You are here

Sự lừa đảo dù bất thành sẽ là cơ hội cho kẻ lừa đảo trong tương lai

Hơn 10 năm về trước, câu chuyện đầy tai tiếng mang tên "nhà ngoại cảm" quậy đục ngầu xã hội Việt Nam, được kết thúc bằng án tù chung thân [1] dành cho "cậu Thủy" về sự lừa đảo, với số tiền khổng lồ vào lúc bấy giờ - gần 8 tỷ đồng. Theo đó, việc dân chúng rầm rộ rủ nhau đi tìm hài cốt thân nhân của họ, cũng vắng dần rồi mất hẳn. Các "nhà ngoại cảm" không còn tác oai tác quái. Xã hội những tưởng thở phào...
 
Có lẽ, người Việt Nam dễ quên và thích trốn tránh những điều nhục nhã có thật nhưng nhớ dai và mê đắm những chuyện hư cấu giả tạo. "Xá lợi tóc" với ông Thích Trúc Thái Minh là một trong số đó. Câu chuyện rơi vào lãng quên nhanh chóng như sự xuất hiện vô duyên của nó.  
 
Thêm vô đó, dư luận dường như cũng quên câu chuyện hơn 10 năm về trước, với bài báo "Siêu dị nhân xin 2 tỷ để gọi mưa giúp vùng hạn" [2] của Lê Minh Hoàng. Bài báo này cho biết: "... Suốt mấy năm trời cứ tích cóp được đồng nào, anh lại xuống Hà Nội, đến các cơ quan như Viện Vật lý địa cầu, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ NN&PTNN để tuyên bố khả năng của anh là có thật...". Bài báo cho biết thêm, Lê Minh Hoàng tuyên bố đã "hạn chế" được 8 cơn bão vào năm 2012, giúp dân Mộc Châu "đuổi mưa" và hàng loạt "khả năng siêu phàm" khác. Có cả một lá đơn đánh máy xin tạm ứng 2 tỷ vào ngày 1 tháng Ba năm 2013.
 
Không lừa đảo được tiền, câu chuyện trôi vào dĩ vãng. Mới đây, dư luận bỗng xôn xao về việc "hô mưa gọi gió" với "sự tái xuất" của Lê Minh Hoàng - thường trú tại Hà Nội - muốn vô Tp.Hồ Chí Minh để lập đàn giải hạn, nhằm cầu xin "trời cao đất dày" ban mưa cho người dân tại thành phố mang tên bác. 
 
Ông Nguyễn Hoàng Điệp, được biết là tiến sĩ  - Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ và là giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người - báo Lao Động đưa tin vào ngày 14 tháng Tư năm 2024, với bút tích và văn bản hẳn hòi, nhằm giới thiệu Lê Minh Hoàng đến Chi cục Thủy lợi Tp. Hồ Chí Minh [3].
 
Trong công văn số 242024/CV - CTCS, ông Điệp giới thiệu Lê Minh Hoàng bằng dòng chữ (trích nguyên văn) "... Song vấn đề này chúng tôi CHƯA được kiểm chứng nhưng rất xót xa dằn vặt về việc nạn hạn hán thất bát mùa màng của một số tỉnh phía Nam nên tôi giới thiệu với Quý Cục về anh Lê Minh Hoàng. NẾU quả thực anh Lê Minh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì đất nước ta gặp phúc và các tỉnh phía Nam đang gặp hạn hán được cứu nạn. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh anh Lê Minh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không là chúng tôi CHƯA khẳng định và phủ định...".
 
Điều đáng lấy làm lạ và rất đáng lên án, không phải từ tên lừa đảo Lê Minh Hoàng mà từ một vị được gọi là "tiến sĩ" cũng như từng giảng dạy tới 3 trường đại học, với các lý do sau đây:
 
1. Cả một đoạn văn dài nhưng không hề thấy một dấu phẩy, chứng tỏ ngữ pháp thời học trò của ông "tiến sĩ" Điệp quá bạc phước, vì không được thầy - cô dạy tử tế cách hành văn.
 
2. Với học vị "tiến sĩ" cùng chuyên môn "nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người", tại sao ông Điệp không "nghiên cứu", không "kiểm chứng" lại cả gan giới thiệu? Điều này chứng tỏ ông Điệp không có chuyên môn gì cả mà đó chỉ là cái mã hào nhoáng và vô ích - vô nghĩa, với chức danh "Phó Viện trưởng" vốn chỉ là hư danh.
 
3. Trong đoạn văn nêu trên, ông Điệp dùng những chữ "CHƯA", "NẾU" nhằm để né tránh trách nhiệm với tư cách "tiến sĩ", một khi Lê Minh Hoàng thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo.
 
Báo Thanh Niên ra ngày 16 tháng Tư năm 2024 cho biết: Đinh Quang Thành với địa vị Giám đốc HTX Mỹ Thành thuộc xã Mỹ Thành - huyện Hoài Đức - thành phố Hà Nội, ký tên và đóng dấu bằng văn bản, nhằm xác nhận cho Lê Minh Hoàng đã thành công trong việc "cầu nguyện để bớt thiệt hại cho xã viên" giữa lúc lúa chín - vào tháng Tám năm 2023 - lại gặp gió giựt mạnh (!). Bài báo cho biết thêm, Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức và công an đang làm việc về vụ này. Đồng thời, Lê Minh Hoàng nhanh miệng "xin lỗi" (!).
 
Lịch sử hơn 10 năm về trước như dẫn chứng trên cho thấy, Lê Minh Hoàng là một kẻ lừa đảo, chẳng qua việc lừa đảo của hắn bất thành. Cho nên, sự việc "hô mưa gọi gió" để giúp cho dân phía Nam, cũng như Tp. Hồ Chí Minh là câu chuyện hoang đường. Điều rất đáng chê trách ở ông Nguyễn Hoàng Điệp và ông Đinh Quang Thành đã tiếp tay cho kẻ lừa đảo bằng những lập luận vu vơ, hoang tưởng.
 
Sự việc tưởng mua vui nhưng một khi, không đưa cả ba nhân vật này ra trước tòa, chắc chắn những kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục "học tập và làm theo tấm gương" của chúng.
 
 Sự lừa đảo dù bất thành sẽ là cơ hội cho kẻ lừa đảo tiếp tục trong tương lai.
________________________________