Giữ nước từ sớm, từ xa là phương châm hàng đầu của nền quốc phòng Việt Nam, được cho là đã có truyền thống lâu đời trong lịch sử. “Từ sớm” có nghĩa là không đợi đến khi chiến tranh nổ ra thì mới hành động, mà cần chuẩn bị từ trước cho mọi kịch bản xung đột. “Từ xa” có nghĩa là xác định các rủi ro của quốc gia trong bức tranh rộng lớn hơn của khu vực và thế giới và đa sắc hơn của các lĩnh vực khác nhau ngoài quân sự, từ đó tìm cách khắc chế các mối đe dọa này bất luận chúng xuất hiện ở trong hay ngoài biên giới lãnh thổ.
Nhìn dưới góc độ quản trị rủi ro, thực hiện phương châm này là điều thông thường ở mọi nền quốc phòng, với sự tham gia không chỉ của quân đội mà còn những lực lượng khác của quốc gia vì lẽ tồn vong của một dân tộc.
Tuy nhiên, ở nước Việt Nam cộng sản, nơi nhiều khái niệm thông thường bị xuyên tạc, phương châm này đã bị lợi dụng cho những mục tiêu không lấy gì làm tốt đẹp. Chẳng hạn, Đảng Cộng sản, trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã đưa ra định nghĩa của họ về bảo vệ Tổ quốc như sau:
“Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
Ý nghĩa cao quý của công cuộc bảo vệ Tổ Quốc, theo đó, đã bị giáng cấp xuống chỉ để gìn giữ quyền lực và quyền lợi của một đảng phái và áp đặt một khuynh hướng chính trị làm cơ sở cho quyền lực và quyền lợi của đảng phái đó.
Với quan điểm sai trái về bảo vệ Tổ Quốc, phương châm giữ nước từ sớm, từ xa cũng bị xuyên tạc.
Vào tháng 6/2023, lần đầu tiên Bộ Công an phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo cấp quốc gia với đề tài “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”. Mặc dù đề tài hội thảo là bảo vệ Tổ Quốc, song trọng tâm của nó lại là về an ninh chế độ. Phát biểu chỉ đạo hội thảo của Bộ trưởng Tô Lâm dưới đây cho thấy điều đó:
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, các thế lực thù địch thay đổi chiến lược và phương thức chống phá ta, sử dụng phương thức phi vũ trang là chủ yếu, lợi dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, tôn giáo, dân tộc để can thiệp vào nội bộ nước ta với chiến lược hết sức nguy hiểm “diễn biến hòa bình” kết hợp bạo loạn lật đổ. Do vậy, phương thức đấu tranh phi vũ trang ngày càng giữ vị trí quan trọng. Đấu tranh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa là những phương thức để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.”
Ở đây, an ninh quốc gia đã bị đánh đồng với an ninh chế độ, giữ nước không khác gì giữ chế độ, bởi lẽ Tổ Quốc đã bị đánh đồng Đảng Cộng sản.
Hai tháng sau khi Bộ Công an tổ chức hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách an ninh Lương Tam Quang có bài viết trên Báo Nhân Dân với tựa đề “Cụ thể hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bảo đảm an ninh quốc gia”, nêu rõ phương hướng hành động của Bộ Công an để thực hiện chỉ đạo của Đảng. Trong năm phương hướng chính được nêu, đáng chú ý là hướng thứ hai và hướng thứ ba:
“(2) Quyết liệt chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả mọi yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh bên ngoài, bên trong từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới lãnh thổ, từ cơ sở, ngay khi mới bắt đầu, không để diễn biến phức tạp. Tập trung kiềm chế, từng bước xóa bỏ các vấn đề an ninh phức tạp kéo dài nhiều năm.
“(3) Đấu tranh xử lý quyết liệt với các đối tượng chống phá trọng điểm, kể cả từ bên ngoài biên giới quốc gia, tạo răn đe, bảo đảm các yêu cầu chính trị, đối ngoại, góp phần nâng cao uy tín, vị thế đất nước.”
Đây là bằng chứng cho thấy Đảng đã bật đèn xanh cho Bộ Công an gia tăng và mở rộng hoạt động đàn áp xuyên quốc gia (TNR) nhằm đảm bảo an ninh chế độ. Với nguồn lực được gia tăng không ngừng, kèm với sự hợp tác với cơ quan an ninh Trung Quốc, các hoạt động đàn áp xuyên quốc gia của Bộ Công an được dự đoán sẽ còn gia tăng và có thể sẽ còn hiệu quả hơn, đe dọa sự an toàn của bất kỳ ai dám thách thức quyền lực của Đảng, bất luận người đó ở trong hay ngoài biên giới Việt Nam.
Hệ quả cụ thể của xu hướng mới này là gì, ảnh hướng đến ai, và những người đó cần làm gì để ứng phó sẽ là đề tài của những bài viết tiếp theo.
Bài bình luận gần đây