You are here

Tại sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không để quốc hội lấy phiếu tín nhiệm?

Ảnh của nguyenvandai

Trước tiên chúng ta xem sự khác biệt trong việc lấy phiếu tín nhiệm ở chế độ tự do dân chủ đa Đảng và chế độ độc tài, độc đảng CSVN.

Ở các nước tự do dân chủ đa Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm với người đứng đầu chính phủ và các thành viên chính phủ sẽ dẫn đến:

Nếu người đứng đầu chính phủ và các thành viên chính phủ đạt trên 50% phiếu tín nhiệm thì được coi là chính phủ đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Chính phủ tiếp tục tồn tại hết nhiệm kỳ.

Nếu người đứng đầu chính phủ và các thành viên chính phủ không đạt trên 50% phiếu tín nhiệm thì cả chính phủ phải từ chức để đảng cầm quyền và quốc hội bầu chính phủ mới. Hoặc giải tán chính phủ và quốc hội để tiến hành tổng tuyển cử.


Ngoài ra, có các cuộc thăm dò tín nhiệm đối với tổng thống, lãnh đạo chính phủ thì do các cơ quan truyền thông hay các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện. Họ tiến hành thăm dò trực tiếp với các cử tri thuộc các thành phần khác nhau. Kết quả của các cuộc thăm dò này chỉ có tác dụng cảnh báo đối với những người được đưa ra thăm dò khi chỉ số tín nhiệm giảm.

Ở chế độ độc tài, độc đảng CSVN thì việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành tại quốc hội với các chức danh được quốc hội bầu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm này không phản ánh trung thực, khách quan mức độ tín nhiệm của các quan chức được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm.

Nhưng nó phản ánh vị thế của các phe phái, nhóm lợi ích trong nội bộ đảng CSVN. Có những cuộc mua bán, trao đổi, mặc cả lợi ích giữa các nhóm lợi ích, phe phái với nhau.

Bởi vậy việc lấy phiếu tín nhiệm là hình thức mị dân, lừa dối đối với người dân. Còn trong nội bộ đảng CSVN là phản ánh cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực.

Ví dụ điển hình nhất là Bộ trưởng công an Tô Lâm, hầu hết người dân đều bất bình, bất mãn với các chính sách của Bộ trưởng Tô Lâm và đời sống riêng tư của ông ta. Nhưng khi bỏ phiếu thì ông Tô Lâm vẫn đạt số phiếu tín nhiệm cao trên 300. Điều này không phản đúng mức độ tín nhiệm của cử tri với Bộ trưởng Tô Lâm.

Tại sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không để quốc hội lấy phiếu tín nhiệm?

Chức danh Tổng bí thư đảng CSVN không do quốc hội Việt Nam bầu, mà do sự dàn xếp, mặc cả giữa các phe phái, nhóm lợi ích ở tầng lớp chóp bu CSVN. Đó là Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư.

Hiến pháp và pháp luật của nhà nước cộng sản Việt Nam không quy định chức năng, nhiệm vụ cho chức danh Tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam.

Điều 4 hiến pháp có qui định đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Nhưng không nói rõ là lãnh đạo như thế nào. Trong khi luật pháp qui định mọi công chức, viên chức, cán bộ chỉ được làm những gì hiến pháp và pháp luật cho phép. Ông Nguyễn Phú Trọng sống và làm việc bằng tiền thuế của dân, tiền từ ngân sách nên ông Trọng chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Nhưng trên thực tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vi phạm hiến pháp vô cùng nghiêm trọng khi thành lập và đứng đầu Ban phòng chống tham nhũng và tiêu cực trung ương. Trên cương vị này, ông Nguyễn Phú Trọng can thiệp vào các cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Chưa kể, ông Nguyễn Phú Trọng là trưởng tiểu ban nhân sự trong các kỳ đại hội đảng CSVN. Ông Trọng can thiệp vào nhân sự Chủ tịch nước, quốc hội, chính phủ, toà án tối cao, viện kiểm sát tối cao,…

Gần đây nhất, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiếm quyền Chủ tịch nước để mời và đón tiếp Tổng thống Mỹ Biden. Ông Trọng đã vi phạm nghiêm trọng điều 86 của Hiến pháp.

Như vậy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đứng ngoài, đứng trên hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Trên thực tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng trên tất cả quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ, cơ quan tư pháp. Mỗi quyết định, chữ ký của ông Nguyễn Phú Trọng ảnh hưởng tới sinh mệnh của đất nước với 100 triệu người dân.

Nếu thành công tốt đẹp thì ông Trọng nhận công cho mình; khi thất bại thì ông Trọng phủi trách nhiệm, bắt cấp dưới chịu tội. Ông Trọng không chịu sự giám sát của bất kỳ cơ quan nào.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng coi mình là lãnh đạo cao nhất của đất nước thì ông Trọng phải để cho quốc hội giám sát và lấy phiếu tín nhiệm xem mức độ tín nhiệm của quốc hội với ông Trọng ra sao.

Nhưng giới chóp bu CSVN và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trốn tránh trách nhiệm này. Họ lập luận rằng chỉ các quan chức được quốc hội bầu mới bị lấy phiếu tín nhiệm.

Rõ ràng, khi ông Nguyễn Phú Trọng muốn thể hiện quyền lực thì sẵn sàng chà đạp hiến pháp. Nhưng khi được yêu cầu trách nhiệm thì ông Trọng lại áp dụng hiến pháp để chối bỏ trách nhiệm.

Điều này cho thấy bản chất của ông Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc đảng CSVN.

Ông Nguyễn Phú Trọng thích có mọi quyền lực, thích chiếm quyền của các quan chức khác như của Chủ tịch nước. Nhưng không bao giờ muốn chịu trách nhiệm. Đây là một sự phỉ báng đối với hiến pháp và người dân Việt Nam.

Sáng ngày 26 tháng 10 năm 2023, trong buổi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bất bình khi phát biểu “cần phải khắc phục tình trạng cán bộ làm không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,…”