Hồi ký (Đồng Bằng) của Nguyên Ngọc có dành đôi ba trang viết về Rạch Gốc – một địa danh hẻo lánh, ở tuốt luốt tận dưới mũi Cà Mau lận:
“Rạch Gốc chẳng chợ búa gì hết, mọi thứ phải chạy đò lên Năm Căn mua… Một buổi sáng, bước ra trước sân Ủy ban, tôi ngạc nhiên thấy treo cờ tang.
Hỏi sao vậy … trả lời: Ông Andropov chết.
Tôi hỏi lại: Ông Andropov là ai thế?
Trả lời: Không biết, nghe đài Hà Nội biểu treo cờ tang thì mình treo…
Cờ tang cho ông Andropov nào đó treo rất đúng quy cách, chỉ kéo tới nửa cột, thòng kèm một dải vải đen nhỏ phất phơ trong gió biển…”
Cái ông Andropov (“nào đó”) nghe tên cũng có vẻ quen quen nhưng nhất thời thì tôi không thể nhớ ra được là ai. Cả ủy ban nhân dân Rạch Gốc và nhà văn Nguyên Ngọc cũng vậy, cũng bù trất, không ai biết thằng chả ở đâu ra nữa. Tuy vậy, cả nước, ai cũng biết rằng trong cái thế giới “bốn phương vô sản đều là anh em” thì bất cứ đồng chí lãnh đạo (cấp cao) nào mà chuyển qua từ trần thì đều “thuộc diện quốc tang” ráo trọi – bất kể Tây/Tầu.
Nói chi đến chuyện tang ma của một đồng chí cỡ Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước của nước ta. Tang lễ, truy điệu, điếu văn, nhang khói, hoa hòe, hoa sói, cờ phướn, cờ tang, cờ liệt, cờ rũ … thì (ôi thôi) tá lả bùng binh – theo như thông tin rầm rộ của báo chí nước nhà:
Ở thời điểm này, phu nhân của cố TBT – tất nhiên – cũng trở thành một yếu nhân, thuộc diện trung tâm. Mọi hình ảnh của bà đều được ký giả, phóng viên, nhà báo … ghi lại qua ống kính, không sót một góc cạnh nào:
Thế mới biết là giới truyền thông của nước CHXHCNVN “tác nghiệp” cũng rất nhiệt tình và hăng hái, trong điều kiện an toàn. Riêng báo Tuổi Trẻ còn có bài (“Thư Tay Của Phu Nhân Tổng Bí Thư Lào Gửi Phu Nhân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng”) cảm động hết biết luôn, khiến cho mọi tầng lớp độc giả đều phải sụt sùi, rơi lệ:
"Chị Mận kính mến!
Hôm nay (ngày 19-7), khi vừa về đến nhà, anh Thongloun Sisoulith bước đến gần em với sắc mặt buồn rầu và cất giọng nói khác thường: 'Naly ơi, anh vừa nhận được tin anh Nguyễn Phú Trọng mất, anh đã rời xa chúng ta rồi'.
Chị Mận ơi, trong giây phút đó em thật sự đứng tim, không thể nói nên lời và em không thể cầm được nước mắt, anh Thongloun Sisoulith đã ôm em vỗ nhẹ vào lưng và an ủi rằng: 'Anh cũng rất đau buồn và thương tiếc khi nhận được báo cáo khẩn từ Hà Nội, em hãy bình tĩnh và mạnh mẽ. Anh Trọng đã ra đi một cách thanh thản, anh ấy đã nhắm mắt đi xa trong niềm tiếc thương và đau buồn vô tận của nhân dân cả nước Việt Nam'.
Ai mà dè dân Lào lại đa cảm dữ vậy chớ? Tình cảm của bà Naly dành cho bà Mận (không dưng) khiến tôi thốt nhớ đến tình cảnh buồn bã và cô quạnh của một người đàn bà khác, bà quả phụ Lê Đình Kình – nhũ danh Dư Thị Thành.
