You are here

Phở hay bất cứ món ăn nào cũng không thể gọi "tri thức dân gian"

Ngày 12 tháng Tám năm 2024, báo Nhân Dân cho biết [1] : "Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến, gắn với tập quán, văn hoá ẩm thực của Hà Nội. Mới đây, phở Hà Nội đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia" theo quyết định mang số 2328/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch". Phần in đậm và nghiêng cho thấy đầu óc "đất lề quê thói" với cách đặc sệt "phân biệt vùng miền" của báo Nhân Dân.
 
Kèm theo đó, trang thông tin điện tử ra ngày 13 tháng Tám năm 2024 thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói rõ hơn [2]: Bộ VHTTDL vừa ban hành các Quyết định số: 2306, 2313, 2314, 2315, 2316, 2317, 2319, 2320,2321, 2322, 2324, 2325, 2326, 2328/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia (DSVHPVTQG) đối với Phở Hà Nội, Phở Nam Định, Mì Quảng và 14 di sản văn hóa phi vật thể khác.
 
Các trang báo trong nước loan tin cùng vô số ý kiến tranh luận và băn khoăn khi ghép địa phương: Hà Nội - Nam Định - Quảng Nam cho hai món ăn quen thuộc của người Việt Nam.
 
Báo giới chỉ đích danh 3 món ăn: Phở Hà Nội, Phở Nam Định và Mì Quảng (Quảng Nam) được đưa vô danh mục DSVHPVTQG trong đợt này. Các tiêu chí để được công nhận [3] là DSVHPVTQG tuân theo Nghị định 98/2010/NĐ-CP ban hành năm 2010. Theo Nghị định này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp 3 món ăn nói trên vô mục "TRI THỨC DÂN GIAN" - Một khái niệm rất tối nghĩa. Bởi hàng trăm năm qua, không một người bình thường nào gọi: Cơm, phở, hủ tíu, bún mắm, bún bò, bánh xèo v.v... như vậy cả. Người đời gọi chúng là "món ăn". Văn hoa hơn, các nhà nghiên cứu văn hóa gọi tên "văn hóa ẩm thực". "Ẩm" nghĩa là uống và "thực" nghĩa là "ăn". Trong các pho truyện cổ, người đời cũng quen thuộc với chữ "yến ẩm linh đình". Khái niệm này nghĩa là những bữa tiệc thịnh soạn, dành cho tầng lớp giàu sang thuở xa xưa. Chính cách gọi "tri thức dân gian" dành cho các loại đồ ăn thức uống trở nên xa lạ - khó hiểu và học đòi của Chính phủ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuân theo đã tạo cảnh trớ trêu, với vô số ý kiến khen - chê về việc công nhận này. Bởi "tri" nghĩa là biết; "thức" nghĩa là nhận thấy. Cho nên "tri thức dân gian" là khái niệm trừu tượng, không phải khái niệm cụ thể. Trong khi đồ ăn thức uống là khái niệm cụ thể, vốn con người có đủ 5 giác quan kèm theo, khi thưởng thức món ăn.
 
Phở là món ăn quen thuộc, lan truyền từ đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam. Bất kỳ món ăn nào cũng đi theo sự trôi nổi của dòng đời xuôi ngược, như những dòng sông không bao giờ ngừng chảy. Theo đó, món ăn nào cũng biến đổi để thích nghi và thích hợp với khẩu vị của người dân nơi nó ghé đến và tồn tại lâu dài hay thu hẹp, rồi biến mất dần theo thời gian. Nói đến "PHỞ", cả thế giới đều biết ngọn nguồn xuất xứ từ Việt Nam. Người ăn không phân biệt phở theo địa phương. Người ta chỉ cảm nhận ngon dở theo khẩu vị cá nhơn. 
 
"Bánh Mì Việt Nam" được đưa vô danh sách hạng Nhứt trong 100 món bánh mì kẹp [4], do chuyên trang ẩm thực Taste Atlas công bố vào tháng Ba năm 2024, mà vốn dĩ bánh mì chắc chắn 100% không phải do người Việt Nam làm ra đầu tiên. Nói chi một ngày nào đó, thiên hạ bỗng nhiên nhào vô giành giựt loại "tri thức dân gian" mang tên: Bánh Mì Hà Nội hay Bánh Mì Hồ Chí Minh v.v... Một sự giành giựt (nếu có) quá ngớ ngẩn và đua đòi của những tâm hồn mang đầy mặc cảm tự ti, từ nguồn cội không lấy gì làm cao sang cho lắm (!)
 
Mục tiêu của các trang quảng bá ẩm thực trên thế giới, khi họ giới thiệu những món ăn gọi là "ngon" trên toàn thế giới cũng chỉ mang giá trị tương đối, kèm với mục tiêu quảng cáo cho chính lợi ích kinh doanh và lợi nhuận đi kèm của các chuyên trang ẩm thực. Họ không có mục tiêu chính trị và càng không bao giờ nghĩ đến "phân biệt vùng miền" - khái niệm vốn chỉ xảy ra sau này, khi văn hóa sống tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đầy dãy lố lăng - kệch cỡm - đua đòi hết cỡ, với vị trí cửu đỉnh của đồng bạc có hình Hồ Chí Minh.
 
Chính cách gọi "tri thức dân gian" kèm theo "Phở Hà Nội", "Phở Nam Định", Mì Quảng" (mà còn phải) Quảng Nam, vốn mang tính học đòi nhưng tối nghĩa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng tỏ nhà nước "đang kỳ thị vùng miền" và "phân biệt vùng miền", chứ không phải người dân.
 
Báo Tuổi Trẻ phát hành hôm 14 tháng Tám năm 2024 cho biết [5]: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã ký văn bản số 3466/BVHTTDL-VP phát hành ngày 14 tháng Tám năm 2024 gởi tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý thông tin xuyên tạc, sai sự thật về việc có ai đó mạo danh Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng để đưa món "Cháo Lươn Nghệ An" vô danh mục DSVHPVTQG.
 
Ngay cả các món ăn xuất xứ từ Âu - Mỹ: Spaghetti, Pizza, Hamburger v.v... không một chuyên trang ẩm thực thế giới nào ngớ ngẩn đến mức tuyên bố: "Spaghetti California" hay "Pizza Paris" hoặc "Hamburger Bắc Kinh" mới đúng khẩu vị truyền thống.
 
Vì lẽ đó, thay vì đòi xử lý ai đó mỉa mai châm biếm "Cháo Lươn Nghệ An" là DSVHPVTQG, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên coi lại cách làm việc của chính mình và thay đỗi cách làm văn hóa tỏ ra ... vô văn hóa!