Gần một tháng rưỡi kể từ khi được bầu lên vị trí Tổng Bí thư, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm có vẻ vẫn đang xoay sở để thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Không khó để thấy mong muốn thiết lập một thời kỳ cầm quyền mới của ông. Chủ trì Lễ Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh, trước đại diện ngoại giao các nước, tân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam đang đón chào “kỷ nguyên mới” của dân tộc.
Ngay trước đó, trong một động thái được cho là chưa có tiền lệ, người đứng đầu Đảng Cộng sản đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, đưa ra yêu cầu phải xây dựng nền ngoại giao “thời đại mới”.
Cũng dễ hiểu khi mà sự đón nhận của công chúng với thông điệp của tân Tổng Bí thư không đến nỗi tệ. 100 ngày đầu tiên của các chính khánh mới nhậm chức ở đâu cũng được công chúng, với tâm lý chào đón điều mới mẻ, đón nhận với nhiều sự thông cảm hơn. Trong một nền ngôn luận bị kiểm soát chặt chẽ như Việt Nam, không có gì bất ngờ khi báo chí nhà nước nhiệt liệt tán thưởng thông điệp của vị Tổng Bí thư gốc an ninh này.
Tuy nhiên, mặc cho bao nhiều lời tán dương lẫn xu nịnh trên truyền thông quốc doanh, nhu cầu làm rõ nội hàm của “kỷ nguyên mới”, “thời đại mới” trong thông điệp của tân Tổng Bí thư vẫn cần được đáp ứng. Hay nói cách khác, công chúng trong và ngoài Đảng cần câu trả lời cho câu hỏi rằng thời Tô Lâm khác gì thời Nguyễn Phú Trọng.
Tô Lâm và ê-kip của ông hiểu rõ điều này và tìm cách đáp ứng đòi hỏi của công chúng qua các bài viết ký tên Tô Lâm.
Bài đầu tiên là “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới" đăng đúng vào ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Là gương mặt gắn liền với Đề án 06 về chuyển đổi số quốc gia với dự án trung tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư toàn quốc mà sản phẩm nhãn tiền nhất là thẻ căn cước thay đi đổi lại nhiều lần, ông Tô Lâm có vẻ rất tâm huyết với chủ đề này. Cao hứng, trong bài viết, tân Tổng Bí thư cho rằng chuyển đổi số sẽ xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến hiện đại - phương thức sản xuất số.
Chưa bàn đến nội dung bài viết, riêng cái cách mà Tô Lâm và ê-kíp của ông giới thiệu chương trình nghị sự của ông qua một bài viết nặng mùi lý luận có hai điểm đáng lưu ý.
Đầu tiên, có vẻ ông và cộng sự đang quá mong muốn tái định vị thương hiệu (rebranding) Tô Lâm, cởi bỏ sắc phục an ninh không ít tì vết để khoác một bộ cánh khác nho nhã hơn cho vị trí tột đỉnh quyền lực. Dưới thời Nguyễn Phú Trọng - lý thuyết gia hàng đầu của Đảng, chẳng ai có thể nghĩ Bộ trưởng Công an Tô Lâm là một nhà lý luận. Nay thì các trợ lý của ông đang nhắc nhở công chúng rằng thủ trưởng của họ dẫu sao cũng mang học hàm học vị Giáo sư - Tiến sĩ chẳng kém ông Trọng, lại còn là Bộ trưởng Công an đầu tiên thành lập Hội đồng Lý luận Bộ Công an và giữ chức vụ Chủ tịch trong nhiều năm.
Điểm đáng lưu tâm thứ hai là tác dụng ngược của việc này. Chính trong lúc vội vàng “thay áo”, vị Đại tướng tập làm chính khách họ Tô lại càng cho thấy ông đang lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu chính trị cá nhân, và do đó, thất bại trong việc tạo ra sức lôi hút (charisma) cần có của bất kỳ chính khách nghiêm túc nào trước công chúng. Càng lý luận lê thê với những khái niệm giáo điều xơ cứng, như trong bài là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, càng cho thấy ông đang mắc kẹt trong cái bóng của người tiền nhiệm.
Ông Trọng đã thành công khi xây dựng được thương hiệu cá nhân “người đốt lò” và giữ vững vị trí của mình trong tư cách người bảo vệ Đảng đến hơi thở cuối cùng. Bài học của ông Trọng để lại là sức lôi cuốn chính trị phải dựa trên cá tính thật của chính khách, chứ không thể ngụy tạo hoặc sao chép được.
Nếu cứ tiếp tục trình diện trước công chúng bằng những bài viết nặng mùi lý luận như trên, hình ảnh tốt nhất ông Tô Lâm có thể đạt được chỉ là trở thành một bản sao Nguyễn Phú Trọng.
Đó chắc hẳn không phải điều ông hướng tới, khi đã đi đến nước này.
Bài bình luận gần đây