Đã một tuần trôi qua kể từ cuộc từ chức vô tiền khoáng hậu của ngôi sao chính trị đang lên Võ Văn Thưởng, dư âm của vụ việc dường như vẫn chưa lắng xuống.
Dư luận xôn xao và bất ngờ cũng hợp lý vì ngay cả những nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm trong và ngoài nước cũng không lường trước được số phận chính trị của ông Thưởng - người từng được kỳ vọng sẽ kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Tổng Bí thư, lại kết thúc chóng vánh như vậy.
Sự bất ngờ của công chúng và giới quan sát là có cơ sở, bởi lẽ cho tới trước khi thông tin được lan truyền, ông Thưởng đang nắm giữ nhiều lợi thế hơn cả so với các ứng viên khác cho vị trí Tổng Bí thư. Lợi thế cả về vị trí đương quyền, kinh nghiệm công tác đảng, lý lịch ý thức hệ, và cả sự dư dả về thời gian. Đặc biệt hơn, đời tư và quá trình công tác chủ yếu ở cơ quan đoàn và đảng khiến ông ít gặp điều tiếng gì về tiền bạc - một điểm tương đồng với ông Nguyễn Phú Trọng.
Công chúng và giới quan sát cứ thế không ngớt đồn đoán về điều gì thực sự đã khiến ông Thưởng phải ra đi. Ngay cả khi bằng nhiều cách khác nhau, những người buộc ông Thưởng từ chức đã hé lộ điều được cho là sai phạm của ông trong quá khứ, điều này có lẽ vẫn chưa thuyết phục được dư luận.
Cụ thể, vài ngày sau khi ông Thưởng ra đi, một bài viết lạ được Ban Chỉ đạo 35 một số địa phương đăng tải đã tiết lộ sai phạm của ông Thưởng trong thời gian làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi là để cho “doanh nghiệp mượn danh [Phúc Sơn - ghi chú của người viết] đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân”. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là nhân dân nào mất lòng tin khi mà nội tình của sự việc đã không được làm rõ, và vì sao Bộ Công an lại chọn thời điểm Đảng khởi động công tác nhân sự khóa mới để làm án Phúc Sơn và lật lại sai phạm của ông Thưởng.
Tương tự vậy, dư luận không thấy thuyết phục khi án Phúc Sơn được Bộ Công an làm rất nhanh, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi có quyết định về số phận ông Thưởng chỉ chưa đầy một tháng. Vì sao một vụ án nghiêm trọng như vậy mà tiến hành thật cấp tốc? Vì sao Bộ Công an có thể bắt các Ủy viên Trung ương Đảng có liên quan trong vụ án mà không cần Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua các bước kỷ luật đảng như trước kia? Vẫn còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, việc dư luận mãi thắc mắc về những gì ông Thưởng đã làm có thể ví như “thấy cây mà không thấy rừng” và vô tình lại phù hợp với mong muốn của người đã loại bỏ ông Thưởng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bởi lẽ khi đó dư luận đã ngầm giả định sự thưởng - phạt trong cuộc đốt lò của ông Trọng là công minh, trong khi trên thực tế chưa hẳn đã vậy.
Ai cũng biết những cán bộ chủ chốt hiện tại đều từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo địa phương hoặc bộ ngành, như ông Phạm Minh Chính từng là Bí thư Quảng Ninh, ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng Tài chính, hay ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng từng làm Bí thư Hà Nội. Lật lại mấy chục năm công tác của họ liệu lấy gì đảm bảo không mắc những sai phạm tương tự như ông Thưởng, trong bối cảnh chủ nghĩa bè phái thân hữu trục lợi hoành hành ở Việt Nam hàng mấy thập kỷ qua?
Do đó, vấn đề không phải là trong quá khứ có mắc sai phạm hay không, mà nằm ở chỗ có đang nắm quyền lực thống soái để có thể lật lại sai phạm của đồng chí mình hay không.
Nhìn nhận dưới góc độ này sẽ thấy những đồn đoán, tranh luận, nghi vấn về sai phạm trong quá khứ của ông Thưởng không thật nhiều ý nghĩa, và có khi lại là dấu hiệu cho thấy dư luận đã bị đánh lạc hướng trong vụ việc này.
Chuyện cần đào sâu và thảo luận nhiều hơn là động cơ của người nắm quyền hành cao nhất trong Đảng hiện nay - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Thưởng.
Bài bình luận gần đây