You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Chó Má & Thuế Má

Ảnh của tuongnangtien

Nhà báo Cù Mai Công vừa lên tiếng nhắc nhở đồng nghiệp (“Ráng Xài Tiếng Việt Cho Đúng, Xài Bậy, Dân Họ Cười Cho”) vào hôm 6 tháng 9 vừa qua. Ông dùng tựa một bản tin của báo Dân Trí (“Hai Kịch Bản Siêu Bão Yagi Tác Động Đến Đất Liền”) như một thí dụ tiêu biểu:

“Trong toàn bộ các tự điển tiếng Việt xưa nay, ‘kịch bản’ nguyên nghĩa là bản viết cho một vở kịch, sau có thể mở rộng thành văn bản, bản thảo về nội dung cho một phim truyền hình, quảng cáo, phim ảnh, gameshow…

Dù mở rộng thì đây vẫn là một từ dành cho một sản phẩm do con người làm ra (nhân tạo). Nó khác hoàn toàn với mưa, gió, bão… – một hiện tượng tự nhiên.

Rõ ràng đây là một từ dùng sai …”

Sai “bậy” kiểu đó (và chỉ cỡ đó thôi) kể như là chuyện nhỏ và là chuyện vẫn xẩy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi, chứ chả riêng chi Dân Trí. Tờ báo này, tuy thế, có lẽ là cơ quan truyền thông “bậy” nhất (và “bậy” lắm) vì cái chuyên mục: “Tấm Lòng Nhân Ái”.

Nói là “bậy” nhất vì kêu gọi giúp đỡ cho những cá nhân đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn là chuyện bình thường (khá phổ biến) nhưng chắc không đâu thực hiện một cách vô cùng bài bản, cẩn thận, và hết sức chu đáo như trang Dân Trí cả. Mọi trường hợp đều có bài vở chi tiết, hình ảnh sống động (và mã số đính kèm) cùng lời kêu gọi quyên góp, với những hướng dẫn rất tỉ mỷ về cách thức:

Kêu gọi tình tương thân, tương ái là việc nên làm nhưng chuyên nghiệp và công phu như báo Dân Trí (cơ quan ngôn luận của Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội) thì e lại là chuyện khác. Xin xem qua đôi ba trường hợp:

Tình cảnh mẹ già nuôi con mất khả năng lao động vì tai biến, và cần một nơi che nắng che mưa cần được trợ giúp thiết thực, và dài hạn từ Bộ Lao Động & Xã Hội (BLĐ & XH) chứ không thể chỉ trông đợi vào lòng hảo tâm của bá tánh.

Tương tự, bé gái 10 tháng tuổi, bị bệnh úng thủy, đầu to bất thường (chiếm một nửa trọng lượng cơ thể) thì nơi mà người mẹ nghèo cần “cầu cứu” cũng là BLĐ & XH, chứ không phải là độc giả bốn phương.

Mọi trường hợp thượng dẫn đều là những công dân lão hạng, những người bệnh tật hay khuyết tật, hoặc những đứa bé thơ … Tất cả đều thuộc thành phần thua thiệt, cần được trợ giúp bởi một cơ quan thẩm quyền với chính sách và tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch, về mọi mặt: thực phẩm, tiền mặt, chăm sóc y tế … Chứ thiên hạ không có khả năng, và bổn phận phải thực hiện những điều này vì họ đã đóng thuế rồi.

Đến đây thì dù lười vẫn phải ghi thêm đôi lời liên quan đến chuyện thuế/phí ở VN, từ những nhân vật có thẩm quyền:

  • Đại biểu Lê Minh Chuẩn: “So với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác. Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng”.
  • Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Một quả trứng chịu 14 loại phí, một con lợn chịu 51 loại phí… Không nước nào có chuyện này. Về thuế - phí, Việt Nam vô địch”. 

VN, rõ ràng, cũng “vô địch” về khoản vô trách nhiệm hay đem con bỏ chợ.  Cung cách này đang được những cơ quan truyền thông (điển hình là Dân Trí) tận tình lấp liếm, bao che, và cổ vũ. Tờ báo này vừa hớn hở đi tin:

Sáng 5/9, hòa chung không khí ngày tựu trường của cả nước, 86 học sinh tại điểm trường Thành Lợp, Trường Tiểu học Tân Thành 2, xã Tân Thành (Thường Xuân, Thanh Hóa) dự lễ khai giảng ở ngôi trường khang trang do báo Dân Trí tài trợ.

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả, thực hiện sự phân công của Đảng ủy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, báo Dân Trí đã kêu gọi bạn đọc và các nhà hảo tâm tài trợ hơn 430 triệu đồng để khởi công xây dựng thêm phòng học, tu sửa lại ngôi trường khang trang, sạch đẹp”.

Qua hôm sau (hôm 6 tháng 9 năm 2024) họ lại hân hoan loan tin tiếp:

“Đại diện báo Dân trí, chính quyền các địa phương tiếp tục trao tặng gần 300 thẻ BHYT đến học sinh tại Thanh Hóa và Nghệ An. Ông Đỗ Văn Chung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân phát biểu: 'Chúng tôi rất vui khi được báo Dân trí tặng 200 thẻ BHYT. Đây là việc làm ý nghĩa, tạo động lực cho nhà trường, học sinh, phụ huynh, nhất là các gia đình khó khăn không thể mua thẻ BHYT cho các con. Chúng tôi trân trọng, cảm ơn bạn đọc báo Dân trí đã gửi đến học sinh của huyện món quà quý giá.”

Tôi sống qua nhiều nơi (Âu cũng như Á) nhưng chưa thấy đâu mà mầm non của đất nước phải lại phải “mua thẻ BHYT” cả. Tôi cũng không hiểu tại sao chính quyền các địa phương ở Việt Nam lại có thể trơ tráo mang “tặng” những món quà không phải của họ mà chả có chút ngượng ngập (hay ngượng ngùng) chi ráo.

Ngoài việc trường kỳ kêu gọi sự đóng góp của độc giả, tôi chưa bao giờ thấy một bài viết nào của báo Dân Trí (cơ quan ngôn luận của Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội) đề cập đến vai trò và trách nhiệm của cái “bộ” này cả. Thế thuế má được dùng vào chuyện chi, và cái nhà nước hiện hành “cướp chính quyền” để làm chi (?) hay chỉ để trở thành một bọn cướp ngày!

Chắc chắn, không ở nơi đâu (từ hơn nửa thế kỷ qua) mà người dân bị thôi thúc và ép buộc đóng góp công sức, cũng như xương máu, cho hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác – như ở Việt Nam. Cũng không nơi đâu mà giới cầm quyền hoàn toàn vô trách nhiệm như ở xứ sở này.

Việt Nam, có lẽ, là quốc gia duy nhất mà “lòng hảo tâm” được dùng thay cho một đạo luật về an sinh xã hội để qui định (hẳn hòi) mọi thứ phúc lợi đối với những công dân lão hạng, những người phế tật, những thương binh/ liệt sĩ và thân nhân của họ.

Đất nước này, xem ra, cũng là nơi duy nhất mà người dân có thể bị cầm tù (thay vì xử phạt) với tội danh trốn thuế – dù đến Trời chắc cũng không thể biết là bọn chó má đã xử dụng thuế má của người dân đóng góp ra sao, từ gần hai phần ba thế kỷ qua?