Chồng bà Thành cũng là một đảng viên Cộng Sản (và cũng đã qua đời cách đây chưa lâu lắm) nhưng cái chết của ông ta bất ngờ, rùng rợn, thảm thiết lắm kìa. Tang ma thì não nề, và u uất. Tình cảnh vợ con/cháu chắt của người quá cố, xem ra, cũng vô cùng bi đát – theo tường thuật của RFA:
Đã bốn năm trôi qua kể từ ngày hàng ngàn cảnh sát cơ động tấn công vào thôn Hoành lúc rạng sáng, bắn chết cụ Lê Đình Kình - thủ lĩnh tinh thần của người Đồng Tâm, nhưng những ký ức đau buồn vẫn còn hiển hiện đối với những người liên quan như mới hôm qua…
Những người đàn ông trụ cột trong nhà, người thì bị bắn chết như ông Lê Đình Kình, người thì bị tuyên án tử hình như hai con trai của ông là Lê Đình Công và Lê Đình Chức, cháu nội ông Kình là Lê Đình Doanh bị án chung thân, và ba người khác bị án tù từ 12 năm đến 16 năm về tội “giết người” trong khi sáu người khác bị kết án từ 5-6 năm về tội “chống người thi hành công vụ.”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của RFA trước ngày giỗ chồng lần thứ tư, bà quả phụ Dư Thị Thành cho biết đến nay, chính quyền xã không làm giấy khai tử cho ông Kình vì bà không đồng ý ký giấy thừa nhận ông bị bắn chết ở Đồng Sênh, là cánh đồng mà dân Đồng Tâm cho là của mình còn chính quyền thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức nói là đất quốc phòng.
Facebooker Lã Việt Dũng, người có mặt tại hiện trường, cho biết thêm chi tiết qua BBC :
“Sáng nay đám tang cụ Kình, an ninh chìm nổi dày đặc...không cho một ai quay phim, chụp ảnh và cắt liên lạc toàn vùng. Tuy nhiên vẫn có một phóng viên … tiếp cận và lấy được lời kể của vợ cụ Kình:
‘Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân,’ bà Thành nói”.
Sao mà đối xử phân biệt “kỹ” dữ vậy, hả Trời?
Cả hai ông đều là đảng viên cộng sản lão thành (và đều tin vào chủ nghĩa này cho đến hơi thở cuối) mà. Nguyễn Phú Trọng thì nhất định dẫn dắt cả nước đi theo con đường XHCN, dù không tin rằng nó có thể “hoàn thiện đến cuối thế kỷ này”. Còn Lê Đình Kình thì “tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ đảng tuyệt đối”, bất kể đúng sai. Vậy mà ông Tổng Bí Thư nỡ hạ sát ông Bí Thư Xã bằng nhiều phát đạn. Chưa đã, nạn nhân còn bị phanh thây, không cho khai tử, rồi tịch thu luôn cả tiền phúng điếu, và bắt con cái người ta phải chịu án tử hình – y như một vụ án tru di!
Nay thì cả hai ông đều đã xuống tới Suối Vàng (nơi mà sức mạnh của chuyên chính vô sản chắc không còn hiệu lực) nên hy vọng họ có thể nói chuyện phải quấy với nhau một cách bình đẳng và tử tế hơn – chút xíu!
Sự bình đẳng và tử tế không hề có trên dương thế:
Cùng là phận đàn bà
Một người chìm dưới đáy
Người tột đỉnh vinh hoa
Nhưng băng tang cũng vậy
Cũng màu tang trắng ấy
Phanh thây Lê Đình Kình
Cũng màu tang trắng ấy
Cả triều đình tụng kinh
Thơ thay mặt thần linh
Cất tiếng lòng Đỗ Phủ
Trần gian lắm bất bình
Người với người dã thú
Cùng là thân phụ nữ
Xót bà vợ dân lành
Tiếng khóc than ai oán
Thấu chín tầng trời xanh!
Bùi Chí Vinh – 29/7/2024
Nước ta – may quá – bên cạnh 820 tờ báo và 41.000 người cầm viết ăn lương, vẫn còn có được một nhà thơ, và một bài thơ … tử tế!
Bài bình luận gần đây