Báo Kinh Tế Đô Thị phát hành ngày 14 tháng Mười Một năm 2023 cho biết: "Sáng 14/11, tại Central Palace Saigon Hotel, Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (VTV9) - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ ra mắt chương trình truyền hình “Hành trình NetZero” và trong chương trình này, đài VTV có mời ông Lưu Bình Nhưỡng trong tư cách "Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" [1]
Sáng ngày 15 tháng Mười Một năm 2023, đồng loạt các tòa soạn trong nước đưa tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt, với cáo buộc là đồng phạm trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản" khiến dư luận hoàn toàn bất ngờ và thật sự gây rúng động. Hiện ông Nhưỡng không còn đảm nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội.
Báo Dân Trí phát hành vào lúc 21 giờ tối ngày 15 tháng Mười Một năm 2023 cho biết [2]: "... lực lượng chức năng tiến hành khám xét có đo đạc, chụp ảnh lại 2 cánh cổng bằng gỗ, sau đó lập biên bản, đề nghị địa phương tạm thời quản lý...". Trong bài báo này, có hình ảnh ngôi nhà bề thế và trầm mặc của ông Lưu Bình Nhưỡng tại Thái Bình - mang nét cổ xưa, rất rộng và là nơi thường xuyên lưu trú, mỗi khi ông Nhưỡng về thăm quê.
Ông Nhưỡng bị bắt với tội danh đồng phạm trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản" được điều tra mở rộng, vốn liên quan đến vụ án trước đó mang tên "Cường Quắt", từ năm 2022. Từ 2020 đến 2022, Cường "Quắt" và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường, chiếm đoạt của các doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Dư luận lấy làm lạ, khi vụ án mang tên "cưỡng đoạt tài sản", có liên quan gì đến 2 cánh cổng làm bằng gỗ mà phía công an buộc phải đo đạc, lập biên bản, rồi giao cho xã Hùng Dũng - huyện Thái Thụy - tỉnh Thái Bình tạm quản lý (?)
Tội danh "Cưỡng đoạt tài sản" được quy định tại điều 170 Bộ Luật Hình Sự, quy định khung hình phạt rất rộng, từ 1 năm tù giam đến 20 năm tù giam, với hành vi rõ ràng "...đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản..".
Dư luận đang hoài nghi giữa tính chính trị và tính hình sự, khi ông Nhưỡng đột ngột bị bắt tạm giam. Một người nổi tiếng, am tường sâu sắc luật pháp và nhiều năm trực tiếp đứng lớp với hàng ngàn sinh viên theo học ngành luật, tại sao lại vướng vô một vụ án hình sự mà vụ án này đậm đặc mùi vị "xã hội đen" bằng hành vi "cưỡng đoạt tài sản"?
Văn hóa xưa với tục ngữ "một giọt máu đào hơn ao nước lã", dễ khiến cho người Việt Nam dính vòng lao lý. Khái niệm "đồng hương" vẫn ngập tràn trên dải đất ốm o và còi cọc này suốt hàng trăm năm qua. Đôi khi chỉ vì hai tiếng "đồng hương", "dòng họ" (dù bên nội hay bên ngoại) mà khiến cả một người học cao uyên thâm dễ dàng dính vào pháp luật.
Tuyệt đại đa số người Việt Nam, dù học thức rất cao, dù am tường luật pháp, dù chu du khắp năm châu bốn biển, để chiêm nghiệm, để học hỏi và để làm việc nhưng thật khó bức ra, để sống sao cho DUY LÝ.
Ông Nhưỡng vốn là một tiến sĩ luật với thâm niên giảng dạy hơn 20 năm cùng cả quá trình đảm đương vai trò đại biểu Quốc hội, giờ đây thật "khó coi" qua 2 hình ảnh:
- Đồng phạm của vụ án "cưỡng đoạt tài sản"
- Hai cánh cổng bằng gỗ rất lớn trong một khuôn viên rất rộng với kiến trúc ngôi nhà kiểu quan lại phong kiến.
Cho đến nay, dư luận vẫn không hiểu "hai cánh cổng to bằng gỗ" bị công an đo đạc và lập biên bản, nó có liên quan gì trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản" mà ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc?! Chẳng lẽ chúng là một chút "quà cảm ơn không đáng gì" với việc hiếu hỉ "do nhờ anh nói một tiếng..." từ Cường Quắt (?).
Bài bình luận gần đây