Cách nay vài tiếng, lúc 9 giờ 50 phút sáng 18/2/2024, trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn chạy ngang xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra một vụ tai nạn nạn thảm khốc. Khi vượt xe vận tải chạy cùng chiều, một chiếc xe năm chỗ đi theo hướng từ Nam ra Bắc đã bị xe chở container va vào đuôi. Xe năm chỗ lật ngửa, văng sang phần đường phía bên kia và bị xe vận tải đang di chuyển theo hướng ngược lại húc ngang hông nên văng ra khỏi cao tốc (1). Do va chạm, xe vận tải mất lái, đâm thẳng vào đầu xe chở container, rồi bị xe container chạy phía sau đâm tiếp vào đuôi. Vụ tai nạn vừa kể đã khiến hai người trên xe năm chỗ chết, một người trọng thương (2)...
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98 cây số nối Quảng Trị với Thửa Thiên Huế. Tiếng là “cao tốc” nhưng chỉ rộng 12 mét, mỗi chiều chỉ có một làn xe. Từ khi khánh thành (đầu 2023) đã có vô số cảnh báo về sự nguy hiểm của cao tốc này đối với an toàn giao thông (cho phép xe cộ di chuyển với tốc độ cao nhưng đã hẹp lại không có dải phân cách hai dòng xe ngược chiều nhau, thiếu các tiện nghi tối thiểu như trạm nghỉ, đèn chiếu sáng (3)... Trên thực tế, đã có không ít tai nạn thảm khốc xảy ra trên cao tốc này. Vụ gần nhất xảy ra cách nay hai tháng (tháng 12/2023), hai xe chở container đâm thẳng vào nhau rồi bốc cháy ở đoạn đi ngang thị xã Hương Trà khiến một người chết, hai trọng thương (4).
Đó cũng là lý do tuy có “cao tốc” nhưng nhiều người không dám sử dụng cao tốc Cam Lộ - La Sơn vì “quanh co, hẹp, không dải phân cách, không đèn chiếu sáng, không có camera giám sát giao thông nên dù cẩn thận nhưng những xe khác chạy nhanh, chạy ẩu, không quen đường, không kiểm soát được xe thì vẫn vướng tai nạn” (5). Nếu chịu khó xem video clip ghi lại diễn biến tai nạn, ắt sẽ thấy, chính vì quá hẹp và thiếu dải phân cách, vụ tai nạn mới nhất ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới thảm khốc như vậy! Ở Việt Nam hiện có ít nhất năm tuyến “cao tốc” giống như cao tốc Cam Lộ - La Sơn (nghĩa là thiếu tất cả những yếu tố về an toàn, tiện nghi mà lẽ ra một cao tốc phải có)!
***
Cách nay hai ngày, có một chuyện khác bị xem là nhỏ nhưng về tính chất thì chẳng nhỏ chút nào và cũng liên quan đến “cao tốc”: Hôm 16/2/2024, đại diện Ban Quản lý Dự án 7 (bộ phận quản lý cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết) đã cùng với chính quyền huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) dỡ bỏ “cầu cứu rỗi” giúp người sử dụng cao tốc vượt qua hàng rào kẽm gai ngăn cách cao tốc với khu dân cư nằm bên cạnh cao tốc này để... đi vệ sinh. Cao tốc Vĩnh Hào – Phan Thiết nối với cao tốc Dầu Giây – Vĩnh Hảo tạo ra một đoạn đường dài 250 cây số không có trạm nghỉ - nhà vệ sinh. Đó là lý do thiên hạ hoặc nhịn tiêu tiểu, hoặc làm bậy dọc đường.
