Song Chi.
Phỏng vấn chuyên đề: “Chính sách của nhà nước Việt Nam đối với các sắc dân bản địa”.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Ông Lưu Quang Sáng (Amuchandra Luu), sinh tại Phan Rang, hiện sống và làm việc tại California. Thạc sĩ toán và có gần 20 năm giảng dạy ở trường đại học cộng đồng tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa USA, qua 7 nhiệm kỳ chủ tịch.
*Thưa ông, chúng ta bắt đầu bằng sự phân biệt những cụm từ “dân tộc thiểu số, người thiểu số” và “dân tộc bản địa, sắc dân bản địa”. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy nhà nước Việt Nam luôn luôn dùng cụm từ “dân tộc thiểu số, người thiểu số” mà không dùng cụm từ thứ hai. Thưa ông, tại sao như vậy và ở Việt Nam, có người bản địa hay không?
Ông Lưu Quang Sáng: Định nghĩa thì hơi dông dài. Tôi lấy một ví dụ để nói lên tất cả: “Ngưởi Việt tại Mỹ là dân tộc thiểu số, và người Da Đỏ là dân tộc bản địa của Mỹ”. Từ đó ta suy ra cộng đồng các dân tộc Champa là những sắc dân bản địa Việt Nam và người Hoa tại Việt Nam là dân tộc thiểu số. Chối bỏ sự thật chỉ cho thế giới biết chúng ta mãi mãi nằm ở thế giới Thứ Ba. Các nước văn minh đều công nhận dân tộc bản địa, tại sao chúng ta không?
*Trước đây khi còn ở Việt Nam đi làm phim tài liệu liên quan đến các sắc dân bản địa vào những năm 2000s, tôi đã nhận thấy văn hóa, bản sắc của một số sắc dân bản địa ở Tây Nguyên, hay phía Bắc Việt Nam, dần dần bị “biến mất”: từ nhà cửa (nhà sàn chuyển thành nhà gạch, mái bằng như người Kinh), trang phục, lễ hội v.v… Trong nhiều năm, nhà nước Việt Nam đã thi hành chính sách "đồng hóa" dần dần về ngôn ngữ, phong tục tập quán cho tới “lấn sân” (ở những nơi như Tây Nguyên thì cho người Kinh – đa số là người Thanh Hóa, Nghệ An… lên định cư làm ăn sinh sống, đẩy dần đồng bào bản địa vào rừng sâu), hoặc lấy mất đất, mất rừng, tách các dân tộc bản địa ra khỏi khu vực mà tổ tiên ngàn đời của họ đã sinh sống… So với các sắc dân bản địa này, dân tộc Chăm nhờ có chữ viết, có nền văn hóa dày dặn, cư ngụ ở vùng đồng bằng nên có vẻ ít bị thiệt hại hơn. Nhưng xin ông cho biết, việc dạy và học tiếng Chăm của người Chăm ra sao, có được thoải mái không, người Chăm có bị các chính sách “đồng hóa” hay bị hạn chế gì về mặt văn hóa không?
Ông Lưu Quang Sáng: Đây là chủ đề rất rộng, tôi tạm đề cập ba khía cạnh.
Trước năm 1975, cộng đồng người Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận ở An Phước và Phan Lý Chàm đều có cơ quan hành chính do Chăm tự quản. Tất cả từ Quận trưởng cho đến nhân viên đều là người Chăm. Tổ chức như thế rất thuận tiện cho việc giải quyết vấn đề liên quan đến phong tục tập quán đặc thù, mà vẫn đảm bảo an ninh chung. Sau 1975 khi hai miền Nam-Bắc gom về một, cả hai quận này bị giải thể và quyền tự quản đã mất hẳn. Hơn nữa ruộng nhà, ruộng lệ, ruộng làng đều mất nên tổ chức xã hội truyền thống dần bị phá vỡ, ảnh hưởng xấu đến đời sống cũng như tâm linh, nhất là quyền lợi của những chức sắc bàn địa đều bị xóa sạch.
Trường Trung học Pô-Klong do bà con Chăm xây dựng, đa phần thầy giáo là người Chăm, còn học sinh tuyệt đại đa số là con em Chăm. Sau này chính thế hệ học sinh từ Pô-Klong ra, đã đóng góp rất nhiều cho đất nước. Thế mà sau 1975, trường cũng bị giải thể. Biết là Trường Pô-Klong là khuôn mẫu giáo dục Chăm theo chương trình giáo dục quốc gia, vừa đậm bản sắc dân tộc vừa hiện đại.
