Song Chi.
Khi đảng cộng sản cưỡng chiếm được miền Nam, giành độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước thì “căn bệnh” mà người dân, nhất là dân miền Nam, nhận thấy rõ nhất ở chính quyền mới, chế độ mới là bệnh “kiêu ngạo cộng sản”.
Ngây ngất, tự hào vì chiến thắng, đảng cộng sản khi ấy tự cho là mình “đứng trên đỉnh cao nhân loại”, từ đó đã có vô số chính sách sai lầm trong đối nội và đối ngoại. Đối ngoại thì lỡ nhịp bình thường hóa quan hệ với Mỹ để cho Trung Quốc có cơ hội bình thường hóa trước hàng chục năm; ngạo mạn không khéo léo trong quan hệ với nước khác khiến đất nước lại phải trải qua thêm 2 cuộc chiến tranh với Trung Cộng và Khơ Me Đỏ, làm mất thêm lãnh thổ, đảo… Đối nội thi hành chính sách vô cùng hà khắc đối với bên thua cuộc khiến hàng trăm ngàn viên chức, trí thức cao cấp của miền Nam phải vào tù, hàng trăm ngàn người khác bỏ nước ra đi--lãng phí nguồn chất xám để kiến thiết xây dựng lại đất nước và khiến lòng người thêm chia rẽ; mặt khác lại tiêu diệt văn hóa và nền kinh tế thị trường ở miền Nam, “tự tin” đem mô hình kinh tế bao cấp quốc doanh ở ngoài Bắc vào áp dụng trong Nam khiến cả nước suýt đứng trước bờ vực chết đói…Kể không hết những hậu quả của thói “kiêu ngạo cộng sản”.
Sau nhiều năm, khi Việt Nam trở thành một quốc gia thất bại, về mọi mặt thua kém các nước láng giềng trong khu vực và trên thế giới hàng chục năm, thậm chí trăm năm, thì căn bênh “kiêu ngạo cộng sản” chuyển thành bệnh “nổ”, hoang tưởng. Từ cấp lãnh đạo cao nhất như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cứ lặp đi lặp lại câu “đất nước ta chưa bao giờ có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Không chỉ ông Trọng, quan chức cộng sản nào cũng vậy. Ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn, là người rất hay ví von, hồi còn làm Thủ tướng từng nói Sài gòn phải là “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường", hoặc “Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”…Còn nhớ giai đoạn đầu khi Mỹ và các nước châu Âu lao đao vì đại dịch Covid-19, lúc đó dịch chưa bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ông Phúc đã tự hào về “thành tích chống dịch” của Việt Nam đến mức tuyên bố: “Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói: 'Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết'. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì “Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam”
Đến khi dịch bùng phát, con số người bị nhiễm, bị chết tăng lên từng ngày, các quan chức Việt Nam hốt hoảng vác mặt đi khắp nơi xin vaccine mà họ gọi là “ngoại giao vaccine”! Nếu không có các nước, nhất là Hoa Kỳ, viện trợ cho hàng chục triệu liều vaccine, không biết tình hình Việt Nam sẽ như thế nào.
Không chỉ có quan chức cộng sản mắc bệnh “nổ”, báo chí truyền thông Việt cũng không kém. Cũng trong thời kỳ dịch, có 2 vụ mà báo chí Việt từng “nổ” như tạc đạn, đó là vụ sản xuất bộ xét nghiệm nhanh vaccine, nào “Việt Nam công bố có thể sản xuất 10.000 bộ kít phát hiện nCoV/ngày”, “20 nước đặt mua kít phát hiện Covid-19 của Việt Nam”…; vụ thứ hai là những chuyến bay đưa người Việt bị kẹt tại các quốc gia bị dịch về nước. Báo chí hồi đó ngập tràn những bài như “Đại dịch COVID-19: Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào”, “Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào”... rồi thì những cụm từ “Tự hào Việt Nam”, “Chỉ có thể là Việt Nam”…Bây giờ thì đã rõ vụ sản xuất Test Kit của công ty Việt Á và vụ “chuyến bay giải cứu” là hai đại án tham nhũng, với sự tham gia của nhiều ban, ngành khác nhau, đã nhẫn tâm “ăn” trên nỗi đau khổ, khốn cùng của đồng bào trong mùa đại dịch ra sao.
