Ngày 26-8, Quốc hội công bố, Trung ương sẽ quyết định bầu Chủ tịch nước trong kỳ họp tháng 10 sắp tới. Dư luận trong ngoài nước đồn đoán, Đại tướng Lương Cường sẽ đảm nhận chức danh này. Xét về tiêu chuẩn, ông Lương Cường là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Xét về tiền lệ, từng có Đại tướng Lê Đức Anh, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước.
Nói chung, Lương Cường đủ dư tiêu chuẩn để ngồi vào chiếc ghế sang trong nguyên thủ quốc gia. Nhưng trong thể chế một đảng nhiều phe nhóm, dưới triều đại của Tô Tổng bí thư thì sẽ không có nguyên tắc, không cần tiền lệ, các quyết định nhân sự sẽ tùy thuộc vào quyền lực. Ghế Chủ tịch nước chỉ cách ông Lương Cường một bước chân nhưng đành mượn tên bộ phim nổi tiếng của Đạo diễn Đặng Nhật Minh để dự đoán “Bao giờ cho đến tháng mười”?
Do thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chỉ trong vòng hai tháng, Tô Đại tướng đã thăng tiến thần tốc trong thế cục xoay chuyển đến chóng mặt. Quốc hội đã công bố Tô Đại tướng là Chủ tịch nước kiêm nhiệm Bộ trưởng Công An, thế nhưng trong cùng ngày lại mất quyền điều hành Bộ Công An vào tay ông Trần Quốc Tỏ. Tưởng đâu trở thành vua hờ bị tước binh quyền ấy, thế nhưng chỉ trong vòng một nốt nhạc, Tô Chủ đã xoay chuyển tình thế, thu hồi quyền lực cho người em đồng hương Lương Tam Quang, bất cần thông lệ, nguyên tắc Bộ trưởng Công An phải là Ủy Viên Bộ Chính Trị.
Cũng vượt lên nguyên tắc, thậm chí là luật đảng (Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị ) (1), Tô Chủ tịch đã đưa cả hai tướng đàn em là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư mặc dù cả hai đều thiếu không chỉ một mà hai tiêu chuẩn. Cả hai chưa dủ trọn một nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương và chưa từng là lãnh đạo ngành, địa phương.
Tổng Trọng tắt thở, Tô tái lập tình thế một đít hai ghế, hiên ngang đi Tàu, tay bắt mặt mừng, bằng vai phải lứa với Tổng Chủ Tập Cận Bình. Báo đài, chuyên gia quốc tế xôn xao bàn luận, dự đoán: “Việc ông Tô Lâm vừa là chủ tịch nước, vừa là tổng bí thư có thể là sự sắp xếp của Bộ Chính trị để ông có vị thế ngang hàng, đồng cấp với ông Tập khi đi thăm Trung Quốc. Bởi lẽ, xét về bề dày kinh nghiệm và các chuẩn mực của lãnh đạo tối cao, ông Tô Lâm được đánh giá là người có hồ sơ khá mỏng…
Một số nguồn tin nói với BBC rằng, có khả năng ông Tô Lâm sẽ thăm chính thức Mỹ vào tháng 9 và việc ông Tô Lâm đi Trung Quốc nhanh chóng ngay khi mới lên chức tổng bí thư có thể là để dọn đường cho chuyến thăm Mỹ?” (2)
Suy đoán này cũng có cơ sở, chiều 26/8 ngay sau khi kết thúc Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ kiện toàn chức danh Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024 theo Nghị quyết của Trung ương (3).
Vấn đề là ai sẽ được chọn vào ngôi thứ hai trong tứ trụ? Dư luận xôn xao nhắm vào Đại tướng Lương Cường. Đài RFI thậm chí còn đi xa hơn, ngay khi ông Lương Cường mới được bổ nhiệm làm Thường trực Ban bí thư, RFI đã dự báo nóng ông này là ứng cử viên chức Tổng bí thư. Theo RFI, việc bổ nhiệm tướng Lương Cường “nên được xem như một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của một liên minh chống lại sự trỗi dậy của ông Tô Lâm hơn là dấu hiệu cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Về lý thuyết, ông Lương Cường có nhiều cơ hội trở thành tổng bí thư tương lai. Nhiều tin đồn cho rằng quân đội đang gây sức ép để thanh tra tập đoàn Xuân Cầu (CTCP Xuân Cầu Holdings với công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố – CityLand) do em trai của ông Tô Lâm điều hành” (4).
Trang thoibao.de bình luận trên góc độ khác, “Tô Lâm vẫn muốn kiêm nhiệm Tổng bí thư và Chủ tịch nước nhưng nhưng liệu ông có hoàn thành tham vọng hay không?
Nếu kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư thì phải chấp nhận sống chung với Lương Cường – một sản phẩm của Nguyễn Phú Trọng trong Ban bí thư. Còn nếu muốn đẩy Lương Cường khỏi ban bí thư, Tô Lâm phải hy sinh chức Chủ tịch nước” (5).
