọn đuốc khai phóng cho nền học thuật nước nhà.
Nhiều vị Hòa thượng, Đại đức, cư sĩ, học giả có trình độ học vấn uyên thâm như Hòa thượng Thích Tâm Châu, hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Trí Siêu, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hòa thượng Thích Thiện Minh, Thích Mãn Giác, Thích Minh Châu, thiền sư Nhất Hạnh, triết gia Kim Định, nhà thơ, triết gia, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện, học giả Nguyễn Đăng Thục, Dương Thiệu Tống, Lê Tôn Nghiêm v.v…
Đó là một giai đoạn Phật giáo nhập thế với những hoạt động dân sự sôi nổi. Với những trường trung tiểu học, cô nhi viện, bệnh xá và các tổ chức thanh thiếu niên Phật giáo, tổ chức Gia đình Phật tử…
Chính trong lòng một xã hội tự do, nhân bản, khai phóng và một môi trường phát triển về Phật học như vậy nên những nhân vật như Tuệ Sỹ, Trí Siêu và bao nhiêu bậc chân tu, trí thức, học giả mới có điều kiện và cơ hội để học tập, nghiên cứu, giảng dạy, thuyết pháp.
Tất cả những sự phát triển rực rỡ như ngọn đuốc sáng soi đường đó đã tắt phụt sau ngày 30/4/1975. Đại học Vạn Hạnh bị xóa sổ. Mọi tờ báo, tạp chí nghiên cứu về triết học, Phật học bị ngăn cấm, nhà cầm quyền cưỡng chiếm các cơ sở văn hoá, giáo dục, từ thiện Phật giáo, như Cô nhi viện Quách Thị Trang, Viện Đại học Vạn Hạnh…Rồi Phật giáo bị quy tụ lại thành Giáo Hội Phật giáo Việt Nam dưới sự kiểm soát, chỉ đạo chặt chẽ của nhà nước trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị đàn áp khốc liệt, hàng chục nghìn Tăng Ni, Phật tử bị đưa vào trại cải tạo…
Trong lịch sử Việt Nam, chưa có thời đại nào mà số lượng Tăng Ni, Phật tử bị cầm tù đông đảo như vậy, thậm chí bị tra tấn đến chết như Hoà thượng Thích Thiện Minh tại Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, Saigon; hoặc phải tự thiêu để phản đối như 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể ngày 2/11/1975 tại Thiền viện Dược Sư, tỉnh Cần Thơ …
Hai vị Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu cũng bị bắt vào năm 1984, bị kết án tử hình vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”, sau đó, trước áp lực quốc tế, bản án được giảm xuống còn tù chung thân với thầy Tuệ Sỹ và 20 năm cấm cố với thầy Trí Siêu. Xấp xỉ 14 năm sau kể từ ngày bị bắt, năm 1998, thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu được trả tự do. Thầy Trí Siêu tiếp tục công việc chính là nghiên cứu lịch sử còn thầy Tuệ Sỹ, do vẫn tiếp tục công việc của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nên vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.
Như vừa nêu trên, hai thầy Tuệ Sỹ, Trí Siêu chỉ là 2 trong số hàng trăm nhà tu hành chân chính của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị đàn áp đủ các kiểu. Hai nhân vật nổi bật khác cần phải nhắc đến nữa là Hòa thượng Thích Huyền Quang (Đệ Tứ Tăng thống), Hòa thượng Thích Quảng Độ (Đệ Ngũ Tăng thống), đều bị giam cầm, quản thúc nhiều năm nhưng không hề khuất phục, không hề sợ hãi trước bạo quyền, không bao giờ từ bỏ lý tưởng phụng sự đạo pháp và chúng sinh. Những vị chân tu này đã là những tấm gương sáng cho nhiều thế hệ tiếp nối trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Khi những bậc chân tu với trí tuệ và đạo đức cao vời này nằm xuống, nhiều người tỏ ra lo buồn cho sự phát triển của Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nói riêng trong xã hội hiện nay. Nỗi lo ấy không phải không có cơ sở, tuy nhiên, Phật giáo đã được du nhập và tồn tại ở Việt Nam từ hàng ngàn năm trước khi đảng Cộng sản ra đời, đã cùng đồng hành với vận mệnh của đất nước, dân tộc Việt Nam qua bao thăng trầm, đã từng trải qua nhiều kiếp nạn, đâu dễ gì bị tiêu diệt? Và khi còn tại thế, các bậc chân tu của Việt Nam trong thế kỷ XX, XXI cũng đã kịp giảng dạy, thuyết pháp, dịch kinh, viết sách để lại cho các thế hệ sau những di sản to lớn, trong đó có thầy Tuệ Sỹ.
