Mai nghĩa là phim "Mai" của đạo diễn Trấn Thành. Đào nghĩa là phim "Đào, Phở và Piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Nhà nước nghĩa là cả hai bộ phim đều được Nhà nước quan tâm chú ý. Đối với phim Đào, được Nhà nước bỏ tiền đầu tư; đối với phim Mai, bị Sở Văn hóa - Thể thao Tp.HCM phối trí với Công An cùng kiểm tra, sau đó bị đề nghị phạt 75 triệu - vi phạm quy định - vì để người dưới 18 tuổi vô xem [1].
Theo trang Box Office, ngày 2 tháng Ba năm 2024, doanh thu phim Mai đạt hơn 505 tỷ đồng [2] và phim Đào đạt gần 9,5 tỷ đồng cùng ghi chú: Bộ phim Đào, Phở và Piano không bán vé trực tuyến, nên hệ thống Box Office Vietnam không ghi nhận chính xác doanh số của tác phẩm này [3].
Báo Vietnamnet có bài "Doanh thu phim 'Đào, Phở và Piano' đạt 10 tỷ, kỷ lục chưa từng có (mà còn thêm) với phim nhà nước chiếu rạp" [4]. Cách ca ngợi "phim nhà nước" như vậy không đạt tính thẩm mỹ và tính khách quan trong nghề báo và càng không làm uy tín "phim nhà nước" tăng thêm. Trái lại, dễ khiến khán giả nhìn thấy sự thiên vị, trong cách quảng bá của giới báo chí (cũng toàn bộ do Nhà Nước quản lý thống nhứt và toàn diện).
Báo Dân Trí ra ngày 29 tháng Hai năm 2024 cho biết: Bộ phim "của Nhà nước" sẽ chiếu miễn phí tại Tp.Hồ Chí Minh cho sinh viên Campuchia và sinh viên Lào [5]. Thêm vào đó, báo Thanh Niên phát hành hôm 1 tháng Ba năm 2024 đưa tin: "...UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa giao các sở, ngành tổ chức lễ phát động phong trào thi đua "Thanh xuân dâng đảng" cho đối tượng kết nạp đảng giai đoạn 2024 - 2025 là học sinh, sinh viên; đồng thời tổ chức xem phim "Đào, phở và piano" miễn phí" [6]. Tạp chí Afamily góp tin: Ban Giám hiệu trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã quyết định mua vé và mời toàn bộ sinh viên cùng đi xem bộ phim này [7]. Chưa hết, báo Dân Trí cho hay: Một công ty kinh doanh dịch vụ nghĩa trang cao cấp tại TP. HCM đăng tải thông tin tặng vé xem phim Đào miễn phí cho toàn bộ cán bộ, nhân viên [8] nhưng không cho biết danh tánh của công ty (?). Đây là một chỉ dấu rất lạ, vì công ty kinh doanh về... dịch vụ nghĩa trang (!).
Thật ra, cái gọi là "MIỄN PHÍ" không phản ánh đúng sức hút của phim Đào. Bởi lẽ, những buổi chiếu phim (đúng nghĩa) miễn phí luôn tổ chức tại những bãi đất trống trước các "nhà văn hóa xã" - ngồi bệt xuống đất - không phải mua vé, hoàn toàn lui về dĩ vãng của một thời bao cấp xa xưa. Thêm vào đó, tất cả những cơ quan (chắc chắn dùng tiền ngân sách tỉnh thành/quận huyện) hay công ty (chắc chắn dùng quỹ của công ty) mua vé rồi tặng, không thể gọi là "miễn phí". Hơn nữa, việc tặng vé coi phim không hề đồng nghĩa, tất cả những người nhận vé đều dành thời gian đi coi. Điều này có nghĩa, phim Đào dù có đạt 100 tỷ hoặc hơn, vẫn không phải do khán giả có nhu cầu thưởng thức.
Đài BBC ngày 1 tháng Ba năm 2024 cho biết [9]: Một nhà văn nữ đã bị đấu tố vì chê phim Đào và nhấn mạnh: "...Dưới đây là một số lời chỉ trích “dễ nghe” nhất trong số những lời rủa sả, công kích nhằm vào nhà văn: Ai cũng như nhà văn này thì mất nước...". Nội dung của BBC như thêm vào một chỉ dấu "chính trị hóa" điện ảnh bộ phim gọi là "tái hiện lịch sử" thời chống Pháp, với bối cảnh và thời gian diễn ra vào cuối năm 1946 đầu năm 1947 - cách đây gần 80 năm - ca ngợi "người Hà Nội" với 60 ngày đêm "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Lịch sử của Việt Nam - gần trăm năm qua - kể từ ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) - còn quá nhiều mập mờ và khuất tất, theo chiều dài tang thương của cả nước. Chỉ thông qua một bộ phim với độ dài 100 phút, người dân xứ thiên đàng sẵn sàng chụp mũ "đồng bào mình" - quả thật ngoài khái niệm nghe thật rùng mình mang tên "đấu tố", không còn từ nào chính xác hơn!
Hai bộ phim Mai và Đào gây sóng gió ầm ĩ như chưa từng có về "sự cạnh tranh" giữa "tư nhân và nhà nước", đặt trong phát ngôn mới nhứt của đương kim Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng "Sức mạnh của dân tộc nằm ở những con người có trí tuệ và phẩm giá" vào hôm 29 tháng Hai năm 2024, tại "Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024" [10].
Chắc chắn, cách ca tụng phim Đào không thể gọi là "trí tuệ của người Việt Nam" và cách thanh tra phim Mai không đạt được "phẩm giá của người Việt Nam". Có lẽ, còn lâu lắm mong ước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đạt được...
Bài bình luận gần đây