Lạ lùng là bất cứ cái gì cũng khiến báo chí truyền thông “nổ” được. Thắng một trận đá bóng trong khu vực thì “Đánh bại U20 Qatar 2-1, U20 Việt Nam ngạo nghễ trên đỉnh bảng”. Thắng thì vậy, mà thua thì sao? “Báo chí bóng đá Việt Nam thắng thì kiêu ngạo, thua vẫn kiêu căng”.
Rồi những bài báo với những cái tựa gây giật mình như “Phi thuyền Việt Nam đầu tiên sẽ đưa người lên không gian cuối năm nay”. Đó là năm…2017!, “Năm 2020, VN trở thành nước công nghiệp hiện đại”, đó là bài báo năm 2010! Rồi thì “Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 25.000 kỹ sư vào năm 2025 và 100.000 kỹ sư vào năm 2030 cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn…”!
Còn nữa, trình độ sản xuất drone của Việt Nam so với nhiều nước ra sao mà viết “Máy bay không người lái của VN làm “bá chủ” bầu trời”, “Người Việt chế tạo drone mạnh nhất thế giới”.
Giới doanh nhân Việt nhiều người cũng “nổ” và chợi trội đến Tây, Mỹ cũng sợ. Như vụ chơi nổi tuyên bố tặng 155 triệu bảng Anh cho một trường College thuộc Viện Đại học Oxford ở Anh của bà tỷ phú Phạm Phương Thảo, sau đó…xù; thật ngẫu nhiên, hãng hàng không Viet Jet của bà Thảo lại bị vướng vào một vụ kiện thương mại liên quan đến số nợ đúng…155 triệu bảng Anh do thuê 4 phi cơ nhưng nhiều lần trễ hạn thanh toán!
Cỏn ông Phạm Nhật Vượng, chung quanh vụ mở công ty “lắp ráp” xe điện VinFast ở Mỹ, có đến hàng chục bài báo ca ngợi VinFast đến mức không hề biết ngượng!
Giới showbiz cũng “nổ”. Một ví dụ như một ca sĩ tuyên bố được mời hát tại sự kiện khởi động Super Bowl 2024, báo chí Việt Nam cũng tưởng thật đưa tin, Facebooker Nhã Duy sống ở nước ngoài phải lên tiếng trên facebook nói về sự kiện Super Bowl có tầm mức ảnh hưởng và quan trọng như thế nào ở Mỹ “Những ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng Châu Á hay Châu Âu cũng chưa có dịp được trình diễn huống hồ chàng ca sĩ xứ ta…”
Vô số những biểu hiện của bệnh “nổ”, hoang tưởng hay “tự sướng” này trong xã hội Việt Nam, từ quan đến dân. “Căn bệnh” này như nhiều người cũng lý giải, phải chăng phát xuất từ mặc cảm tự ti khi nhìn sang nước khác, thấy Việt Nam cái gì cũng thua nước người ta nên “nổ” để “tự sướng”?
Một quốc gia cho đến nay bình quân thu nhập đầu người chỉ khoảng trên 4.000 USD/năm, vẫn phải nhập khẩu hầu hết mọi thứ còn xuất khẩu thì chỉ gạo, nông sản, thủy sản…hoặc các sản phẩm gia công như giày dép, hàng may mặc, lắp ráp đồ điện tử…Không có nổi một thương hiệu trong khu vực. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia “xuất khẩu lao động”, tức là đưa người đi làm thuê ở nước ngoài, nhiều nhất. Đọc bài báo “Mỗi ngày có hàng ngàn người dân Nghệ An đội mưa rét chờ đăng ký tham gia kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc đợt 1 năm 2024” mà buồn. Còn về các chỉ số tự do báo chí, tự do tôn giáo, nhân quyền…thì luôn luôn nằm trong nhóm quốc gia tệ hại nhất.
Chúng ta đều biết, hoang tưởng, “nổ” không giúp cho đất nước phát triển. Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật, trung thực chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém và có đường hướng, chính sách thay đổi thực sự thì đất nước mới khá được. Chưa kể, khi “nổ” trở thành “căn bệnh” trầm kha (giống như các loại bệnh phổ biến khác trong một chế độ độc tài là gian dối, chạy theo thành tích, tham những, vô cảm…) thì nó sẽ làm cho đạo đức xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài.
Bài bình luận gần đây