You are here

Duy Tình và Duy Lý

Sau khi hai ông: Trương Duy Nhất và Thái Văn Đường bị bắt từ bên Thái Lan và đưa về Việt Nam, mới đây nhiều trang báo nước ngoài cho biết: Ông Y Quynh Bdap có thể sẽ bị dẫn độ về, theo một phán quyết vào ngày 30 tháng Chín năm 2024, từ toà án Thái Lan. Dư luận đang chờ các động thái của nhà nước Thái Lan, cùng những lời kêu gọi từ các tổ chức xã hội dân sự quốc tế đang lên tiếng binh vực cho ông ta. Điều đáng băn khoăn, ông Bdap bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ trước chỉ một ngày, ông ta có lịch hẹn phỏng vấn tại Đại sứ quán Canada, để được đi định cư.
 
Hiện nay, tại Thái Lan có khá nhiều người Việt Nam, đang được nhận quy chế tị nạn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn (UNHCR). Cũng khá nhiều người hiểu lầm, khi đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn mặc nhiên là an toàn và chỉ chờ một thời gian nào đó, chắc chắn họ đến được "bến bờ tự do" (!).
 
Trong một diễn biến có liên quan về tình hình chính trị trong nước, báo Dân Việt ra ngày 28 tháng Chín năm 2024 đưa tin: "Bắt hai mẹ con vì tham gia tổ chức phản động của Đào Minh Quân, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" [1]. Đây không phải là vụ đầu tiên liên quan đến tổ chức Đào Minh Quân. Ngày 23 tháng Tư năm 2024, đài RFA cho biết: Có đến 10 người tại Gia Lai bị bỏ tù vì theo tổ chức Đào Minh Quân [2]. Và còn nhiều vụ bị bắt khác, với án cao vì cáo buộc liên quan đến ông Đào Minh Quân nói riêng và chính trị nói chung.
 
Hầu hết người dân bị bắt như kể trên, dường như họ không hiểu những khái niệm căn bản, thí dụ: Nhà nước - Công dân. Bởi muốn hay không, thích hay ghét, phải nhìn nhà cầm quyền CSVN hiện nay là NHÀ NƯỚC. Đừng vô tình cũng như đừng cố ý. Tức là về mặt đối ngoại, nhà nước CHXHCNVN được hàng trăm quốc gia công nhận là đại diện cho người VN và nắm mọi nguồn lực cũng như quyền lực, cho tới ngoại giao cũng mang tính đại diện cho toàn dân Việt Nam. Trong khi đó, quan hệ ngoại giao quốc tế, hầu như các quốc gia đều đồng thuận một nguyên tắc: Không can thiệp vào công việc nội bộ lẫn nhau.
 
Rất nhiều trường hợp bị bắt trong vài năm qua, dường như quên mất khái niệm căn bản: NHÀ NƯỚC - CÔNG DÂN. Họ không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu sự khốc liệt khôn cùng, một khi đã sa vào tù đày - đặc biệt trong thời đoạn nhiễu nhương hiện nay.
 
Có rất nhiều người trải qua 5 - 7 năm tại Thái Lan, với cuộc sống tạm bợ và khốn khó, cùng nguy hiểm chực chờ bị trục xuất. Đừng lầm tưởng, hễ ra vẻ hoặc có hành động "chống Cộng" là được rước đi! Nhiều người ở Thái đã và đang vỡ mộng mà không có cách gì thoát khỏi, bởi ở lại rất bí bách, về thì nhà tù chực chờ mở cửa đón liền lập tức. 
 
Trang RFA vào ngày 7 tháng Sáu năm 2019 đưa tin:  "Ông Hà Văn Thành, sinh năm 1982, ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bắt đầu cuộc đào thoát khỏi Việt Nam từ ngày 12/05/2018 vì lo sợ sẽ bị chính quyền địa phương bắt bỏ tù..." [3] sau khi ông ta tham gia vào cuộc biểu tình chống Formosa, vào năm 2016. Ông Thành vô đến tận nước Mỹ - theo lời kể của ông ta với đài RFA - bằng cách đi qua Lào rồi tới Thái Lan. Sau đó mua vé máy bay qua Cuba, Panama và cuối cùng đến Mexico, với điểm dừng cuối cùng tại Hoa Kỳ. Ở Mỹ, đối diện với ba lần ra tòa, cuối cùng Hà Văn Thành vẫn bị từ chối cấp quy chế tị nạn và bị trục xuất về cố quốc.
 
Hầu hết những số phận tạm kể trên, đều được nhìn bằng ánh mắt ái ngại, cảm thông và thương xót cho hoàn cảnh của họ.
 
Người Việt Nam đều thích lối sống DUY TÌNH. Tuy nhiên, đây là cách sống khiến người ta dễ sa vào mù quáng, vì phàm làm người, ai cũng thích được nhìn nhận là người có lòng cao thượng - vị tha - hiền lành - thương người - thanh nhã v.v... Để rồi, khi cách sống đó tắt phụt như ngọn đèn dầu, bởi bị bọn lừa đảo thò những cái vòi vào hút sạch. Lòng nhơn ái - cao thượng - vị tha nhanh chóng hóa thành giận dữ - phẫn nộ - căm hận cùng vô số lời chửi bới hoặc chôn chặt và gặm nhấm trong nỗi ê chề, vốn chẳng giải quyết được gì mà còn vô hình chung tự phơi lột "đạo đức" vốn mang tính tạm bợ. Bên cạnh đó, tuyệt đại đa số dân Việt Nam dễ dàng đồng nhứt giữa quan hệ xã hội và quan hệ gia đình. Điều này có nghĩa, họ thích dạy dỗ theo trường phái DUY TÌNH, rồi tự phơi bày thói đạo đức giả. Ngoài ra, người Việt Nam cũng thích lấy suy nghĩ của bản thân, để áp lên suy nghĩ người khác. Điều này có nghĩa, họ lấy “chuẩn mực đạo đức” của chính bản thân họ, làm thước đo cho đạo đức người khác. Kèm theo đó là "tiêu chuẩn tuổi tác" với tục ngữ "trứng không bao giờ khôn hơn vịt". Tuy vậy, khi lâm vào hoàn cảnh tương tợ người khác, những "nhà đạo đức học" đó sẵn sàng tranh giành phần lợi - dù vật chất hay tinh thần - cho bản thân là đủ và dễ dàng phớt lờ những lời đạo đức giả trước đó họ răn dạy, không khác những vị "giáo sư khả kính" (!). 
 
Hãy lắng nghe lời nói song song với nhìn kỹ việc làm. Hãy lật ngược lật xuôi và mổ xẻ vấn đề, trước khi quyết định tin hay không tin. Đừng a thần phù sa vào "thương vay khóc mướn" và a dua theo số rất đông, tựa như cục nam châm bị hút lấy một cách vô tri vô giác, cuối cùng bị tống tù hay trục xuất - Đó là cách sống DUY LÝ.
 
Hãy sống DUY LÝ. Có thấu lý mới trọn tình. Người sống DUY LÝ thường dễ bị nhìn nhận là kẻ máu lạnh và khô khan nhưng quan sát kỹ, họ chưa từng hại bất cứ ai bao giờ, dù vô tình cũng vậy. Tại sao? Vì họ sống DUY LÝ, nên không bao giờ võ đoán và hồ đồ.