Báo Dân Trí phát hành hôm 31 tháng Năm năm 2024 cho biết: Kể từ ngày 3 tháng Sáu năm 2024, 4 ngân hàng quốc doanh [1]: Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank sẽ bán vàng SJC cho dân chúng nhưng không mua vô, từ người đang nắm giữ, với các chi tiết cụ thể như sau:
1. Người dân phải mua ít nhứt 1 lượng.
2. Hóa đơn bán được xuất ra, theo hình thức hóa đơn điện tử.
3. Phải thanh toán qua tài khoản, nhằm khẳng định tính hợp pháp và quyền sở hữu của người mua.
Báo Tiền Phong phát hành ngày 3 tháng Sáu năm 2024 cho biết thêm [2] chi tiết: Ngoài việc chỉ bán ra và không mua vô, nhằm "bình ổn giá vàng", không tìm kiếm lợi nhuận, với mong muốn kéo giảm khoảng cách giữa giá trong nước và giá quốc tế, người mua còn phải mang giấy tờ tùy thân theo quy định, đến trực tiếp 36 địa điểm bán vàng để giao dịch. Tuy nhiên, khác một chút so với thông tin từ báo Dân Trí, người dân có quyền thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và nhận vàng giao ngay.
Cho tới nay, toàn dân đều biết, thương hiệu SJC thuộc nhà nước độc quyền. Từ sự độc quyền mang tính bảo chứng này, khiến toàn bộ dân chúng nhận được sự an tâm tuyệt đối, khi mua và bán SJC trên thị trường.
MUA - BÁN là cặp phạm trù không bao giờ tách rời. Đây là yếu tố căn bản nhứt để tạo ra thị trường. Nay Ngân hàng nhà nước cắt bỏ "nghiệp vụ MUA", tức là phá tan thị trường. Thử hỏi, những người đang cất trữ vàng SJC sẽ xoay xở ra sao, khi cần bán ra?
NHNN nắm độc quyền bán SJC cho 4 ngân hàng quốc doanh và sáng 3 tháng Sáu năm 2024, báo chí cho biết, công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) cũng được Ngân hàng Nhà nước chọn lựa để trở thành đơn vị thứ năm, có quyền bán vàng SJC. Điều này có nghĩa, cả 4 ngân hàng và công ty SJC hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng bán ra của NHNN. Tức là, NHNN muốn tung ra bao nhiêu là quyền của họ. Thêm nữa, thời gian bán vàng SJC cho dân bắt đầu từ 3/6/2024 nhưng không nói rõ về thời gian bán sẽ lâu dài hay chấm dứt việc này, vào một thời điểm nào đó. Điều này đồng nghĩa, NHNN nắm toàn quyền quyết định ngưng bán vào bất cứ lúc nào, họ thấy cần. Điều này sẽ tạo ra nhiều vấn đề rắc rối và nan giải:
1. Với hóa đơn từ ngày 3/6/2024, người dân sẽ xoay sở ra sao khi có nhu cầu bán ra, để giải quyết nhu cầu cá nhơn? Họ sẽ bán cho địa chỉ nào? Nếu cho rằng, cứ bán cho bất cứ tiệm vàng nào cũng được, vì đây là "thương hiệu quốc gia". Vậy thì giải thích ra sao, khi ngay cả 4 ngân hàng nói trên không thu mua? Câu hỏi này, liệu có dẫn đến trường hợp, khi người dân cầm vàng SJC ra bất cứ tiệm vàng nào để bán, họ cũng sẽ bị từ chối, y như báo chí đã cho biết 4 ngân hàng chối bỏ sản phẩm, do chính NHNN tin tưởng, mới được giao cho việc tung vàng SJC ra thị trường?
2. Với hóa đơn trước ngày 3/6/2024, kể cả số vàng không có hóa đơn nhưng đều đúng thương hiệu SJC, liệu có còn được phép giao dịch không? Tức là có "BÁN" và có "MUA" bình thường không?
Với hai câu hỏi giản dị và dễ phát sinh trên thực tế, không lẽ:
1. Thương hiệu SJC đang bị bỏ mặc về chất lượng vàng?
2. Thương hiệu SJC đang dần trở thành "bất hợp pháp", khi dân chúng muốn bán ra? Tức là chỉ có cất trữ (dòm ngó cho vui mắt) không có giá trị giao dịch gì cả. Hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn miếng vàng SJC mà dân chúng đã và đang nắm hàng chục năm qua, không lẽ biến thành "đồ hàng mã" để ngắm cho no mắt (?).
Báo chí đồng loạt cho biết, lần NHNN tung vàng ra bán trực tiếp kỳ này, không tính "lời lóm" gì cả, sau nhiều lần đấu thầu vàng không được thành công cho lắm. Đó là "ý tốt" của nhà nước. Tuy nhiên, hảo ý "không quan tâm đến lợi nhuận" không có nghĩa, lần thử nghiệm này không phát sinh các loại chi phí, do quá trình "bán mà không tính lời" diễn ra. Đơn vị nào phải gánh chịu các khoản chi phí này? Những khoản chi phí này sẽ hạch toán ra sao?
Vàng không chỉ là tài sản có giá trị vật chất mắc tiền mà nó còn là tài sản tinh thần quý báu. Bởi vàng còn dùng trong di chúc - thừa kế - biếu tặng, chất chứa cả đời tâm huyết của người dân, dù vui mừng trong hôn nhơn hay đau buồn cho một cuộc chia ly vĩnh viễn. Vàng còn được người dân "ký thác" cả niềm tin một đời cần lao mới có được, buộc phải "rứt ruột" bán ra trong cơn bĩ cực tận cùng. Vàng cũng là nơi trú ẩn an tâm của bọn tham nhũng, vốn nhà cầm quyền CSVN quyết "không đội trời chung". Chính vì lẽ đó, không thể nhìn vàng như các loại hàng hóa mắc mỏ khác.
Sự thử nghiệm như hảo ý của Ngân hàng Nhà nước công bố, tỏ ra không bền vững trên thực tế là vậy. Cũng không thấy có căn cứ nào để tin thị trường vàng ổn định và giá vàng tiếp cận ngang bằng giá thế giới, từ "sáng kiến" của Ngân hàng Nhà nước "bán mà không thèm quan tâm lợi nhuận". Thị trường vàng hoàn toàn đứt gãy! Điều này chứng tỏ, Ngân hàng Nhà nước không tỏ tường "kinh tế thị trường" - điều được nhà cầm quyền CSVN trông đợi vào tháng Bảy năm 2024 từ phía Hoa Kỳ tuyên bố chính thức được công nhận hay không.
Bài bình luận gần đây