Chỉ hai tháng sau thời điểm khánh thành (tháng 5/2023), cư dân sống dọc cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã tự nguyện lập ra những “Nhà vệ sinh 0 đồng” (6) để... “cứu khổ, cứu nạn”. Một trong những “công trình” nhằm “cứu khổ, cứu nạn” mới được giới thiệu trên mạng xã hội là “cầu cứu rỗi” (7) . Trên VOA, sau khi giới thiệu “cầu cứu rỗi” này, một blogger đã dẫn thêm một số chuyện khác, chẳng hạn chuyện Bộ Giao thông – Vận tải giải thích, do không đủ vốn song cần hoàn thành chỉ tiêu (đến 2030, Việt Nam phải có 5.000 km cao tốc) nên chính quyền Việt Nam chọn giải pháp đầu tư phần chính, còn phần phụ (làn dừng khẩn cấp, trạm nghỉ - nhà vệ sinh, kể cả dải ngăn cách các dòng xe ngược chiều nhau) thì... từ từ mới... tính, hay chuyện những khu đô thị chẳng có trường học, bệnh viện nào bên trong hay bên cạnh các rừng cao ốc, cư dân không có không gian cộng cộng, nước cho sinh hoạt vừa yếu, vừa thiếu, thậm chí hàng chục ngàn người không có nước ăn uống, tắm giặt trong cả tháng,... để chứng minh: Các hệ thống đang dẫn dắt xây dựng CNXH tại Việt Nam xem cái chính yếu là kế hoạch, là chỉ tiêu và cả kế hoạch lẫn chỉ tiêu đều không màng đến dân sinh mà chỉ nhắm đến hoặc thành tích để “diễu võ, giương oai”, hoặc lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, nên khi vận hành hoàn toàn không vì con người, không đặt con người vào vị trí tối thượng (8).
Không may là những nhận định như thế lại đúng! Ngay sau khi thiên hạ “bàn ra, tán vào” như vừa kể, chính quyền lập tức tổ chức dỡ bỏ “cầu cứu rỗi” vì “vị trí lắp đặt cây cầu không đi kèm phương án tổ chức giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khi xe cộ dừng lại để sử dụng cây cầu”! Còn cần đi vệ sinh thì cứ rẽ khi đến các “nút giao” để tìm chỗ xả rồi quay lại cao tốc, “cách làm này hơi bất tiện nhưng là giải pháp tình thế duy nhất”. Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7, thản nhiên bảo rằng, tình trạng “cao tốc” thiếu trạm nghỉ - nhà vệ sinh là “vấn đề chung của các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 chứ không riêng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết”.
***
Năm 2022, ông Nguyễn Phú Trọng cho xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” mà ông là tác giả. Các viên chức trong hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông nhà nước đồng thanh ca ngợi rằng ông Trọng là người phác họa “mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam” (9). Tuy nhiên tám nội dung mà các đồng chí đồng đảng với ông Trọng bảo rằng ông Trọng đã “bổ sung, phát triển một số nội dung làm sâu sắc hơn mô hình CNXH ở Việt Nam” đều không có gì mới. Ví dụ, chẳng lẽ “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là “bổ sung, phát triển” cho thêm... “sâu sắc”?
Tuy nhiên kẻ viết bài này không có ý định phân tích “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”. Dẫn lại “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” chỉ nhằm trích dẫn một số điều ông Trọng luận giải, kiểu như: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”. Căn cứ vào các tuyên bố, nhận định của ông Trọng và đồng chí của ông thì các cao tốc hay cao ốc đươc dán nhãn khu đô thị,... chính là “giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội” dẫu thực tế cho thấy còn lâu chúng mới “hài hòa với lợi ích chính đáng của con người”. Có thể vì “khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm” nên ở Việt Nam, cao tốc mới không cần làn dừng khẩn cấp, trạm nghỉ - nhà vệ sinh, thậm chí một số cao tốc không cần cả dải ngăn cách các dòng xe ngược chiều nhau và các cao ốc đươc dán nhãn khu đô thị không cần bận tâm đến trường học, bệnh viện, công viên, cấp nước,... thế nào! Những người đang dẫn dắt xây dựng CNXH ở Việt Nam không cần những thứ... vặt vãnh đó bởi họ nhắm vào những thứ khác, hoàn toàn không phải là con người!
Tham khảo
(1) https://www.facebook.com/groups/OFFB.VN/posts/7571297086271443/
(2) https://vnexpress.net/tai-nan-lien-hoan-tren-cao-toc-cam-lo-la-son-hai-nguoi-chet-4712562.html
(3) https://thesaigontimes.vn/quang-tri-lo-ngai-ve-an-toan-vi-cao-toc-cam-lo-la-son-thieu-dai-phan-cach/
(4) https://vnexpress.net/oto-doi-dau-mot-nguoi-chet-4690040.html
(6) https://tienphong.vn/nha-ve-sinh-0-dong-tren-cao-toc-vinh-hao-phan-thiet-post1557087.tpo
(8) https://www.voatiengviet.com/a/hanh-dong-dep-cua-cu-dan-cao-toc-phan-thiet-vinh-hao/7486235.html
Bài bình luận gần đây