Trong một lần tiếp xúc với một bạn trẻ, khi bàn về vấn đề chống tham nhũng hiện nay, bạn trẻ hỏi tôi: “Theo chú, ông Nguyễn Phú Trọng có phải là một người liêm khiết không?”. Đây là một câu hỏi thú vị, và cũng không ít người đã tự đặt ra hoặc trao đổi với nhau trong những lần bàn luận về chính trị.
Để trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu hiện trạng xã hội hiện nay, thực tế quan trường và cách thức vận hành của guồng máy. Nếu nói liêm khiết, theo đúng nghĩa chuẩn xác của từ này thì trong hệ thống guồng máy hiện nay không có ai có thể liêm khiết dù chỉ là quan chức cấp xã phường, quận huyện chứ đừng nói tới một người đã kinh qua nhiều chức vụ tới đỉnh cao quyền lực. Nguyên nhân cơ bản là, mức lương hiện tại của cán bộ, quan chức không thể đủ sống. Vậy nên, từ góc độ cơ quan, tới cá nhân đều ít nhiều xoay sở để bảo đảm cuộc sống. Cơ quan thì cũng tìm cách cho thuê mặt bằng, ki ốt lấy tiền chia cho toàn thể nhân viên… quan chức thì dựa vào cải tạo, xây dựng trụ sở ; quà cáp của doanh nghiệp, địa phương…(đó là những cơ quan đảng không có điều kiện tham nhũng của ngân sách và của người dân)… trong bối cảnh như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn không phải là người liêm khiết, liêm chính.
Nhưng từ việc xoay sở để tồn tại, hoặc thuận theo guồng máy để tiến thân tới việc trở thành trùm tham nhũng, thành nhóm lợi ích và đầu sỏ các vụ tham nhũng lớn mới là câu hỏi đặt ra cho ông Nguyễn Phú Trọng. Theo ý nghĩa này, cá nhân tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng không phải là người như vậy. Trong phạm vi và bối cảnh, mức độ tham nhũng như hiện nay, dù những điều đồn đại về ông Nguyễn Phú Trọng là có thật (vài căn hộ ở Ciputra, bức tượng bằng vàng…), ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là người giữ được liêm sỉ, vẫn là người có đủ tư cách để phát động và duy trì công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Có hai lý do khiến ông Nguyễn Phú Trọng đã không trở thành những quan tham bị người đời xỉ vả, vẫn đang là chỗ dựa cho công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Đó là:
Một, môi trường xuyên suốt cuộc đời công tác của ông Nguyễn Phú Trọng hầu như không dính dáng tới vấn đề kinh tế, quản lý kinh tế, quản lý ngân sách. Toàn bộ quá trình từ khi bắt đầu công tác tới khi ông Nguyễn Phú Trọng là ủy viên trung ương đảng đều chỉ ở một cơ quan, đó là Tạp chí Cộng sản. Sau đó ông Trọng chuyển sang làm Phó Bí thư thành ủy Hà Nội, lên Bí thư thành ủy Hà Nội, lên Chủ tịch Quốc hội và cuối cùng là Tổng Bí thư. Các cơ quan đó đều là cơ quan đảng và lĩnh vực lập pháp, không liên quan gì đến tiền nong, dự án, kinh tế. Với môi trường như vậy, việc giữ mình chắc chắn dễ hơn nhiều so với các cơ quan bên các bộ ngành và chính phủ.
Hai, ông Nguyễn Phú Trọng là người có tham vọng chính trị lớn, nên buộc phải lựa chọn giữ mình trong môi trường mà cơ chế đẻ ra tham nhũng hàng ngày hàng giờ. Đối với người có tham vọng chính trị, và tham vọng lớn, họ không quan tâm tới vật chất nhiều. Trong khi, với các chức vụ lớn mà ông Trọng nắm giữ, quà cáp và bổng lộc công khai (tiêu chuẩn quan chức cao cấp) cũng đã đủ để có cuộc sống hoàn toàn thoải mái. Ở các chức vụ cao mà ông nắm giữ, chỉ là các khoản quà biếu xã giao cũng đủ sung túc cho một gia đình. Có thể những đồn đại về ông Trọng là những khoản quà biếu cảm ơn mà Ông đã dùng ảnh hưởng giúp cho doanh nghiệp, hoặc đơn vị nào đó. Khi ông Nguyễn Phú Trọng phát động công cuộc chống tham nhũng, Ông càng phải giữ mình trước cám dỗ của các nhóm lợi ích.
Như vậy, môi trường công tác không có nhiều cám dỗ, bản thân có tham vọng chính trị lớn, ông Nguyễn Phú Trọng về cơ bản đã giữ được mình không trở thành quan tham như hằng hà sa số quan chức đảng viên đang bị công cuộc “đốt lò” của Ông đưa vào các nhà tù. Cũng chính vì giữ được bản thân không tham nhũng nên ông Nguyễn Phú Trọng cũng mới có lợi thế trong các cuộc đấu đá để duy trì quyền uy độc tôn trong một môi trường các nhóm lợi ích sát phạt nhau từng ngày từng giờ như vậy./.
Hà Nội, ngày 05/12/2023
N.V.B
Bài bình luận gần đây