“Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và những đơn vị, tổ chức có liên quan” đang làm dư luận rúng động chỉ là một trong chuỗi sự kiện giựt gân mà tác giả là đảng CSVN.
Năm 2016, BCH Trung ương đảng CSVN khóa 12 quyết định bổ sung “đạo đức” vào “công tác xây dựng đảng”. Cùng với ba yếu tố - tư tưởng, chính trị, tổ chức - đã được xác định là trụ cột của “công tác xây dựng đảng” từ 1960, “đạo đức” trở thành trụ cột thứ tư và đảng CSVN chính thức tiến hành công cuộc “tự chỉnh đốn”. Sự nghiệp “tự chỉnh đốn” sắp tròn 14 năm nhưng càng ngày càng nhiều những vụ án kiểu “giải cứu”, “Việt Á”, “Vạn Thịnh Phát”,... số lượng đảng viên phạm pháp không những càng ngày càng cao mà tính chất, mức độ phạm pháp, cũng như mức độ thiệt hại cho quốc gia, dân tộc càng lúc càng nghiêm trọng. Đảng viên phạm pháp không còn là hiện tượng cá biệt. Ngoài những kết luận điều tra – cáo trạng – bản án đã được công bố, thông báo về kết quả các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra thuộc BCH TƯ đảng khóa trước và khóa này (1) cũng cho thấy, đảng viên câu kết thành băng, nhóm để phạm pháp và điều đó đã trở thành điều bình thường ở tất cả các ngành, các cấp, thậm chí liên ngành, liên cấp!
Vì sao “tự chỉnh đốn” lại dẫn đến kết quả tệ hại như vậy? Cư như những gì đã biết thì dường như đó là hệ quả tất yếu của nỗ lực chống “tự diễn biến” (tự biến đổi theo chiều hướng nào đó) và chống “tự chuyển hóa” (tự biến đổi từ dạng này sang dạng khác)...
***
Cuối tuần vừa qua, lang thang trên Internet, sau khi đọc vô số nhận định, bình phẩm về vụ “Vạn Thịnh Phát”, kẻ viết bài này tình cờ lạc vào trang facebook của UCSD (University of California, San Diego - một trong những đại học công lập ở California) và nhìn thấy câu “Curiousity will take you everywhere” - Hiếu kỳ sẽ đưa bạn đi khắp nơi (2). Chắc chắn việc UCSD khuyến khích sinh viên kiểu đó có liên quan đến kết quả đào tạo của họ cũng như việc US News and World Report xếp UCSD thứ 20 trong số các đại học trên thế giới, thứ 28 trong số các đại học tại Mỹ. Lang thang trên Internet còn giúp kẻ viết bài này có dịp đọc lại “Nỗi ám ảnh của quá khứ” được Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934 – 2005, vốn rất nổi tiếng vì những đóng góp cho lĩnh vực sử học và khảo cổ học) viết năm 1991 và dường như sự hỗn loạn hiện tại ở Việt Nam là lý do khiến một số người sử dụng mạng xã hội cùng post và chia sẻ bài viết này (3). Xin trích một vài đoạn được xem như có liên quan đến việc chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”...
Tư duy là công việc của mỗi CON NGƯỜI, vì về bản chất, con người là một sinh vật có tư duy, có ý thức và vì có tư duy, có ý thức mà được / phải có quyền tự do lựa chọn mô hình hành động, cho chính mình (tự do cá nhân), cho chính cộng đồng mình (nhà mình, làng mình, nước mình…) và phải / được chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn đó.
... Xã hội Việt Nam truyền thống cũ có nhiều nét hay, vẻ đẹp nên ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, đô hộ, đè nén hàng ngàn năm vẫn trỗi dậy phục hưng dân tộc, “trở thành chính mình”. Nhưng xã hội quân chủ – nông dân – nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều “khuyết tật trong cấu trúc” – nói theo các nhà khoa học hôm nay:
Ở trong NHÀ thì có thỏi GIA TRƯỞNG, tuy tâm niệm “con hơn cha là nhà có phúc” mà vẫn không thích “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn vịt”.
Ở trong LÀNG thì có nạn CƯỜNG HÀO, với tinh thần ngôi thứ, chiếu trên, chiếu dưới, “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”.
Ở trong VÙNG thì có nạn SỨ QUÂN, thủ lĩnh vùng thích “nghênh ngang một cõi”, gặp dịp là sẵn sàng “rạch đôi sơn hà”.
Ở cả NƯỚC thì có nạn QUAN LIÊU, quan tham nhũng, tân quan tân chính sách, luật không bằng lệ, kiện thì cứ kiện nhưng “chờ được vạ má đã sưng”, nên chỉ cứng đầu thì dại, “khôn ngoan” nhất là “luồn cúi” và trí thức “lớn” thì cũng tự an ủi “gặp thời thế thế thời phải thế”.
Vì ngoài thì “bế môn toả cảng”, trong thì “chuyên quyền độc đoán”, cho nên sĩ khí ắt phải bạc nhược.
Thế giới giờ đây thay đổi đã nhiều. Song trong nước mình thì chưa đổi được bao nhiêu. “Nỗi ám ảnh của Quá khứ” vẫn còn đè nặng.
***
“Nỗi ám ảnh của quá khứ” là một trong 17 bài viết của Giáo sư Trần Quốc Vượng được ông tập hợp lại và đặt tên là “Trong Cõi”. “Trong Cõi” được Nhà Xuất bản Trăm Hoa ở California in và phát hành năm 1993. Theo ông Nhữ Đình Văn thì sau đó, “Trong Cõi” được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn in và phát hành năm 2014 nhưng phần viết về gia thế ông Hồ Chí Minh và “Nỗi ám ảnh của quá khứ” – bài cuối cùng trong số 17 bài, tuy rất thú vị nhưng đáng tiếc đã bị cắt bỏ (4), có thể xem toàn văn tại (5). Cứ đặt “Nỗi ám ảnh của quá khứ” được viết cách nay hơn 30 năm, rồi những “Curiousity will take you everywhere” (hiếu kỳ sẽ đưa bạn đi khắp nơi) mà UCSD chỉ là ví dụ vì phần lớn thiên hạ khuyến khích như thế, bên cạnh hàng loạt đại án và những thông báo về kết quả các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra thuộc BCH TƯ đảng xử lý hết băng đảng viên này đến kỷ luật băng đảng viên khác hẳn bạn có thể tự nhận định chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là tiến bộ hay phản động và thực trạng như đang thấy có khác gì tự... đào huyệt chăng?
Tham khảo
(1) https://ubkttw.vn/hoat-dong-cua-ubkt-trung-uong
(4) https://nhudinhvan.blogspot.com/2014/11/cuon-trong-coi-cua-gs-tran-quoc-vuong.html
(5) https://vanhocsaigon.com/noi-am-anh-cua-qua-khu-tran-quoc-vuong/
Bài bình luận gần đây