You are here

TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM - SỰ TUYÊN TRUYỀN DỐI TRÁ CỦA NHÀ CẦM QUYỀN

Ảnh của nguyenvandai

Ngày 21/6/2024, lễ kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Nội dung phát biểu của ông Tô Lâm gửi đến các nhà báo như sau:

"Biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước suốt một thế kỷ qua.

Phát biểu chỉ đạo, ông đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên".

Và phải luôn thường trực lời Bác dạy: "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, cũng chớ nói, chớ viết", "tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc.

Các nhà báo cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung…

Ông cũng nhắn nhủ lực lượng những người làm báo cần tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần.

Không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc…"

Toàn văn phát biểu của ông Tô Lâm nhìn chung có vẻ như chỉ đạo phát huy được một nền báo chí tốt đẹp, nhưng thực chất, chỉ là những lời tuyên truyền mị dân.

Suốt thế kỷ qua, nền báo chí cộng sản chưa bao giờ phát huy được bản chất của nền báo chí độc lập và tự do. Chỉ số tự do báo chí của Việt Nam luôn đứng ở những vị trí thấp nhất trong bảng xếp hạng.

Chỉ số tự do báo chí (Press Freedom Index) là một bảng xếp hạng về độ tự do báo chí ở gần như tất cả các nước trên toàn thế giới,  được đưa ra bởi tổ chức phi chính phủ Phóng viên không biên giới, dựa trên các đánh giá của tổ chức này bằng những hồ sơ về tự do báo chí của các nước vào năm trước đó. Nó phản ánh mức độ tự do mà các nhà báo, các tổ chức tin tức và cộng đồng mạng và nhận được tại mỗi quốc gia, và những nỗ lực của chính quyền phải tôn trọng, và đảm bảo cho sự tôn trọng đối với sự tự do này.

Chỉ số tự do báo chí được tập hợp từ đánh giá qua 7 thông số:

1. Tính đa nguyên của báo chí (mức độ các quan điểm khác nhau có thể thể hiện trên truyền thông);

2. Tính độc lập của truyền thông (mức độ truyền thông có thể vận hành độc lập khỏi các ảnh hưởng và quyền lực về chính trị, tôn giáo và doanh nghiệp);

3. Môi trường hoạt động của báo chí và mức độ tự kiểm duyệt;

4. Khuôn khổ pháp lý;

5. Tính minh bạch (mức độ minh bạch của các tổ chức báo chí và quá trình thủ tục ảnh hưởng lên việc sản xuất tin tức và thông tin);

6. Cơ sở hạ tầng cho báo chí -truyền thông;

7. Bạo lực với nhà báo.

Xét cụ thể bảy thông số trên, có lẽ chỉ có thông số thứ 6 là cơ sở hạ tầng là thông số không ảnh hưởng quá nhiều đến sự độc lập truyền thông, sáu thông số còn lại, Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng theo tiêu chuẩn trên. Vậy nên, cho dù cá nhân lãnh đạo hay bộ máy nhà nước cộng sản Việt Nam luôn tuyên truyền Việt Nam luôn có tự do báo chí, thì gần thế kỷ qua, trong mắt truyền thông quốc tế, báo chí cộng sản Việt Nam chưa bao giờ đáp ứng được các tiêu chí này.

Nếu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chủ trương duy trì độc đảng độc tài, thì báo chí chỉ là cánh tay nối dài của đảng, chỉ có tác dụng tuyên truyền chính trị cho đảng, nhà báo trong chế độ cộng sản, chỉ biết viết theo định hướng chứ không bao giờ có tư tưởng độc lập, tư tưởng cơ bản mà một người làm nghề báo cần phải có.