You are here

Thấy gì từ "đại gia" ngày nay?

Báo VNExpress ra ngày 2 tháng Bảy năm 2024 đưa tin [1]: "Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) bị đóng cửa trong 12 tháng", bắt đầu từ ngày 1 tháng Bảy năm 2024. Ngôi trường này được thành lập vào năm 2006, trụ sở tại huyện Nhà Bè. Năm học vừa qua, trường có hơn 1.310 học sinh, phần lớn theo chương trình IB. Học phí của AISVN là 280-725 triệu đồng một năm, tùy bậc học. Tức là hơn 10.000 USD đến 30.000 USD cho mỗi học sinh theo học. Chi phí học chưa tính: tiền ăn trưa, xe đưa đón v.v...
 
Với thông tin trên đủ kết luận, trường chỉ dành cho con nhà giàu, theo tiêu chuẩn thời nay cùng "tiếng Anh như gió". "Tiếng Anh như gió" là nhu cầu chánh đáng cho người Việt Nam, với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
 
Giàu có không đi đôi với hiểu biết
 
Ngày nay - tại xứ thiên đàng - thiên hạ rất ưa chuộng những chữ: đại gia, hào môn v.v... để ca tụng những người giàu có. Thậm chí báo giới sẵn sàng dùng chữ "nữ đại gia" trong bài "Nữ đại gia kêu oan cáo buộc hủy hoại tài sản 23 triệu đồng" [2]. Trong bài cho biết "nữ đại gia" đã hành động hồ đồ bằng cách kêu "gia nhân" chặt cây và đập tường trên khu đất, đang tranh chấp với hàng xóm. "Đại gia" hành động ngang ngược, bằng cách dựa vô sự giàu có hơn là trông cậy vào "pháp luật... XHCN" như vậy sao?!
 
Trong bài báo khác - ra ngày 19 tháng Tư năm 2024 - VNExpress cho biết [3]: Hai "nữ đại gia" đang cư trú tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng "bị lừa đảo" tới hơn 1.200 tỷ đồng, tức tương đương 50 triệu USD. Số tiền khủng khiếp như vậy, không chỉ khiến người ta giựt mình về con số mà cao hơn, với câu hỏi của người bình dân: "đại gia" sao ngu dữ thần vậy trời?! Quả thật, làm sao có thể hình dung "đại gia" thành đạt - giỏi giang, giữa thương trường xứ thiên đàng đầy dối trá - lọc lừa (mới) kiếm ra nổi số tiền khổng lồ, lẽ nào đầu óc ngớ ngẩn đến độ "bị lừa" dễ dàng như vậy?!
 
Câu chuyện thứ nhứt cho thấy, "đại gia" không hề hiểu biết về "pháp luật XHCN". Câu chuyện thứ hai cho hay, "đại gia" giàu sụ chứ không phải giàu sang. Cả hai câu chuyện cho thấy họ "phú" nhưng không hề "quý".
 
Lòng tham đi đôi với mù quáng chắc chắn sa lầy
 
Phàm ở đời, không ai không có lòng tham. Lòng tham theo nghĩa xấu đã được nói nhiều, ít người nói về lòng tham theo nghĩa tốt. Thí dụ lòng tham theo nghĩa tốt: 
 
- Chắc chắn xã hội khộng thể phát triển, vì sẽ không có các khái niệm: "phát minh", "sáng tạo", "phát hiện" (trong các ngành khảo cổ học - thiên văn học - y học v.v...).
 
- Xã hội không hình thành khái niệm "làm giàu" hay các khái niệm: "tích lũy tài sản", "di chúc", thừa kế", "cho - biếu - tặng". Tại sao khái niệm "cho - biếu tặng" được đưa vô phạm vi "lòng tham"? Thưa rằng, con người cũng dành những gì tốt đẹp nhứt để đưa cho những người mà mình thương yêu (vợ chồng - con cháu - cha mẹ - người yêu v.v...)
 
Còn vô số vấn đề tốt - xấu xoay quanh khái niệm "THAM", bất cứ ai cũng có thể suy ngẫm và dẫn ra. Như vậy, đủ để khẳng định chắc nịch, con người còn tồn tại trên địa cầu, tức là lòng tham còn tồn tại. Tuy nhiên, lòng tham đi đôi với mù quáng chắc chắn khiến con người ta sa lầy và chính vì vậy, Việt Nam mới có tục ngữ "lòng tham vô đáy", với những câu chuyện cổ tích từ Đông sang Tây, dành cho trẻ em, kể cả những câu chuyện có thật nhưng người lớn vô tri học mãi vẫn không bao giờ thông suốt.
 
Giàu có không chắc trở thành "đồng vốn" cho tri thức. 
 
Bằng chứng ư? Hãy nhìn lại hơn 900 phụ huynh với số tiền hơn 3.900 tỷ đồng thượng dẫn, để thấm thía thêm về "lòng tham vô đáy" từ các "đại gia" - chính "lòng tham vô đáy" dần dần hủy hoại hết mọi hiểu biết căn bản về pháp luật. Bởi báo VNExpress nói rõ "... Khoản này không tính lãi, không tài sản thế chấp, chủ trường hứa hoàn lại sau khi con em ra trường...". Đây là giao dịch dân sự mà tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu [4] "Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế", do bào Tuổi Trẻ đưa tin ngày 13 tháng Sáu năm 2024. Cũng bởi "lòng tham vô đáy" của hơn 900 phụ huynh - vừa muốn con mình học trường danh tiếng nhứt vừa muốn chi phí bỏ ra thấp nhứt, với lời hứa - sẽ được hoàn trả trọn vẹn số tiền đã cho nhà trường "vay không có lãi". Chắc chắn số tiền này được quy ra đô la Mỹ. Chính "lòng tham vô đáy", hơn 900 phụ huynh đã trực tiếp đẩy con mình vào cảnh dở dang và buộc phải tìm những ngôi trường mang tên "quốc tế" tương đương và nhứt định tốn thêm khoản tiền khổng lồ - đúng theo tục ngữ "mất cả chì lẫn chài".
 
Kết
 
Hơn 1.300 học trò con nhà giàu và 2 trường hợp với "3 nữ đại gia" kể trên cho thấy, xã hội xứ thiên đàng ngày nay, hầu như toàn bọn trọc phú, vốn giàu sụ nhưng không thể giàu sang; vốn đầy "quyền" nhưng không hề "uy"; vốn "phú" nhưng không tài nào "quý" cho nổi!
 
Tại khoản 1 điều 4 trong Hiến pháp 2013 chỉ rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
 
Người dân quèn xứ thiên đàng trông mong gì vào "đội ngũ trọc phú giàu sụ"  như vậy để lãnh đạo "tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội" (?).