Quả thật là tướng Lương Cường có đủ tiêu chuẩn theo luật lệ Đông Lào để lên ngôi. Đúng là theo luật, quân đội có cơ quan điều tra, truy tố, tòa án quân sự độc lập nhưng tất cả những yếu tố này đều nằm trong quyền quyết định của Bộ Chính trị mà hiện nay Bộ này chỉ gồm những người thân cận hoặc là con tin của Tô Tổng Chủ.
Gần đây, dư luận bàn nhiều về cái dớp xui xẻo của chức Chủ tịch nước mà quên cái dớp còn xui xẻo hơn của chức Thường trực Ban bí thư dưới thời Tổng Trọng: từ Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng, Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai, tất cả đều bị “cưa ghế”. Người trụ lại chức này lâu nhất là Trần Quốc Vượng được 2 năm, 340 ngày, ngắn nhất là Trương Thị Mai 1 năm, 71 ngày. Võ Văn Thưởng bước lên Chủ tịch nước được hơn 1 tháng đã phải từ chức (6).
Có thể ví von rằng Thường trực Ban bí thư là chức vụ quyền rơm vạ đá. Phải nói, phải ký và phải chịu trách nhiệm về các chủ trương, quyết định của Tổng bí thư, thường là đi ngược lại quyền lợi của một số thậm chí rất nhiều cán bộ đảng viên cao cấp. Điển hình là Trần Quốc Vượng, người trụ hạng lâu nhất. Không tì vết, khuyết điểm nhưng rớt đài vì gây thù chuốc oán quá nhiều nên không đạt tín nhiệm.
Về thế lực, tiếng nói quân đội trong đảng xưa nay vốn là vô đối do vai trò quan trọng và sự đóng góp của quân đội trong chiến tranh. Thế nhưng, trong thời bình, chủ trương quân đội làm kinh tế đã xói mòn sức mạnh đó. Tướng lĩnh, thậm chí thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào tù đông như lợn con. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bị mất chức, giam lỏng, dư luận ầm ĩ. Sự dẫm chân, va chạm giữa tình báo Công An và Tổng cục II Bộ quốc phòng trong truy bắt các đại án Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng, Vũ Nhôm, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chất chồng ân oán.
Dư luận về sân sau Xuân Cầu của gia đình Tô Tổng Chủ đã bung bét từ nhiều tháng qua nhưng chẳng thấy động binh. Có lẽ đó là chiêu ném đá dò đường qua sông của ai đó nhưng đá nhỏ, sông lớn, lực ném quá yếu nên đá chìm lĩm không gây chút sóng.
Ngược lại, sự kiện chấn động nhưng ít người chú ý là “chiều 21/8, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra số 1349 của Bộ Chính trị triển khai kiểm tra đối với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương”. Cơ quan đầu não của đảng kiểm tra cơ quan đầu não của quân đội là sự kiện hết sức nghiêm trọng.
Càng nghiêm trọng hơn là cách thức và thành phần vai vế của các bên liên quan. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thời gian tiến hành kiểm tra dự kiến trong 60 ngày làm việc.
Chủ trì triển khai quyết định là: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương: Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (7).
Từ đại hội 13 cho đến tháng 5-2024, thời điểm được bổ nhiệm làm Thường trực Ban bí thư, Lương Cường là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Ủy viên thường vụ Quân ủy nhưng không được tham dự cuộc họp triển khai này. Thời gian kiểm tra 60 ngày suýt soát thời điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội kiện toàn chức danh Chủ tịch nước. Bói ra ma, quét nhà ra rác. Kiểm tra tức là chính thức thu thập chứng cứ từ các thông tin đã có. Trong 60 ngày ấy liệu đồng chí Trần Cẩm Tú có tìm ra thanh củi to nào để lập công với lò của Tổng Chủ Tô Lâm?
Ông Lương Cường hẳn đang thắc thỏm với câu hỏi “Bao giờ cho đến tháng mười”?!
Phân tích sự kiện để thấy rõ hơn cuộc chém giết mang tên chống tham nhũng, đốt lò, thực chất chỉ là đấu đá, tranh giành quyền lực. Lương Cường hay bất cứ quan chức nào bị ngã ngựa cũng đều xứng đáng không oan ức. Đáng tiếc là bên thắng cuộc cũng không phải người sạch sẻ, chỉ đơn giản là kẻ mạnh hơn. Dân chúng không có phần, thậm chí càng nghèo khổ hơn dưới sự cai trị của thể chế độc tài, bất tài, tham ác.
2-https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2lp8xwyylo
5-https://thoibao.de/?fbclid=IwY2xjawE7DXNleHRuA2FlbQIxMAABHYr1Nmsr1n96HCi...
Bài bình luận gần đây