Về ngôn ngữ, người Chăm có chữ viết sớm và họ rất trân quý ngôn ngữ dân tộc mình. Lối dạy truyền thống là cha dạy con, ông dạy cháu ở mỗi gia đình. Năm 1978, Chính phủ thành lập Ban Biên soạn sách chữ Chăm là điều đáng ghi nhận. Ban đã tổ chức soạn sách giáo khoa Ngữ văn Chăm cấp Một dạy cho con em Chăm tại các trường Tiểu học trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ đó Ban này đã đào tạo cả vạn người Chăm biết chữ mẹ đẻ. Tiếc rằng sau 30 năm, Ban cũng bị giải thể, hiện chỉ còn một cán bộ chuyên trách trong Sở Giáo dục.
*Thực tế tại Việt Nam cho thấy, đàn áp tôn giáo là một chính sách xuyên suốt bao nhiêu năm nay của chế độ độc tài toàn trị, đối với các sắc dân bản địa thậm chí còn hà khắc hơn, hệ quả là lâu nay trong số người Việt chạy sang Campuchia, Thái Lan xin tỵ nạn, rất nhiều người thuộc các sắc dân bản địa và vì lý do bị đàn áp tôn giáo như người H'mong, người Ê đê theo đạo Tin Lành, người Khơ Me theo đạo Phật v.v… Còn cộng đồng người Chăm thì sao, có gặp khó khăn gì trong việc bảo vệ và thực hành tôn giáo của mình không thưa ông?
Ông Lưu Quang Sáng: Sinh hoạt tâm linh của cộng đồng Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận không thuần tôn giáo, mà bao gồm cả phong tục tập quán. Nhìn trước được tương lai không mấy tươi đẹp, ông bà Chăm đã khôn khéo lồng tất cả truyền thống văn hóa, phong tục tập quán vào trong tôn giáo bản địa Ahier-Awal. Biến mọi thứ thành vấn đề tâm linh để con cháu dễ lưu truyền. Nói chung tôn giáo bản địa Champa không có mối liên kết với thế giới bên ngoài nên những cụm từ “diễn biến hòa bình, lợi dụng tự do tôn giáo, thế lực thù địch kích động…” không được nhà nước Việt Nam áp dụng cho dân tộc Chăm. Nhìn chung sinh hoạt tín ngưỡng của Chăm, Nhà nước Việt Nam không có gì cản trở cả. Chỉ có điểm nóng duy nhất và mang tính nguy cơ là tên Tôn giáo Bà-Ni bị nhà nước gom thành Hồi Giáo gây nhức nhối cho bộ phận người Chăm theo tôn giáo Bà-Ni.
*Trước và sau 1975, tín đồ theo tôn giáo dân tộc này đều được ghi là “Tôn giáo: Bà-ni” trong mọi loại giấy tờ hành chính. Rồi không hiểu nguyên do từ đâu, năm 2015, tất cả đều chuyển qua “Tôn giáo: Đạo Hồi”. Hơn nữa trong Danh mục Tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, con số tín đồ Bà-Ni đều bị dồn qua Hồi Giáo. Tên Tôn giáo Bà-Ni biến mất một cách vô cớ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lưu Quang Sáng: Theo một nguồn dư luận thì nhà nước Việt Nam có hai dự án để xin viện trợ gọi nôm na là dự án Ấn Độ và dự án Ả Rập. Dùng Bà La Môn và đền tháp chịu ành hưởng văn hóa Ấn Độ để xin viện trợ từ Ấn Độ. Gom Bà Ni thành Hồi Giáo để lấy lòng thế giới Hồi Giáo và xin viện trợ từ thế giới Hồi Giáo. Một nguồn dư luận khác thì nói vì dân tộc Chăm hiền hòa và thanh bình quá nên Nhà nước cần tạo sự xung khắc nội bộ, và cách dễ nhất là xung đột tôn giáo. Còn sự thật thế nào chỉ có nhà nước Việt Nam biết. Riêng tôi thì cho dù lý do gì, gom một tôn giáo độc lập vào một tôn giáo khác là một việc mà một nhà nước không nên làm. Đặc biệt người Chăm luôn tự hào là một dân tộc duy nhất trên thế giới hóa giải và hòa giải được sự xung khắc giữa Ấn Giáo và Hồi Giáo. Khi Việt Nam công nhận dân tộc Chăm là dân tộc bản địa thì Việt Nam tự hào là quốc gia duy nhất có một dân tộc bản địa hòa giải sự xung khắc giữ Ấn Giáo và Hồi Giáo, một nguồn cảm hứng và một thông điệp hòa bình cho nhân loại.
