You are here

Chó hùa - Chuyện đời nay (phần 1)

"Chó hùa" - Chuyện Đời Xưa
 
Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) sanh tại Vĩnh Long vào năm 1837 và mất năm 1898, thọ 62 tuổi. Có thể gọi ông Petrus Ký là ông Tổ của nghề báo tại Việt Nam, với tờ Gia Định Báo phát hành ngày 18/4/1865 (cách đây tròm trèm 160 năm) tại Sài Gòn và là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.
 
Ông Petrus Ký là một nhà chính trị - học giả - nhà văn - nhà ngôn ngữ học - nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng khác, ông Trương Vĩnh Ký có tập truyện "Chuyện Đời Xưa" (sáng tác năm 1886) với lối viết dung dị - hào sảng - nhẹ nhàng mà thâm thúy. Trong đó có câu chuyện với chữ "chó hùa". Trích đăng dưới đây [1]:
 
Con chó với con gà.
 
Con chó đi gặp con gà trống mới chào, rồi nói: Tôi trông cho gặp anh một chuyến mà hỏi một chuyện. Con chó mới hỏi: Trời phú tính cho anh hay, chớ phải chơi sao! Sao lại biết canh ba, lại khi gần sáng dậy mà gáy, ngày ngày cũng vậy. Con gà nói: Cái là trời đã phú tánh hễ tới chừng thì gáy.
 
Rồi con gà mới hỏi: Còn như anh làm sao anh biết có người ta đi mà sủa?
 
– Vốn cái tâm tôi thuộc đất: hễ động đất thì động tới tâm tôi, nên tôi biết.
– Mà khi anh nằm dưới đất thì làm vậy, chớ như khi anh nằm trên ván thì biết sao được mà sủa?
– Chừng tôi ở trên ván, nghe chúng sủa, thì tôi bắt chước sủa hùa theo mà thôi.
 
*****
Cho nên, vô số người biết chữ "chó hùa" nhưng chưa chắc nhiều người biết do ông Trương Vĩnh Ký, vốn là người đầu tiên đặt ra chữ này. Đứng trước những câu chữ quá nổi tiếng, cũng nên đi tìm gốc gác, để tránh hời hợt và không để mang tiếng ăn cắp như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy mà không màng về tác giả sáng tác theo đúng nguyên tắc của "người có ăn học", bởi câu nói "Đời người sống có một lần..." vốn trong tác phẩm Thép Đã Tôi Thế Đấy mà nhiều nhà văn - nhà giáo - nhà báo vẫn lặng im. Đó là điều nên đáng hổ thẹn!
 
Ngót nghét gần 150 năm trước, trong khi ông Petrus Ký bình dân với tên gọi "chó hùa" từ năm 1886, thì ông Phan Khôi - cách đây cũng gần 100 năm tròn - với bài bình luận [2] "Luận Về Khí Tiết" đăng trên báo Hữu Thanh vào năm 1923 diễn giải văn hoa hơn về chữ "chó hùa". Trích dưới đây: 

Ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ
(Phan Khôi, Luận về khí tiết, báo Hữu Thanh, năm 1923)

Sĩ phong nước ta, suy đồi đi là tự đời Lê Trung Hưng về sau. Lúc bấy giờ các Vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hóa nên cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ Vua Lê để tránh tiếng phản quân, thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi. Ban đầu chắc cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, không còn biết thế nào là sỉ nhục.

Một người như thế thì trăm nghìn người hùa theo, người trên như thế thì người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hạt giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn ngày một yếu ớt. Lòng tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ thì luồn cúi lạy lục mấy cũng chẳng từ, ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu có quản. (ngưng trích)

Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 21 tháng Tám năm 2015 có bài "Cách mạng Tháng Tám trong ký ức của người Can Lộc, Hà Tĩnh" ôn lại "lịch sử hào hùng", thoát thai để sanh ra "nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", trong có đoạn: "15h ngày 16/8/1945 lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc đồn huyện Can Lộc - nơi cướp chính quyền đầu tiên ở Hà Tĩnh trong Cách mạng tháng Tám. Những ký ức vẹn nguyên trong trí nhớ của cụ ông 100 tuổi đã nói lên khí thế hào hùng thời ấy, khi mà “dân đói thì đói nhưng nghe nói cướp chính quyền thì đi ngay” [3].

Trong phân tách thói tánh "chó hùa" của ông Phan Khôi về thời "vua Lê chúa Trịnh" so với bài ca ngợi "Cách mạng Tháng Tám" của báo Đại Đoàn Kết, người đọc nhận thấy có một điểm chung căn bản nhứt - dù cách nhau đến vài trăm năm -  "cướp" (!). Thế mới vỡ lẽ rằng: Chỉ có bọn giặc cướp mới thích thú và xiển dương thói tánh "chó hùa" (!)

Sau khi ông Hồ Chí Minh đường đường chính chính trở thành nguyên thủ của "nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", nào ai có ngờ thảm nạn Cải Cách Ruộng Đất diễn ra, gây bàng hoàng nhơn tâm bằng màn "đấu tố", đi kèm dòng máu "chó hùa" trỗi dậy mạnh mẽ, gây tán đởm kinh hồn của thuở "Trí Phú Địa Hào - đào tận gốc, trốc tận rễ". Rất đáng kinh khiếp và vô cùng hoảng sợ! Bởi thói tánh "chó hùa" chà đạp phẩm giá con người đến tận cùng, trước khi người Cộng Sản Bắc Việt ra tay giết chết cái gọi là "đồng bào" của họ. Thói "chó hùa" khiến xã hội miền Bắc lặng ngắt như tờ, người người nghi kỵ lẫn nhau, tình thâm máu mủ còn tệ bạc hơn "ao nước lã". Từ đại thảm nạn đó, sản sinh ra một xã hội bầy hầy - nhớp nhúa, tựa như một vũng lầy khổng lồ và sâu hoắm, nhấn chìm hàng triệu con người vô trỏng, buộc hàng chục triệu người dân miền Bắc phải câm lặng giữa đêm đen hoặc biến thành "chó hùa"! Ai dám nói không sợ thói "cho hùa"?!...

(Còn nữa)