Tìm trên các trang học thuật, người ta bắt gặp vô số các định nghĩa về "Lý tưởng". Đây là một khái niệm có từ xa xưa. "Lý tưởng" không chỉ được áp dụng cho cá nhơn mà còn cho các tổ chức, từ tôn giáo cho đến các hội nhóm hoạt động xã hội, kể cả các đảng chính trị tại các quốc gia.
Tựu trung, khi đặt câu hỏi "Lý tưởng là gì?" cho bất cứ một ai, người đặt câu hỏi sẽ nhận được câu trả lời mang tính khái quát: "Lý tưởng" là những gì tốt đẹp nhứt, gần như mang tính tuyệt đối 100%. Như vậy, "lý tưởng" là sự hoàn mỹ - toàn bích mà con người mong muốn hướng tới. "Lý tưởng" không khác gì thiên đàng. Bất kể tôn giáo - bất kể đảng phái hay quốc gia.
Vì "lý tưởng" phụ thuộc vào mỗi tôn giáo - mỗi đảng phái - mỗi quốc gia, nên sự diễn giải và định nghĩa "lý tưởng" như là "thiên đàng" cũng khác nhau. Nghĩa là, mỗi "lý tưởng" sẽ tạo ra một loại "thiên đàng".
Vì "lý tưởng" là thiên đàng mà thiên đàng lại không có thật. Cho nên, "lý tưởng" không có thật. Vậy, tại sao cái không có thật lại sống dai dẳng như vậy? Bởi vì con người vốn không bao giờ bằng lòng với thực tại. Chính vậy, con người vẽ lên thiên đàng. Người ta vẽ lên hình ảnh đó, để ban đầu tự an ủi - tự vỗ về - tự mơ mộng, dần dần nhiều người đồng cảm, tin tưởng và đi theo cái không có thật đó. Họ mơ mộng - cầu mong và cố gắng biến cái không có thật trở thành có thật. Thậm chí, họ sẵn sàng đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng. Nói dễ hiểu, đó là trường phái Triết học Duy Ý Chí. Tức là những người tôn thờ "Lý tưởng" dùng ý chí để định đoạt và giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong đời thực.
Thiên đàng mang tính "đứng yên" và tính "tuyệt đối". Theo đó, "Lý tưởng" là điều mãi mãi không bao giờ với tới. Nói giản dị, "Lý tưởng" chỉ là điều mình mong muốn và cố gắng thực hiện để có được theo trường phái Duy Ý Chí.
Tùy theo số người tin tưởng và đi theo ngày một đông dần hay ngày càng rơi rớt, mỗi một kiểu "lý tưởng" sẽ sanh sôi phát triển hay mai một và lụi tàn dần.
Nhơn loại đều thừa nhận, thế giới loài người là một thế giới có tốt - xấu; có thiện - ác đan xen lẫn nhau. Ngay cả định nghĩa về "tốt - xấu - thiện - ác" cũng do "Lý tưởng" định đoạt.
Chắc chắn, khi đã có "Lý tưởng", tức không thể thiếu được hình ảnh biểu trưng mang tính quyền lực toàn năng 100%.
Trước khi muốn chi phối - thao túng tinh thần của đám rất đông, người ta luôn phải tạo ra BIỂU TƯỢNG. Biểu tượng càng xa xưa càng có độ tin cậy cao và biểu tượng đó (lúc sanh thời), chưa chắc họ thật sự mong cầu. Thí dụ: Biểu tượng tôn giáo. Tại sao biểu tượng càng xa xưa càng có độ tin cậy cao? Vì không thể kiểm chứng. Vì vậy, biểu tượng càng xa xưa càng dễ dàng trở thành TÍN ĐIỀU. Đụng vô biểu tượng tức là đụng vô TÍN ĐIỀU. Tín điều vô căn cứ càng khiến con người mù quáng là vậy.
Với thời gian hàng ngàn năm, cái không có thật được găm sâu vào đầu óc của nhiều thế hệ và mang tính trạng di truyền qua hàng ngàn năm như vậy.
Tự do - ở nghĩa rộng nhứt và bao quát nhứt - không bao giờ có thật. Bởi còn là con người tức còn trách nhiệm. Khái niệm "đấu tranh cho tự do" cũng là một trong các hình thái của "lý tưởng". Bởi vì "đấu tranh cho tự do này", sau khi thành công, người ta sẽ tiếp tục "đấu tranh cho tự do khác". Nghe có vẻ nghịch lý? Không hề. Tại sao? Vì nhơn loại công nhận - trên địa cầu - sự sống mãi mãi "thiên biến vạn hóa" chứ không đứng yên. Chính yếu tố mang tính vận động này, làm cho nhơn loại luôn tiến về phía trước của cuộc sống, tựa như người ta chạy xe đạp, buộc phải luôn giữ thăng bằng bằng cách luôn vận động.
Như vậy, các khái niệm "Lý tưởng" hay "Tự do" chỉ có ý nghĩa tương đối ở mức tối thiểu và mang tính cổ võ, xiển dương, khích lệ loài người cố gắng nỗ lực để đạt được ở một mức độ nào đó, chứ các khái niệm này không có ý nghĩa trọn vẹn và toàn bích.
Trong tuyển tập "Tác phẩm của Marx và Angel" viết năm 1865 [1] và một bản do Jenny Caroline (1814 - 1881) con gái của Marx [2] đã đặt câu hỏi: "Quan niệm của ba về hạnh phúc là gì?" và Marx trả lời: "Đấu tranh". Câu trả lời này khiến cho nhiều người ngỡ ngàng nhưng ngẫm nghĩ kỹ phải thừa nhận: Marx đã trả lời rất độc đáo. Bởi địa cầu này còn tồn tại, chắc chắn con người còn mãi mãi đấu tranh. Đấu tranh trên mọi lãnh vực và đấu tranh lẫn nhau giữa loài người.
Tình hình chiến cuộc Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu cùng với xung đột dữ dội tại Trung Đông và biểu hiện căng thẳng dần leo thang giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, kể cả hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Đài Loan và tại biển Đông cùng vô số xung đột khác trên thế giới là bằng chứng sống động và khó chối cãi về câu trả lời của Marx - Hạnh phúc là đấu tranh!
Bài bình luận gần đây