Xã hội nào, con người như vậy
Nếu xã hội miền Nam trước năm 1975 tự do, dân chủ, với môi trường Phật học phát triển rực rỡ đã sản sinh ra vô số bậc chân tu kết hợp trong mình cả trí tuệ lẫn đạo đức, cả kiến thức mênh mông lẫn tư cách tuyệt vời đáng kính, thì xã hội Việt Nam từ năm 1975 cho tới nay, dưới chế độ độc tài toàn trị ngu dân của đảng Cộng sản cai trị, Phật giáo đã bị chính trị hóa, thương mại hóa, bị biến tướng, tha hóa nặng nề, với rất nhiều nhà sư không ra sư.
Sau một giai đoạn dài thẳng tay đàn áp ra mặt, đảng và nhà nước cộng sản chuyển sang những biện pháp, phương thức khác. Một mặt, nhà cầm quyền tiếp tục “phong tỏa”, đàn áp, ngăn chặn mọi tiếng nói đối lập, mọi đòi hỏi tự do tôn giáo một cách ôn hòa trong hàng ngũ những bậc chân tu, trí thức Phật tử; ngăn chặn mọi cá nhân, tổ chức muốn thực hành tôn giáo theo con đường riêng, không chịu sự kiểm soát của Giáo Hội Phật giáo quốc doanh. Mặt khác, họ đem danh, lợi, chức vụ ra để lôi kéo, dụ dỗ các nhà sư.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì Phật giáo có vẻ như rất phát triển, chùa chiền mọc lên khắp nơi, nhiều chùa to “khủng”, số lượng tăng ni đông đúc, số lượng người dân đi chùa vào các dịp lễ lớn đông nghìn nghịt.
Chưa có thời nào mà chùa chiền, sư thầy kiếm được nhiều tiền đến thế. Ví dụ một số chùa chiền bày ra trò cúng sao giải hạn, có chùa tổ chức lễ cầu nguyện trước mùa thi cho các sĩ tử, thậm chí có cả chuyện cầu hồn thỉnh vong rất là mê tín dị đoan… Nhưng đáng nói nhất là việc kinh doanh chùa.
Những năm qua, liên tục các chùa chiền, tượng Phật, thiền viện được xây dựng, với danh nghĩa là du lịch tâm linh. Nhiều chùa, đền rất to, tọa lạc trên những địa thế đẹp, nổi bật, kiến trúc hoành tráng… du khách đến nơi này kết hợp lễ chùa với du lịch, nhà chùa tha hồ hồ hốt bạc.
Cũng chưa có thời nào mà sự sa sút về đạo đức trong hàng ngũ chức sắc Phật giáo lại nhan nhản, công khai như vậy. Nhiều nhà sư tham gia vào chính quyền, trở thành đại biểu Quốc hội, phát biểu nhiều câu rất mang “tính đảng”, nhiều nhà sư bị phát hiện có đời sống vật chất xa hoa, mang tiếng tu hành nhưng không bỏ được tham, sân, si, thậm chí xài bằng cấp giả, thuyết giảng bậy bạ để lừa mị lấy tiền phật tử v.v… Tất cả những nhân vật nổi tiếng đều đã bị dư luận điểm danh và bị Giáo hội Phật giáo kỷ luật với những hình thức khác nhau như Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhuận Đức, Thích Chân Quang…Và một nhân vật do có chức to nên chưa bị đụng đến như Thích Nhật Từ, nhưng qua vụ kiện tụng góp phần đưa ông cụ Lê Tùng Vân 91 tuổi và các người khác của nhóm tu tại gia Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ vào tù, thì có thể hiểu nhà tu hành này còn sân si ra sao.
