You are here

Không thể bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII

Đại hội Đảng của đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng Giêng năm 2026.

Trang Thông Tin Chính Phủ ngày 26 tháng Ba năm 2024 cho biết: Thủ tướng Phạm Minh Chính với tư cách Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã chủ trì phiên họp thứ hai, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV. Trong phiên họp này, ông Chính đã yêu cầu [1]: "...Mục tiêu không thay đổi nhưng cần bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp đột phá nào để tạo ra các động lực mới, xung lực mới cho giai đoạn 2026 – 2030 nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Thủ tướng lưu ý cần tìm ra những giải pháp đột phá, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái...".

Trước đó, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã họp phiên thứ nhứt vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 2023. Tiểu ban này quy tụ đến 53 thành viên cốt cán. Tiểu ban Kinh tế - Xã hội quan trọng nhứt - tính theo thứ tự - chỉ đứng sau Tiểu ban Văn kiện và đứng trước ba Tiểu ban còn lại, gồm: Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Điều lệ Đảng và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Như vậy, việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng được chuẩn bị khá lâu, nhằm mục đích cho đại hội (lần nào cũng phải) thành công tốt đẹp. Đại hội Đảng lần thứ XIII - diễn ra vào cuối tháng Giêng đầu tháng Hai năm 2021 -  cũng không ngoại lệ. Theo đó, tất cả các văn kiện cũng như đường lối chính sách kinh tế - xã hội đều được chuẩn bị từ 2019 - 2020.

Tuy nhiên, kể từ khi kết thúc Đại hội Đảng lần thứ XIII, suốt gần 5 năm qua, tình hình ở Việt Nam biến chuyển quá nhanh, bất ngờ ngoài dự đoán của tất cả các giới, bởi các yếu tố sau:

Yếu tố quan trọng nhứt và khó lường nhứt chính là đại dịch COVID-19. Đại thảm nạn này bắt đầu cuối 2019 tới hết năm 2023 và kéo dài cho tới hiện tại của những tháng đầu năm 2024, nó đã đẩy Việt Nam vào một tình thế vô cùng tồi tệ, chưa từng có trong lịch sử nửa thế kỷ qua, tính từ năm 1975. Gần như tất cả các lãnh vực Kinh tế - xã hội, Giáo duc, Y tế, Văn hóa, Ngoại giao v.v... đều gặp vô vàn khó khăn chồng chất. Chỉ riêng lãnh vực sản xuất - kinh doanh, tính đến hết quý 1 năm 2024, đã có gần 74.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường - theo báo Người Đưa Tin cho biết hôm 29 tháng Ba năm 2024. Chỉ riêng giáo dục mầm non - theo VTV đưa tin ngày 5 tháng Tư năm 2024 - Việt Nam cần đến 55.000 giáo viên và hơn 32.000 tỷ đồng [4]. Báo chí cảnh báo các loại dịch bịnh khả năng bùng phát rất cao trong năm 2024, với điển hình từ báo Nhân Dân [5] đưa tin về dịch Sởi dễ bùng phát. Tổng cục Thống Kê công bố số liệu chính thức về tình hình thất nghiệp quý 1 năm 2024, trong đó cho biết [6]: "...Số lao động có việc làm quý I năm 2024 đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kì trước dịch Covid-19...". Nội dung này tỏ ra nghịch lý với tin "gần 74.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường" nêu trên.

Yếu tố thứ nhì - kéo theo đại dịch - là yếu tố nhân sự của Đảng CSVN vô cùng bất ngờ và rối trí cho tất cả các giới. Với chức danh Chủ tịch nước, người dân đang chứng kiến sự thay đổi quá nhiều - quá nhanh đến mức ngỡ ngàng. Từ ông Nguyễn Phú Trọng, qua ông Nguyễn Xuân Phúc, đến ông Võ Văn Thưởng và sắp tới đây không biết là ai. Ngoài vị trí Chủ tịch nước thay đổi liên tục trong khoảng thời gian ngắn, kéo theo nhiều vị Phó Thủ tướng rời chức vụ trong lặng lẽ hoặc có người chết. Yếu tố nhân sự cấp cao và cấp siêu cao, luôn được cân nhắc và chọn lựa kỹ càng (theo lời của ĐCSVN). Điều này cho thấy sự khủng hoảng, chen lẫn sự hời hợt trong việc chọn lọc đảng viên, đảm nhận những vị trí quan trọng. Biến động dữ dội về nhân sự, đã làm chao đảo trong thượng tầng chính trị, gây hoang mang cho người dân.

Yếu tố thứ ba, đó chính là vấn đề chống tham nhũng. Trong suốt 5 năm qua - phải công nhận - Đảng CSVN đã lôi ra vô số nhân vật cao cấp tham nhũng. Nhưng có vẻ càng chống tham nhũng càng sa lầy. Bởi vì, sự  quyết tâm chống tham nhũng lại đi kèm Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định này khiến dư luận thấy đảng viên các cấp có thể hoàn toàn an tâm để "phụng sự đất nước". Nghị định này ra đời không bao lâu, thì ngày 16 tháng Mười năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra công điện 968/CĐ-TTg cùng với Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng  Sáu năm 2022, để yêu cầu các Bộ và địa phương phải [7] "kiểm điểm, xử lý cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm". "Một bên phải bảo vệ, còn một bên phải xử lý" đã tạo nên nghịch lý và xung đột rất lớn, tựa như một chiếc xe mà người chạy vừa rồ ga lại vừa đạp thắng - Đây là hình ảnh được vô số đảng viên vẽ ra từ lâu nhưng chưa bao giờ ĐCSVN nhìn nhận vấn đề nguy hiểm. Bởi chạy xe kiểu đó, nhứt định sẽ gây tai nạn cho bản thân người cầm lái và cho cả xã hội. Đồng thời, hình ảnh này chứng tỏ bộ máy làm việc hoàn toàn trì trệ. Ngoài ra, nó phản ánh tâm lý của những người làm việc trong nhà nước hiện nay, họ không dám làm - không muốn làm - không thể làm, bởi dễ dàng đi tù. Và cũng bởi, tự thân Nghị định 73 (nói trên) như lời "cảnh cáo" - vì nếu không, đã không cần phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm. Một người công chức nói chung mà không dám làm, lại chỉ nghĩ tới các cơ hội thăng tiến bằng mọi giá để dễ bề tham nhũng là những con người mục nát về tinh thần, sẽ dẫn tới toàn bộ công việc trong xã hội trì trệ, bế tắc. Đó là điều tất yếu.

Với những khó khăn cùng hậu quả  từ phân tách sơ phác trên, cho thấy, Đại hội Đảng lần thứ XIII không hề thành công tốt đẹp. Vì vậy, yêu cầu của ông Phạm Minh Chính đặt trong bối cảnh đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, trong đó yêu cầu phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là một yêu cầu lỗi thời và sai lầm.

[1] https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-phien-hop-tieu-...