*Được biết, bà con đã gửi nhiều đơn thư lên Tỉnh và Trung ương, đến nay vẫn chưa giải quyết. Ông nghĩ về chuyện này người Chăm Bà-Ni có thể chấp nhận hay không?
Ông Lưu Quang Sáng: Chấp nhận hay không, điều này rất dễ kiểm chứng. Chỉ cần Chính phủ cho trưng cầu dân ý thì có kết quà ngay. Chứ mở một hội thào vài chục người rồi biểu quyết theo định hướng là không ổn. Hồi Giáo là một tôn giáo chuộng sự đồng đạo, vậy mà tại các nước Hồi Giáo vẫn có các tôn giáo khác tồn tại. Tại sao chính phủ Việt Nam lại xóa bỏ Bà Ni ra khỏi danh sách tôn giáo của Chính phủ?
*Chỉ tính riêng từ năm 1954 trở lại đây, người Thượng ở Tây Nguyên có lịch sử thường xuyên xung đột với người Kinh, còn sau tháng 4/1975 ít nhất từng có vài cuộc biểu tình lớn, nhỏ nổ ra ở Tây Nguyên những năm 2001, 2004, 2008… Vì sao điều đó không xảy ra với người Chăm?
Ông Lưu Quang Sáng: Câu này cho tôi trả lời sự thật theo cách trào phúng hay ai oán cũng được. Các dân tộc bản địa Tây Nguyên còn nhiều thứ để mất như đất đai, không gian văn hóa, tự do tôn giáo, công bằng đối xử v.v. nên họ phải biểu tình để đòi. Còn người Chăm không còn gì nữa để mất nên họ không biểu tình. Hơn nữa mật độ “an ninh” trong cộng đồng người Chăm là một kèm một như bóng đá. Nên các bạn trẻ hay ví von “Người Chăm sống ở Việt Nam là an toàn nhất thế giới vì được công an theo dõi bảo vệ 24/24”. Năm 2019, tôi về Việt Nam và cũng được công an theo “bảo vệ” như thế.
*Theo ông, chính sách đối với các sắc dân bản địa của nhà nước Việt Nam lâu nay có những gì không đúng và nhà nước cần phải có những thay đổi gì?
Ông Lưu Quang Sáng: Nhân mùa lễ Tạ Ơn của nước Mỹ xin lấy nước Mỹ làm ví dụ. Bài học Lịch Sử đầu tiên mà người Mỹ dạy công dân ở lớp mẫu giáo là bài học về Lễ Tạ Ơn Thanksgiving. Ở đó họ dạy về những người da đỏ và những người Châu âu di dân đầu tiên. Qua đó họ giáo dục về người bản địa và ý thức bản địa lớn dần theo thời gian. Nên mọi mọi người Mỹ đều có ý thức bản địa và chung tay vun đắp cho cộng đồng bản địa. Dĩ nhiên chúng ta có quyền được mơ Việt Nam sẽ giáo dục về ý thức bản địa và công nhận quyền bản địa. Hiện tại, ít nhất phải có cách răn đe với những người kỳ thị chủng tộc, nhất là những video clips phát tán xuyên tạc về những người bản địa, hoặc những phát ngôn khiếm nhã về những người bản địa. Ngoài ra Chính phủ phải miễn học phí cho học sinh người bản địa đến hết bậc Trung học.
*Theo ông, nỗi niềm ưu tư lớn nhất của người Chăm hiện nay là gì?
Ông Lưu Quang Sáng: Niềm ưu tư lớn nhất của người Chăm hiện này là làm sao tồn tại với bản sắc thêm 4 thế hệ nữa trước khi mất hút vào Bảo Tàng Nhân Loại. Với tốc độ đồng hóa như hiện nay, và khi người Việt Nam hiểu được câu “Sống Có Nghĩa Là Tạ Ơn” như người Mỹ thì Chăm đã đến và đã đi.
*Xin cảm ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn.
Song Chi (thực hiện)
Bài bình luận gần đây