Báo Vietnamnet ra ngày 1 tháng Mười Hai năm 2023 đưa tin: Hai ông thầy giáo - tại trường tiểu học và trung học cơ sở Xy thuộc xã Xy huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị - đánh nhau trong lúc ăn nhậu, tại khu nhà ở tập thể của trường. Sau đó, cả hai ông bị Công an huyện ra quyết định xử phạt mỗi người 6.500.000 đồng [1].
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 8 tháng Mười Hai năm 2023 cho hay: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định tạm giam 4 tháng thầy giáo L. để điều tra về hành vi hiếp dâm học sinh 8 tuổi. Việc hiếp dâm xảy ra tại lớp học, thuộc trường tiểu học Đất Mới huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau [2].
Báo Dân Trí ra ngày 8 tháng Mười Hai năm 2023 cho biết: một nữ sinh lớp Bảy bị bạn nam sinh cùng lớp dùng kéo đâm trọng thương. Sự việc xảy ra tại một trường trung học thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu [3].
Báo VNExpress ra ngày 9 tháng 12 năm 2023 tường thuật: Thầy giáo môn Công nghệ - trường THCS Hồng Bàng quận Năm thành phố Hồ Chí Minh - dùng cây ăng ten (cây chỉ bảng) đánh một nam sinh lớp 8, với kết quả chụp X quang cho thấy gãy xương bả vai [4]
Một sự việc được dư luận tập trung chú ý và lan truyền dữ dội trên báo chí và mạng xã hội suốt nhiều ngày qua, xảy ra tại tỉnh Tuyên Quang, với cô giáo Phan Thị H. giáo viên dạy nhạc của trường trung học cơ sở Văn Phú, bị nhiều học trò đang học lớp 6 và lớp 7 cùng hiệp đồng khiêu khích, hạ nhục, nhốt trong lớp và chọi dép vô mặt. Trước đó, báo chí cho biết cô H. đã từng bị luân chuyển khỏi trường [5]. Báo Lao Động ra ngày 8 tháng Mười Hai năm 2023 ghi lại ý kiến của cô H. : "Tôi được biết ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra văn bản tăng cường thực hiện quy định đạo đức nhà giáo. Việc này là kịp thời và rất cần thiết, tuy nhiên khi đọc kỹ lại văn bản thì có chút chạnh lòng". Theo cô H, giữa thời điểm vụ việc cô bị nhóm học sinh xúc phạm, vô lễ như vậy còn đang nóng nhưng trong văn bản của UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đề cập tới vấn đề vi phạm đạo đức của nhà giáo mà không thấy nói tới vấn đề giáo dục đạo đức học sinh, xử lý học sinh vi phạm [6]
Năm sự việc kể trên đều xảy ra tại các trường tiểu học và trung học cơ sở - nơi được biết luôn đào tạo ra những "con người Xã hội Chủ nghĩa" (!).
Năm trường hợp vừa kể trên phản ánh gần như toàn xã hội được "thu nhỏ tệ nạn", rồi đưa vô trường học. Vì vậy, không thể gọi tên "bạo lực học đường" - một cách gọi chỉ là sự hiềm khích giữa học trò với nhau dẫn tới ẩu đả đôi chút, bởi lứa tuổi "ngựa non háu đá", vốn không nhận được sự dạy dỗ tử tế cho lắm.
Bạo lực học đường thời nào chẳng có! Trước 1975, sanh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thế hệ chúng tôi - nay hầu hết đều làm ông nội, ông ngoại - cũng có. Sau 1975, tiếp tục học tại thành phố Hồ Chí Minh cho đến giữa thập niên 80 thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi vẫn có bạo lực học đường. Võ khí của bạo lực học đường là gì? Là những cú đấm - cú đá của đám nhóc choai choai, tập tành làm "người lớn". Nhưng tuyệt đối không bao giờ có cảnh kéo bè - kết cánh cả bầy, để cùng đánh hội đồng một đứa bạn, ngay trong trường hoặc lớp. Càng không bao giờ có dao kéo - những hung khí xưa như Trái Đất. Thầy cô đánh nhau chửi nhau ngay trong trường ư? Hoang đường! Thầy giáo hiếp dâm học trò ngay trong lớp học à? Khùng!
Đoản văn kể trên nhằm ngụ ý, loại bỏ yếu tố internet tác độn - vốn là "cái thùng rác" mà dư luận và báo chí luôn đổ vấy.
Trước 1975 không có ngày Nhà giáo Việt Nam. Cho đến tháng Chín năm 1982, ngày 20 tháng Mười Một mới bắt đầu được nhà cầm quyền CSVN ghi nhận, như là ngày vinh danh thầy cô. Nhưng thời đó nghèo lắm! Đói lắm! Học trò và phụ huynh cũng như thầy cô và mọi người dân ăn còn chưa đủ, lấy gì "có quà" cho thầy cô! Khổ lắm! Lạc hậu lắm! Mà sao lứa học trò chúng tôi không hung tợn như thú dữ? Lúc bấy giờ, "trò ra trò - thầy ra thầy" vẫn còn đầy ắp. Đã 40 năm qua - kể từ ngày "Nhà giáo Việt Nam" được ghi nhận - những đứa bạn theo nghề Sư Phạm với 4 năm đèn sách, hầu hết đã nghỉ hưu.
Con người xứ thiên đàng tại sao ngày càng trở nên tàn ác - nhẫm tâm - lạnh lùng và đi gần với tính hoang dã - hoang dại, hơn là tiến về phía văn minh, dù gần nửa thế kỷ được "ĐCSVN chỉ đường dẫn lối"? Sự thật nghịch lý, tạo xung đột dữ dội và đầy mâu thuẫn đó vẫn diễn ra dày đặc. Chưa bao giờ nhà cầm quyền CSVN - ở cấp cao và cấp cao nhứt - tự vấn với câu hỏi "Tại sao?". Mọi việc họ luôn đổ thừa cho hoàn cảnh, cho thầy cô, cho học trò, cho cha mẹ và cho cả xã hội với phát ngôn mới nhứt của Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Hoàng Minh Sơn "Toàn xã hội phải có trách nhiệm trong vụ học sinh 'quây' cô giáo" [7].
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17 tháng Mười Một năm 2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất, trực tiếp xã hội. Dĩ nhiên, văn hóa - giáo dục là lãnh vực quan trọng nhứt trong xã hội. Kể cả kinh tế, có phát triển GDP vượt bậc cùng nhiều chỉ số khác, cũng không thể chiếm vị trí quan trọng đứng đầu của một quốc gia. đó chính là Văn hóa & Giáo dục. Thực tế, xã hội xứ thiên đàng ngày càng giàu có vật chất với biệt thự mênh mông - lâu đài đồ sộ - siêu xe dát vàng v.v... nhưng văn hóa và giáo dục ngày càng suy đồi, đến mức cả xã hội phải chết điếng như vụ cô giáo bị "sỉ nhục hội đồng" và lăng mạ - hành hung. Điều này khiến gợi nhớ về khái niệm "Đấu Tố" ngỡ quá vãng của một thời mông muội, từ lũ bần cố nông lưu manh, được "bảo kê" bởi nhà cầm quyền CSVN, vốn gây đau thương ngút trời vào thập niên 1950 - 1960, thế kỷ trước.
Muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì cần phải nhìn nhận SỰ THẬT của vấn đề đó. Trong vụ cô giáo bị cả bầy học trò lố nhố luân phiên hạ nhục và đỉnh điểm là hành hung, trách nhiệm của 16 Ủy viên Bộ Chính trị cùng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ nằm ở đâu?
Bài bình luận gần đây