Trong tuần qua dư luận xôn xao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang “chủ trì làm việc với các địa phương (Đà Nẵng và Hưng Yên) về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn” theo Quyết định 613 ban hành ngày 9/7/2024.
Một số cơ quan báo chí và nhiều nhà quan sát nhìn nhận động thái này như một dấu chỉ cho thấy sự khuynh loát của Bộ Công an trong guồng máy quyền lực Việt Nam đang mở rộng sang cả địa hạt điều hành kinh tế. Quan ngại này càng được củng cố với đà thăng tiến gần đây của cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm lên vị trí Chủ tịch nước và những diễn biến nhân sự liên quan đến lực lượng được mệnh danh là thanh gươm và lá chắn của Đảng này.
Đúng là không thể phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của ngành công an trong bộ máy quyền lực của các chế độ cộng sản. Chẳng hạn, mô hình quản trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây về bản chất là công an trị, với bộ máy an ninh nhà nước khổng lồ. Hay như ở Trung Quốc hiện nay, số liệu chính thức của nước này đã chỉ ra mặc dù Bắc Kinh đã tăng chi tiêu quốc phòng liên tục trong những năm qua trong bối cảnh cạnh tranh với phương Tây, song ngân sách dành cho an ninh công cộng - tức để bảo vệ chế độ - vẫn cao hơn.
Bởi vậy, không ngạc nhiên khi gần đây ngân sách được bạch hóa ở Việt Nam, người ta nhìn thấy mặc dù đang thắt lưng buộc bụng, chế độ vẫn ưu tiên dành một nguồn lực khổng lồ cho ngành công an. Với nguồn lực to lớn như vậy, Bộ Công an thỏa sức thực hiện các đề án lớn như số hóa dữ liệu căn cước công dân hay xây dựng lực lượng trị an cơ sở hàng trăm ngàn người. Dù mang tới những hệ quả tốt xấu đan xen, thật khó để phủ nhận rằng các đề án tầm quốc gia này đang giúp Bộ Công an phủ bóng lên khắp đời sống xã hội tới một mức độ mà bất kỳ ai cũng cảm nhận được.
Tuy nhiên, thừa nhận sự khuynh loát của ngành công an trong guồng máy quyền lực hiện nay không có nghĩa gán cho nó mọi thứ, bao gồm những việc mà nó không hề làm hay những chức năng mà nó không hề đảm nhiệm, để rồi dẫn đến những nhận định thiếu căn cứ.
Chẳng hạn, trong sự việc tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang được Thủ tướng phân công nhiệm vụ nêu trên, nhiều nhà quan sát đã hơi vội vàng khi dựa vào đây để cho rằng Bộ Công an đang lấn sân “điều hành kinh tế”.
Quả vậy, trong Quyết định 613 nêu trên có dẫn chiếu đến Quyết định 435 được Thủ tướng ban hành hơn một năm trước, ngày 24/4/2023, về việc “phân công nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.” Chính phủ có 25 thành viên, bao gồm cả Thủ tướng, ba Phó Thủ tướng và 21 Bộ trưởng, trong khi cả nước có 63 tỉnh thành, nên bản Phụ lục đi kèm Quyết định này chia ra mỗi người đảm trách từ 2 đến 3 tỉnh thành. Chẳng hạn, Thủ tướng phụ trách 2 địa phương Hà Nội, Cần Thơ, Bộ trưởng Công an khi đó là ông Tô Lâm đảm nhận Hưng Yên, Đà Nẵng, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang được phân công Thái Nguyên, Hà Tĩnh còn Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn chịu trách nhiệm ba địa phương Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
(Chú thích ảnh: Phụ Lục ban hành kèm Quyết định 435 ban hành ngày 24/4/2023.)
Vậy vì sao Thủ tướng lại phân công Bộ trưởng Lương Tam Quang làm việc với Hưng Yên, Đà Nẵng về tình hình sản xuất kinh doanh lúc này? Rất đơn giản, vì ông Lương Tam Quang vừa thay ông Tô Lâm ở vị trí Bộ trưởng Công an nên trong tư cách thành viên Chính phủ, ông được phân công những nhiệm vụ của người tiền nhiệm.
Cần lưu ý thêm là Chính phủ Việt Nam làm việc theo chế độ tập thể - di sản của mô hình Hội đồng Bộ trưởng trước đây. Theo đó các Bộ trưởng không chỉ đảm trách công việc trong bộ ngành mình, mà trong tư cách một thành viên Chính phủ - như là một ủy viên, họ còn được phân công những nhiệm vụ thuộc công việc chung của tập thể Chính phủ.
Như vậy, trong sự việc ở trên, tập thể Chính phủ xác định đốc thúc sản xuất kinh doanh ở các địa phương khắp cả nước là một nhiệm vụ công tác chung. Chính phủ khi đó giao cho mỗi thành viên Chính phủ một số địa phương nhất định để thực hiện công việc này. Khi ông Lương Tam Quang được phân công làm việc với Hưng Yên, Đà Nẵng về tình hình sản xuất kinh doanh, công việc này không trở thành một nhiệm vụ mới của Bộ Công an để nói rằng Bộ Công an đang “lấn sân” điều hành kinh tế. Ông Lương Tam Quang chỉ đang nhận nhiệm vụ trong tư cách một thành viên Chính phủ, như 24 thành viên còn lại, không có gì đặc biệt.
Tóm lại, trong khi quyền lực khuynh loát của Bộ Công an trong hệ thống chính trị Việt Nam là điều không thể bàn cãi, sẽ là thiếu căn cứ khi cho rằng Bộ Công an đang dần nắm quyền thống soái cả trong địa hạt điều hành kinh tế dựa trên việc Thủ tướng phân công nhiệm vụ cho tân Bộ trưởng Lương Tam Quang như trên.
Bài bình luận gần đây