You are here

Vấn đề người đấu tranh ra đi tỵ nạn

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong vòng mấy tuần trở lại đây, có thông tin về hai cựu tù nhân Lương tâm ra đi tỵ nạn, cộng đồng người đấu tranh, phản biện lại xôn xao. Việc những người đấu tranh, hoạt động trong nước ra đi tỵ nạn đã có từ rất lâu rồi, nhưng nở rộ vào những năm 2015-2017 và rải rác đến tận bây giờ, và chắc vẫn còn tiếp tục. Người viết bài này khi đang ở trong tù cũng được hai an ninh xuống trại tù Ba Sao đặt vấn đề đi tỵ nạn, trước khi ra tù 3-4 tháng. Nhưng có lẽ an ninh biết người viết không mặn mà gì nên không bao giờ đặt ra nữa. Cũng như năm 2015, người viết đã có dịp đi Philippines và Thái Lan, cả hai nước này hình như đều có Văn phòng tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, rất thuận lợi nếu muốn ra đi tỵ nạn nhưng người viết chưa bao giờ có suy nghĩ về việc ra đi, đó là lựa chọn cá nhân.

     Trước hết, chúng ta cần xác định, việc ra đi tỵ nạn của người đấu tranh là lựa chọn cá nhân, là quyền tuyệt đối của người đấu tranh. Chúng ta không nên có thái độ tiêu cực về việc này. Việc đấu tranh của cá nhân là tự nguyện, không đấu tranh nữa cũng là điều bình thường, chúng ta chỉ có thể tiếc nuối. Đó là chưa kể việc người đấu tranh ra đi tỵ nạn vẫn đóng góp được cho phong trào đấu tranh chung mặc dù không trực diện đối đầu với cộng sản. Chúng ta mong muốn những người đấu tranh ở lại trong nước, nhưng quyền ở lại hay ra đi là lựa chọn cá nhân của họ. Cũng như việc chúng ta mong muốn hàng triệu người khác lên tiếng về thực tế tiêu cực, thối nát hiện nay hoặc về vấn đề tự do, dân chủ nhân quyền, nhưng chỉ có một số ít hưởng ứng tham gia vào công cuộc đấu tranh.

     Đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta thấy có ba nguyên nhân chính dẫn tới việc người đấu tranh đã phải tìm đến việc ra đi tỵ nạn: 1/ thoát khỏi ngục tù; 2/ bị truy bắt hoặc nguy cơ bị bắt; 3/ bị o ép trong cuộc sống đến mức không thể chịu nổi. Về nguyên nhân thứ nhất, không nói ai cũng hiểu cuộc sống trong tù “một ngày tù nghìn thu ở ngoài”. Nếu có cơ hội để thoát khỏi ngục tù, thoát khỏi sự đày đọa thì sẽ có nhiều người lựa chọn, và cũng được nhiều người thông cảm. Vấn đề là nhà nước cộng sản chỉ cho người đấu tranh thoát khỏi ngục tù để ra đi tỵ nạn chứ không để cho ở lại trong nước đấu tranh. Vậy nên người đấu tranh muốn thoát khỏi ngục tù đều phải rời bỏ quê hương, đất nước ra đi tỵ nạn.

     Nhiều người đấu tranh ra đi khi họ đã và đang bị truy bắt, hoặc nguy cơ bị bắt rất cao. Đây là thực tế rất rõ ràng khi chúng ta trải qua cuộc khủng bố trắng từ năm 2015 đến tận ngày hôm nay. Giai đoạn 2014-2016, có một số khá lớn người hoạt động đã đào thoát sang Thái Lan, khi đó mang theo khá nhiều thắc mắc. Nhưng khi nhà cầm quyền Việt Nam đẩy mạnh bắt bớ, giam cầm sau đó mới thấy rằng những người này nếu không ra đi chắc chắn sẽ bị bắt. Như vậy, để tránh bị bắt bớ, giam cầm và tù đày, nhiều người đã lựa chọn ra đi tỵ nạn. Đó là lựa chọn cá nhân cần được tôn trọng.

     Một số ít ra đi vì bị o ép trong cuộc sống đến mức không thể chịu được. Đấu tranh ở Việt Nam, không ít thì nhiều đều bị ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình. Bởi vì Việt Nam là nước độc tài toàn trị nên mọi phương diện của cuộc sống đều bị quản lý, theo dõi và chịu sự tác động của nhà nước. An ninh Việt Nam sử dụng mọi nguồn lực và phương tiện, mối quan hệ để dồn ép cuộc sống của người đấu tranh. Người đấu tranh là lao động chính, trụ cột trong gia đình nhưng khi không được làm những công việc chuyên môn mình được đào tạo (an ninh áp lực những nơi tuyển người), và thậm chí không được làm những việc ngoài chuyên môn, không tạo ra thu nhập thì cuộc sống đúng là địa ngục. Họ lựa chọn ra đi vì không thể sống được trong hoàn cảnh như vậy.

     Như vậy, những người ra đi tỵ nạn đều có những hoàn cảnh đặc biệt. Chúng ta không loại trừ có một số ít những người len lỏi vào phong trào lợi dụng để được đi tới những nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn ở Việt Nam. Nhưng ở đâu và việc gì cũng vậy, đều có những chuyện này, không tránh được và không đáng để nói tới. Chúng ta tôn trọng lựa chọn cá nhân của những người ra đi tỵ nạn bao nhiêu thì chúng ta cần trân quý những người ở lại bấy nhiêu bởi vì họ cũng trải qua toàn bộ những hoàn cảnh mà người ra đi trải qua (tù đày, bị truy bắt và nguy cơ bị bắt, o ép cuộc sống…) nhưng họ vẫn ở lại. Họ neo giữ niềm tin của phong trào dân chủ./.

Hà Nội, ngày 18/12/2023

N.V.B