Chủ tịch nước CHND Trung Hoa - Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, vào ngày 12 và 13 tháng Mười Hai năm 2023. Trước đó, ngày 11 và 12 tháng Mười Hai năm 2023, ông Hun Manet cũng viếng thăm chính thức Việt Nam, trên cương vị tân Thủ tướng Campuchia.
Hai quốc gia Campuchia và Trung quốc là hai quốc gia láng giềng, cùng nhiều "ơn oán" với Việt Nam, đặc trưng bởi lịch sử hiện đại, xuất phát từ hai cuộc chiến được gọi tên: Chiến tranh biên giới Tây Nam (1975 - 1989) và Chiến tranh biên giới phía Bắc (1979 - 1990). Trải qua vô số thăng trầm thời cuộc, Trung Quốc - Việt Nam - Campuchia vẫn cố gắng duy trì ngoại giao tốt đẹp lẫn nhau.
Trong 3 quốc gia này, chỉ có Campuchia - về mặt chính thức - không thuộc "hệ phái" Cộng Sản. Tuy nhiên, dư luận thế giới vẫn nhìn rõ tính chất "cha truyền con nối" của xứ sở Chùa Tháp. Dù phát triển kinh tế vẫn trên đà tiến triển nhưng Campuchia bị Hoa Kỳ cấm vận võ khí [1] vào tháng Mười Hai năm 2021. Còn Việt Nam đã được Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn [2] lịnh cấm vận võ khí vào tháng Năm năm 2016.
Trong 3 quốc gia kể trên, Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang theo đuổi "hệ phái" Cộng Sản. Tuy nhiên, Trung Quốc chứng minh thành công nổi bật, khi từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ độc tài toàn trị, với hình ảnh Tập Hoàng Đế hiệu triệu "muôn người như một - tiền hô hậu ủng" là sự thật, không thể phủ nhận. Còn Việt Nam, dù trải qua gần nửa thế kỷ, vẫn dậm chân tại chỗ với chế độ độc đảng toàn trị, bằng sách lược "tập thể lãnh đạo - cá nhơn phụ trách". Có lẽ vì vậy, trang fanpge của đài RFA gây cảm giác một chút ngậm ngùi và một phần cay đắng [3] bằng clip dài 1 phút 30 giây, trong đó, hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng rất yếu đuối cùng bộ dạng run rẩy và không còn điều khiển nổi cơ thể, trước cuộc gặp quan trọng tầm vóc quốc tế. Trong giọng nói hụt hơi, ông Trọng không ngăn nổi sự xúc động với cách nói nghẹn ngào: "... đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ hơn tôi rất nhiều. NHƯNG mà tôi thì đã già rồi. Rất muốn gửi gắm và trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ". Đi cùng lời nói nghẹn ngào của ông Trọng là cử chỉ vỗ vai nhè nhẹ với lòng thương xót cùng ánh mắt ái ngại của Hoàng Đế Tập Cận Bình, dành cho Tổng Bí thư nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam! Fanpage RFA nhấn mạnh 30 con chữ này đã bị lược bỏ trên phương tiện truyền thông đại chúng, từ phía Việt Nam! VIệc lược bỏ này càng chứng minh rõ, ông Trọng chỉ là "cá nhơn" (trong Bộ Chính trị), còn "tập thể" (Bộ Chính trị) đã quyết định phải cắt bỏ.
Với thời gian viếng thăm ngắn ngủi, một khối lượng văn bản đồ sộ với 36 thỏa thuận được đôi bên ký kết, cùng với "Tuyên bố chung" dài hơn 6.000 con chữ [4]. Một kỷ lục, mà báo giới gọi là "chưa từng có trong lịch sử" ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc. Tất cả báo chí đều ca ngợi sự thành công cao độ của chuyến viếng thăm này.
Mới đó gần nửa thế kỷ với "chiến thắng vang dội địa cầu" bằng việc "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào". Nay:
Vui sao nước mắt lại trào
Thay bằng khóc hận thuở nào đa mang
Thành công bỗng hóa gian nan
Giang sơn một mối hoang mang tấc lòng
Nỗi niềm ông Trọng nghẹn ngào
Trách nhiệm nay đã trao vào tay ai
Gìn non giữ nước làm sao
Hỡi đồng chí tốt chớ xao lãng giùm...
Chuyến viếng thăm thành công, với 21 phát đại bác vang rền chào đón Tập Hoàng Đế kia mà?! Tại sao ông Trọng phải dùng chữ "NHƯNG" trong câu nói 30 chữ nêu trên, như là phó thác mọi an nguy cận kề/sinh tồn hoại diệt, cho lớp Cộng Sản Việt Nam hậu bối đang cầm quyền? Đó là băn khoăn không chỉ của hơn 5 triệu đảng viên ĐCSVN, mà bất cứ người dân nào cũng thắc mắc không kém, dành cho cuộc viếng thăm "thành công - thành công - đại thành công" của tình "đoàn kết - hữu nghị" và "keo sơn gắn bó" từ thuở Hồ Chí Minh "lập quốc"!
Dường như lịch sử - lịch sử chính trị - địa chính trị đã phôi pha, nhạt nhòa, theo suốt năm tháng cai trị bạo tàn và sắt máu của người CSVN, khiến hầu hết người dân không còn hiểu gì thêm, ngoài 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (ngỡ là) bị cưỡng chiếm từ "người bạn 4 tốt", bởi những người CSVN hiền lành - ngây thơ, như vô số đảng viên ĐCSVN bày tỏ suốt nhiều chục năm qua (?). Của đáng tội thiệt!
Quá khứ thường được người đời coi là lịch sử. Sai lầm này không chỉ của thường dân, giới sử gia cũng gieo rắc vào trong sách báo, về Chiến tranh biên giới Tây Nam và Chiến tranh biên giới phía Bắc. Không dừng ở sai lầm về lý thuyết, cao hơn, khi "đóng đinh" lịch sử như là dấu chấm hết, lúc đó trở thành tội lỗi với di họa khôn lường cho hiện tại, qua câu nói nghẹn ngào của đương kim Tổng Bí thư ĐCSVN.
Báo chí trong nước không nhắc đến khái niệm "Cộng Đồng Chung Vận Mệnh". Chỉ có truyền thông nước ngoài như RFI, đề cập vào hôm 13 tháng Mười Hai năm 2023: "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Hà Nội vào hôm nay, 13/12/2023, kết thúc chuyến công du hai ngày. Trong một bản tuyên bố chung, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng xây dựng một cộng đồng chung mà cách gọi theo phía Việt Nam là “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”, khác với từ ngữ của phía Trung Quốc là “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”. [5]
Lịch sử chính trị đã bị cắt khúc, cho đến nay vẫn mập mờ về "Hội Nghị Thành Đô" năm 1990. Vào ngày 14 tháng Giêng năm 2020, tờ báo quan trọng nhứt mang tên Nhân Dân đã gọi "Mật ước Thành Đô - Một điển hình của sự dối trá" [6]. Vậy thì, ĐCSVN nên bạch hóa với bằng chứng rõ ràng về "sự dối trá" đó, trước toàn thể người dân Việt Nam được chăng?
Trước khi nói về "tương lai", "quá khứ" phải được đào bới lại. Bởi quá khứ - hiện tại - tương lai là một dòng chảy liên tục của bất kỳ quốc gia nào. Không được cắt khúc quá khứ, như cắt ổ bánh mì đã gặm nhấm chán chê, rồi bỏ mứa nó vô cái thùng rác mang tên "lịch sử" nhằm trốn chạy SỰ THẬT!
Bài bình luận gần đây