You are here

LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ CƠ SỞ - CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA BỘ CÔNG AN

Ảnh của nguyenvandai

Từ 1/7/ 2024, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở (LLBVANTTCS) đã bắt đầu chính thức hoạt động trên toàn quốc. Đây là lực lượng được hình thành từ 3 lực lượng sẵn có, bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng. 

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 với chức năng và nhiệm vụ là xây dựng, củng cố, sắp xếp, bố trí lực lượng, giám sát tình hình an ninh trật tự ở từng địa phương.

Luật gồm 05 Chương, 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Theo quy định tại Điều 3 của luật này, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở "là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc."

"Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định từ Điều 7 đến Điều 12, gồm 6 nhóm nhiệm vụ: Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động".

Công dân từ 18-70 tuổi (nếu trên 70 tuổi nhưng sức khỏe tốt vẫn có thể được tham gia, điều này chứng tỏ, Bộ Công an đang tận dụng sức lao động của công dân một cách cạn kiệt). Trình độ văn hóa tốt nghiệp từ trung học cơ sở trở lên, ở vùng núi thì trình độ tiểu học trở lên.

Có thể nói, việc thành lập lực lượng này chỉ là vỏ bọc, thực chất là để Bộ Công an tăng cường giám sát mọi hoạt động của người dân, trên thực tế, về chức năng của lực lượng này hoàn toàn không cần thiết và chỉ tăng thêm gánh nặng chi ngân sách của nhà nước, mà cụ thể là người dân phải gánh chịu thông qua việc đóng thuế.

Sống ở một đất nước mà mọi hoạt động đều bị giám sát, lực lượng giám sát ở khắp mọi nơi, có thể lộng quyền để quấy nhiễu công dân, từ công an cấp xã, phường, bây giờ lại có thêm lực lượng nhân danh bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, trình độ thấp kém, lại được trao quyền như một công an cấp thấp, thì người dân phải sống thế nào.

Trong thời gian gần một năm qua, chính sách đàn áp người đấu tranh của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng khắc nghiệt. Những người hoạt động chính trị ở hiện tại hoặc những người đã nhiều năm không còn hoạt động đấu tranh lần lượt bị bắt bớ. Thời gian gần đây, số lượng người đấu tranh vì bị nhà cầm quyền đàn áp, khủng bố phải rời bỏ quê hương đi tị nạn chính trị ngày càng tăng, thậm chí, người tị nạn ở nước ngoài vẫn bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt cóc, khủng bố xuyên quốc gia. Vậy thì chính sách tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở này phải chăng chỉ là cánh tay nối dài của Bộ Công an nhằm để giám sát, trấn áp, nhắm vào những người hoạt động bất đồng chánh kiến.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chưa vực dậy nổi ở Việt Nam hiện nay, việc chi ngân sách cho khoảng 300.000 người trong lực lượng này, người dân phải bỏ tiền ra trả lương cho lực lượng giám sát họ, có phải rất vô lý hay không.

Một nhà nước dân chủ, khi dự kiến, đề xuất một bộ luật, phải thông qua ý kiến người dân, đối với luật pháp của nhà cầm quyền Việt Nam, dân chỉ biết tuân theo, bất đồng quan điểm thì bị quy chụp là phản động, chống đối rồi bị vào tù.

Cơ chế quản lý càng yếu kém thì càng tăng cường kiểm soát, phòng bị người dân. Với cánh tay đắc lực này, Bộ Công an ngày càng tỏ rõ quyền lực độc tài, cuộc sống của người dân Việt Nam trong thời gian tới sẽ chật vật và ngạt thở.