Ở hầu hết các nước trên thế giới, quyền miễn trừ mọi trách nhiệm trừ tội phản quốc đều được áp dụng với người đứng đầu nhà nước, tức là nguyên thủ quốc gia. Và quyền miễn trừ mọi trách nhiệm này được qui định trong Hiến pháp.
Hiến pháp nước Nga đã qui định quyền miễn trừ trách nhiệm cho Tổng thống đương chức. Nhưng trước khi rời chính trường, cố Tổng thống Boris Yeltsin đã chọn Putin và yêu cầu Putin ký văn bản miễn truy tố mọi trách nhiệm với bản thân ông Boris Yeltsin khi đã nghỉ hưu và các thành viên trong gia đình.
Năm 2020, Tổng thống Putin đã yêu cầu Quốc hội Nga ban hành luật miễn truy cứu trách nhiệm hình sự suốt đời với các cựu Tổng thống Nga.
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 đã qui định quyền miễn mọi trách nhiệm cho Chủ tịch nước. Và điều này được qui định tại điều 50:
“Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc.”
Và khi mà Chủ tịch hay phó Chủ tịch nước phạm tội phản quốc, thì điều 51 qui định việc xét xử cũng rất chặt chẽ:
“Mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó chủ tịch hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Toà án đặc biệt để xét xử.”
Nhưng từ Hiến pháp Việt Nam năm 1959, 1980, 1992 và cho tới Hiến pháp hiện hành năm 2013 thì đã bỏ qui định quyền được miễn trừ trách nhiệm với Chủ tịch nước.
Mặc dù Hiến pháp Việt Nam luôn qui định:
“Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”
Điều 88 Hiến pháp cho thấy chức danh Chủ tịch nước có rất nhiều quyền lực:
“2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;
4. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;
Vậy tại sao nhà cầm quyền CSVN lại không qui định quyền miễn trừ mọi trách nhiệm cho chức danh Chủ tịch nước?
Thứ nhất, theo qui định của Hiến pháp thì chức danh Chủ tịch nước là một người có quyền lực cao nhất. Nhưng trong nội bộ của giới chóp bu CSVN thì Chủ tịch nước chỉ là nhân vật số 2, đứng sau chức danh Tổng bí thư.
Như vậy, nếu qui định trong Hiến pháp quyền miễn trừ mọi trách nhiệm với Chủ tịch nước thì sẽ bất công với Tổng bí thư là người nắm quyền lực thực trong đảng và chế độ.
Thứ hai, đảng và nhà cầm quyền CSVN làm việc theo nguyên tắc: “thảo luận tập thể và đưa ra quyết định tập thể biểu quyết, sau đó giao cho từng cá nhân trong giới chóp bu phụ trách và thực hiện.”
Bởi vậy, nếu có những sai phạm khi chức danh Chủ tịch nước thực hiện các nghị quyết, quyết định đã được tập thể Bộ chính trị hay Ban chấp hành TƯ ban hành, thì đó không phải là sai phạm của cá nhân Chủ tịch nước mà là sai phạm của cả tập thể. Cả tập thể cùng chịu trách nhiệm hoặc cùng được miễn trách nhiệm.
Ở chế độ độc đảng CSVN thì quyền miễn trừ trách nhiệm không được qui định công khai, nhưng được áp dụng ít nhất cho 4 ghế trong tứ trụ gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Đây là những qui định bất thành văn nằm bên ngoài Hiến pháp và pháp luật.
Và trên thực tế, đã có hai Chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng được cho nghỉ hưu, tức là đã hạ cánh an toàn. Ngoài ra, còn có hai phó Thủ tướng là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng đã được hạ cánh an toàn.
Điều này có nghĩa qui định bất thành văn về quyền miễn trừ trách nhiệm có thể được áp dụng tới các cấp phó Chủ tịch nước, phó Thủ tướng, phó Chủ tịch quốc hội.
Qui định miễn trừ trách nhiệm bất thành văn này có thể được áp dụng hoặc không được áp dụng tuỳ theo từng hoàn cảnh cụ thể, với từng cá nhân cụ thể. Vì nó không phải là quyền hiến định hay pháp định.
Thứ ba, việc không qui định quyền miễn trừ trách nhiệm cho chức danh Chủ tịch nước trong Hiến pháp để có thể cho các thế lực trong đảng gây áp lực với chức danh Chủ tịch nước khi cần thiết. Nếu cần có thể xử lý hình sự với Chủ tịch nước khi các thế lực trong đảng không đạt được thoả thuận với người đang nắm giữ chức Chủ tịch nước.
Thứ tư, điều quan trọng nhất là tất cả mọi quan chức ở tầng lớp chóp bu của chế độ CSVN đều là những quan chức tham nhũng. Nếu qui định quyền miễn trừ mọi trách nhiệm cho chức danh Chủ tịch nước thì sẽ tạo điều kiện cho người nắm giữ chức vụ này đặc quyền tha hồ tham nhũng, vơ vét của cải của đất nước mà không sợ bị trừng phạt.
Ví dụ thực tế: Các ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng đã đều là những quan tham, sâu mọt của đất nước. Nếu các ông này được Hiến pháp cho miễn trừ mọi trách nhiệm, trừ tội phản quốc, thì các ông này sẽ tham nhũng không biết tới mức như thế nào.
Đồng thời, khi cái cái ghế Chủ tịch nước có đặc quyền như vậy, nó sẽ dẫn tới cuộc đấu đá, tranh giành chức Chủ tịch nước diễn ra quyết liệt, gây tình trạng hỗn loạn, mất kiểm soát trong giới chóp bu CSVN.
Điều này mới thực sự phản ánh đúng bản chất của việc tại sao Hiến pháp Việt Nam không miễn mọi trách nhiệm cho chức danh Chủ tịch nước.
Bài bình luận gần đây