You are here

Suy niệm về nền giáo dục từ Ngày Nhà Giáo Việt Nam hiện nay

 
Theo quyết định số 167/HĐBT ban hành ngày 28 tháng Chín năm 1982, chánh thức công nhận ngày 20/11 hàng năm [1] là Ngày Nhà Giáo Việt Nam (NNGVN). Mặc dầu ngày này đã được Việt Nam - lúc bấy giờ là nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức trên toàn miền Bắc từ năm 1958.
 
Cho đến 7 năm "sau giải phóng", người dân toàn quốc cũng chưa bao giờ coi NNGVN như là một cột mốc trọng đại, đủ sức "làm đẹp" hình ảnh thầy cô và học trò, bởi "tôn sư trọng đạo" đã là truyền thống, hầu hết người dân Việt Nam đều tỏ tường. 
 
NNGVN cũng không bao giờ tác động - dù tích cực hay tiêu cực - đến việc dạy và học, cũng như không tạo ra phẩm giá - danh dự cho thầy cô và học trò. Học sinh - thầy cô và nhà trường đều nghèo khổ, không khác gì nhau. Những năm nghèo đói, không hề có bất cứ quà tặng. Chỉ là một dòng phấn trắng, cùng với những viên phấn xanh da trời hay màu vàng lợt hoặc màu hồng, được viết cách điệu, điểm thêm một vài bông hoa lên tấm bảng đen để chúc mừng thầy cô, do một vài đứa học sinh viết chữ đẹp - thay mặt cả lớp - tự tay viết lên, cùng tràng pháo tay và học sinh đồng loạt đứng lên, đón thầy cô vào lớp của ngày hôm đó. Sau đó, dòng chữ "Chào Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam - 20/11" được xóa đi, để bước vào tiết học. Hết tiết học đó, một môn học khác, dòng chữ viết bằng những viên phấn cách điệu lại được chuẩn bị như vậy. 
 
Kỷ niệm quá vãng vẫn đọng trong đầu tôi, cho tới ngày từ giã ngôi trường thời niên thiếu. Giản dị mà trân trọng. Không có quỹ phụ huynh, cũng không có "học thêm - học bớt", càng không có cái gọi là "cải cách giáo dục". Thế hệ chúng tôi vẫn học hành tử tế, vẫn kính mến cô thầy, vẫn chuyền tay nhau quyển lưu bút cho ngày rời xa vĩnh viễn tuổi học trò...
 
Thế hệ chúng tôi giờ đây hầu hết đã "ngồi sui" và làm ông bà nội ngoại. Càng già càng thấy buồn phiền, vì không ai không có con - cháu đang theo học tại các trường.
 
Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ... 
 
Đời sống vật chất thoải mái hơn nhưng điều đó không hề đồng nghĩa danh dự làm người và phẩm hạnh học sinh - thầy cô tốt đẹp, thông qua nền "giáo dục Xã hội Chủ nghĩa", tỏ ra ngày càng bệ rạc với vô số câu chuyện đúng nghĩa "giang hồ xã hội đen", xảy ra ngày càng dày đặc trong trường, trong lớp.
 
Ngay ngày 20/11 năm nay - 2024, báo VNExpress đưa tin [2]: "Bộ Giáo dục chủ trương không cấm dạy thêm" do chính Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát ngôn. Ông Sơn sanh năm 1966. Điều này có nghĩa lúc tốt nghiệp cấp 3 (năm 1984) là thời kỳ vẫn còn nghèo đói, chắc chắn ông Sơn cũng như vô vàn học sinh khác, họ không có tiền để đi "học thêm". Thời bấy giờ, "học thêm" là một khái niệm còn quá xa lạ đối với thầy cô và học sinh. Tuy vậy, chất lượng dạy và học cũng như danh dự - phẩm hạnh cả thầy cô và học trò không hề đổ đốn. Tại sao phẩm hạnh và danh dự thầy cô - học sinh ngày càng đổ đốn (?). Đó là câu hỏi giản dị lại không dễ trả lời cho ngay chính ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Thay vì loay hoay với "học thêm - học bớt", nâng lương cho giáo viên hoặc đề ra chánh sách "con giáo viên được miễn học phí", ông Nguyễn Kim Sơn - với bổn phận một nhà giáo và chịu trách nhiệm cao nhứt về nền giáo dục nước nhà - trước hết hãy bóp trán suy ngẫm, tìm cho ra hai định nghĩa: "Triết lý giáo dục""Cứu cánh giáo dục" của Việt Nam hiện nay.
 
Lịch sử là chuyện dông dài - tuần tự theo thời gian. Lịch sử - chính trị tác động mãnh liệt lên văn hóa - giáo dục. 
 
Trên mạng xã hội, người ta bắt gặp, hình ảnh mới nhứt về lễ kỷ niệm NNGVN năm nay tại trường LCHNQT iSCHOOL Quảng Trị, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị. Buổi lễ kết thúc bằng văn nghệ "cây nhà lá vườn". Cho tới nay, nhà trường vẫn còn dạy cho các cháu bé tuổi mầm non với hình ảnh súng ống - bắt tù binh [3]. Tên trường lạ lùng bằng những chữ viết tắt, với hình ảnh dạy cho các em bé bạo lực ngay từ tuổi mầm non [4], khiến người viết phải đi tìm hiểu. Hóa ra những chữ viết tắt LCHNQT nghĩa là "Liên Cấp Hội Nhập Quốc tế". 
 
Bằng cách dạy cho trẻ mầm non bắn giết như vậy, ngỡ là có thể sửa chữa ư? Rất khó cứu vãn, bởi hầu hết ngay những ông bà nội ngoại - cha mẹ - cô dì chú bác cho đến thầy cô đang đứng lớp của xấp nhỏ hiện nay, họ đã bị "nhồi sọ" từ ít nhứt nửa thế kỷ qua. Họ được dạy về lịch sử với tư cách "Bên Thắng Cuộc", bất phân đạo lý - bất chấp sự thật để thành công. Vậy cho nên, mới có phát ngôn "có triệu người vui, có triệu người buồn" của Thủ tướng quá cố Võ Văn Kiệt. Vậy cho nên, mới có "những ngón tay giữa" chĩa vô lá cờ Vàng thời VNCH mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày mới đây. 
 
Chiến tranh tại Việt Nam với cái gọi là "huynh đệ tương tàn", đã lùi xa ngót nghét nửa thế kỷ nhưng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng vẫn luôn được dạy "chiến thắng đồng bào" đầy quyến rũ với hình ảnh ngạo nghễ đầy tràn; chiến thắng bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, sẵn sàng đạp đổ danh dự và hạ gục phẩm giá với khẩu hiệu "ta nhất định thắng, địch nhất định thua". 
 
Tại sao cho tới ngày nay, giáo dục vẫn gieo vô óc con nít sự bạo tàn - tranh đoạt - hơn thua từng chút một, bất chấp đồng bào - bất cần đạo lý - bất phân phải trái? Có đáng bi quan yếm thế không?! Mỗi người dân Việt Nam, ai cũng có con cháu và bất cứ đứa nhỏ nào cũng phải... đến trường! Biết làm sao bây giờ?! Khi ngày ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn loay hoay với từng sự vụ, thay vì tìm cho ra những điều căn bản: "Triết lý Giáo dục" và "Cứu cánh Giáo dục"