Chính giữa một thời buổi như vậy nên sự xuất hiện của một con người buông bỏ tất cả đề tu hành theo hạnh đầu đà, đi bộ hành khắp nơi chỉ với 3 y một bát, ngày ăn một bữa, ngủ ngoài trời, ngoài nghĩa địa như sư Minh Tuệ bỗng trở thành sự kiện. Báo chí, mạng xã hội liên tục đưa tin, viết bài ca ngợi, quần chúng rần rần đi theo, khiến nhà cầm quyền bắt đầu lo ngại. Đủ mọi biện pháp được tung ra: tiến hành bắt cóc cả đoàn mười mấy người đi theo sư Minh Tuệ, phân tán mỗi người mỗi nơi, cô lập sư Minh Tuệ một thời gian sau đó lại cho xuất hiện đi khất thực loanh quanh trong một phạm vi nhất định, với sự “hộ tống” của các an ninh chìm chung quanh,.. Giai đoạn này ai theo dõi những tấm hình, video clip sư Minh Tuệ đi khất thực có sự kiểm soát, canh chừng đó thì đều nhận ra màu da sư không còn đen giòn khỏe mạnh như thời đi bộ hành dầm mưa dãi nắng mà trắng bệch bạc như bị giam lỏng, thần thái không an lạc, hồn nhiên, vui tươi như ngày xưa…
Những điều đã xảy đến với sư Minh Tuệ là từ cả 3 nguyên nhân: 1. Chính sách đàn áp tôn giáo đã trở thành xuyên suốt bao nhiêu năm, luôn luôn muốn kiểm soát, ngăn chặn từ xa mọi ảnh hưởng nếu có từ mọi cá nhân, tổ chức “ngoài hệ thống” của nhà cầm quyền. 2. Sự tức giận lẫn lo sợ của nhiều chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì con đường tu hành đơn sơ, buông bỏ mọi thứ của sư Minh Tuệ đã làm cho dư luận có dịp so sánh, đối chiếu với đời sống gọi là tu hành mà danh, lợi, vật chất thứ gì cũng có đủ, lòng tham sân si còn nguyên của nhiều nhà sư, từ đó tỉnh ngộ và lên tiếng chỉ trích họ. 3. Cuối cùng là sự ngưỡng mộ quá mức của đám đông, càng khiến cho sự lo lắng của nhà cầm quyền lẫn sự tức giận, lo ngại của những chức sắc Phật giáo kia gia tăng. Và do đó họ phải có biện pháp, thậm chí sử dụng cả những con cờ như một vài YouTuber nổi tiếng mồm năm miệng mười lên tiếng thóa mạ, bôi nhọ sư Minh Tuệ, cuối cùng là xảy ra hiện tượng lá thư với nhiều nghi vấn được cho là của sư Minh Tuệ viết tuyên bố…ẩn tu, thậm chí từ bỏ thực hành theo 13 hạnh đầu đà!
Nếu trong một môi trường nào khác hoặc như môi trường Phật giáo tự do của miền Nam VNCH trước tháng 4/1975, sư Minh Tuệ sẽ đường hoàng mà tu theo lối hạnh đầu đà không bị phiền hà gì, và cũng không trở thành hiện tượng, khi xã hội đã có rất nhiều hiện tượng kỳ vĩ về tài năng, trí tuệ, tầm vóc trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Phật học…như thời đó.
Mặt khác, những bậc cao tăng, học giả thực thụ của Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã từng bị đàn áp, tù đày các kiểu, nhưng chắc cũng không ngờ là môi trường chính trị lẫn Phật giáo hiện tại đã suy đồi đến mức phải sử dụng cả những trò bẩn đến vậy để dẹp tan một nhóm người tu tại gia như Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ hay một cá nhân muốn tu theo con đường riêng như sư Minh Tuệ, thậm chí cả những người vì lên tiếng bênh vực mà cũng bị vạ lây như sư Thích Minh Đạo.
Và chừng nào mà chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam còn tồn tại, thì kiếp nạn của Phật giáo cũng như của các tôn giáo khác còn tiếp tục dài dài.
Bài bình luận gần đây