You are here

Bộ VH-TT-DL lại hiên ngang “hát trên những xác người”, trấn áp dư luận, “Bộ cấp trên” tính sao?

Ảnh của Gió Bấc

 

 

 

 

Chuyện ông Bộ Trưởng Hùng câng mặt lấn quốc khách giành đi thảm đỏ cho thấy tầm văn hóa ông lùn tới mắt cá chân. Chuyện Bộ đề xuất 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa trong lúc kinh tế đảo điên, quốc khố trống trơn thể hiện lòng tham ông không đáy, có mắt như mù, đã thấy quan tài Việt Á mà chưa đổ lệ. Hoan hỉ “hát trên những xác người”, những 56 xác thân chết trong đau đớn chứng tỏ trái tim ông là đá cuội.

Không rỏ duyên nợ từ đâu, Bộ VHTTDL liên tục khiêu khích và gần như tuyên chiến với người dân. Sau lễ hội tưng bừng “hát trên những xác người” bị dư luận phê phán nặng nề, ngày 15-9, Bộ này ra công văn số 3893/BVHTTDL-VP gửi Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) để đề nghị “phối hợp xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc”

Theo công văn này “một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều, liên quan đến lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự “Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân. Do vậy, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đối với các tài khoản trên mạng xã hội bị Bộ VHTTDL liệt kê trong danh sách đính kèm….”

Công văn này nói rất đúng về việc “lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự “Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân”. Đúng mà chưa đủ, chưa đúng mức.

Việc quan chức tham dự lễ và cách thực hiện lễ hát trên những xác người một cách vô cảm ấy không chỉ gây mất niềm tin vào những người tổ chức, người tham dự mà còn làm người dân phẫn nộ, khinh bỉ.

Cái ý chính của công văn lại quy chụp một cách gượng ép là “một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều, ….”. Người ta hoàn toàn không hề lợi dụng chuyện cháy chung cư, bình luận về chuyện cháy chung cư mà bình luận về cách hành xử phi nhân, phi văn hóa khi Hà Nội đang có đại tang mà quan chức hồn nhiên tiệc tùng hát xướng. Cái phản cảm không ở trong lời bình luận mà chính trong hành vi của quan chức ngành văn hóa hàng đầu quốc gia.

Công văn tố cáo quy chụp đòi xử lý những ý kiến phê bình của Bộ không làm người ta sợ mà càng khinh khi, căm ghét.

Không phải kẻ xấu, một trí thức được đào tạo từ trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, cựu quan chức ngành văn hóa, hậu duệ của anh hùng lực lượng vũ trang, đỏ từ trứng nước đỏ ra, bà Nguyễn Thế Thanh nguyên TBT báo Phụ Nữ TP.HCM, nguyên Phó Giám Đốc Sở VHTTDL TP.HCM đã biên một stt bình luận về công văn của Bộ với tựa đề “VÔ CẢM, NHẠY CẢM, PHẢN CẢM”.

Bà Thế Thanh nhận định “Sự yếu kém cứ lộ ra rành rành thế này, bảo sao người dân thiếu tín nhiệm vào những người được giao việc Văn, việc Lễ.

Cứ đọc diễn văn và trao giải, cắt phần ca múa, thay vào đó là lời chia buồn gửi đến mấy chục đồng bào bị tử vong trong vụ hoả hoạn thương tâm mới xảy ra. Làm như vậy là hiểu lòng dân, là hợp đạo lý dân tộc, cấp trên nào dám khiển trách, kỷ luật ứng xử đúng đắn đó ?

Có một ứng xử vô cảm vào đúng thời điểm cần sự nhạy cảm thì đã đủ đáng trách lắm rồi, thế mà lại còn nhồi thêm một sự phản cảm nữa : không những không tự thấy mình sai ở đâu mà còn gửi công văn đòi xử lý những người chỉ ra sự yếu kém của mình”. (1)

Nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thông đã bình luận trên fb cá nhân nặng nề hơn bóng gió nhắc nhở với cấp trên về việc dùng người, phải nhận dạng và loại bỏ những cán bộ quản lý văn hóa mà thiếu văn hóa đã thể hiện qua ứng xử một cách hệ thống “Những chuyện trước, có thể cho qua, chẳng hạn bộ trưởng giành thảm đỏ của quốc khách khiến khách phải bưng miệng cười. Có khi thức nghi lễ mà đứa trẻ con cũng hiểu ấy, biết đâu bộ trưởng chưa được dạy dỗ cẩn thận. Nhưng vụ cháy xảy ra ngay tại thủ đô, chết tới 56 người, xém quốc tang, khi cả nước đau buồn, thì Bộ Văn hóa, bộ trưởng, thứ trưởng vẫn vui vẻ cười đùa, tổ chức lễ này trao nọ. Họ cãi cùn rằng đã trót lên lịch rồi, mời mọc rồi, chi tiền rồi, không thể không tiến hành. Đó là sự cùn thứ nhất. Cùn hơn nữa, không có cái đầu nào trong bộ máy văn hóa ấy biết cách xử sự phải đạo, rằng làm cứ làm nhưng cắt bỏ phần vui chơi nhảy múa. Họ vẫn cứ nhảy nhót, hát hò, cười đùa, vỗ tay trên những xác người. Nói thẳng ra, đó là tội ác, đáng ghê tởm

Như đã nói, con người ta, cũng như các tổ chức, đơn vị, đều có lúc thế này thế nọ. Chả ai, chả tổ chức nào toàn vẹn, toàn thiện toàn mỹ, toàn đúng. Sai thì nhận với thái độ cầu thị, chân thành, dân sẽ thông cảm. Đâu có cái thói xưng xỉa, làm mình làm mẩy, chụp mũ, cãi lấy được, bất chấp đúng sai. Khi họ tự bộc lộ cái tâm cái tầm thấp kém thì cũng chính là cơ hội để cấp trên đánh giá về họ, quyết định dùng hay không dùng.”. (2)

Nhưng có lẽ Bộ Trưởng Hùng tự tin vào cây gậy chống lưng hoặc cái ô to nào đó nên tiếp tục thách thức dư luận, tiếp tục tổ chức “hát trên những xác người” ngay trong những ngày cả TP. Hà Nội ngừng hoạt động vui chơi giải trí từ ngày 14 - 17/9 theo chỉ đạo của Chủ Tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh.

Cho rằng chỉ dạo ấy chỉ có hiệu lực với các đơn vị trực thuộc TP.Hà Nội, ngày 16-9, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (khu vực Hồ Gươm), Nhà hát Múa rối Trung ương (trên đường Trường Chinh) thuộc Bộ VH-TT-DL đóng trên địa bàn Hà Nội vẫn tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ khán giả. (3)

PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư phát biểu trên báo Thanh Niên, cho rằng đó là một cách ứng xử hoàn toàn không nên vì người Việt mình vẫn có câu "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".

"Đấy mới chỉ là chuyện đau ốm thôi. Còn đây là lúc hàng chục đồng bào mình tử vong, hàng chục người khác bị thương nặng trong hỏa hoạn, trong lũ quét, thì "cả tàu" không chỉ buồn thương mà là vô cùng đau xót, thương tiếc, buồn thảm. Ai mà dửng dưng được, ai mà nỡ cất lên câu hát, dù khe khẽ. Ngay việc một cụ già gần nhà mình vừa tạ thế, dù cụ đã ở tuổi thượng thọ, đại thọ, thì những gia đình bên cạnh, chả ai nỡ mở radio, máy thu hình khi có chương trình ca nhạc hay trò chơi ồn ã. Lũ trẻ con chúng cũng biết thế. Huống hồ là tổ chức hát múa trên sân khấu những ngày buồn đau này, làm cho cả xã hội, cả cộng đồng mạng sôi cả lên", PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ nói

PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng, Bộ VH-TT-DL nên chủ động từ rất sớm dừng các chương trình biểu diễn có tính chất hát hò, vui chơi quá tưng bừng trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn.

"Đã làm trong Bộ VH-TT-DL thì phải ý thức được mình là người phải làm gương cho cả nước trong các hoạt động văn hóa, nghi lễ, trong các ứng xử văn hóa ở tầm quốc gia. Những việc liên quan đến thảm họa, tang lễ thì ai cũng phải học hỏi sự bày dạy và quy định của cha ông. Các cụ ta từ xưa đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể….”(4)

PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư chắc hẳn không phải là kẻ xấu. Ý kiến của ông rất hợp lòng dân nhưng liệu đó có phải là ý kiến trên, của tập thể lãnh đạo khối văn hóa tư tưởng cấp trung ương và cả cái Bộ là cấp trên của Bộ VH-TT-DL?

Sau làn sóng gạch đá phê bình góp ý, quân ông Hùng tiếp tục hát hò giữa Hà Nội trắng khăn tang. Ông oai vệ phản ứng, trấn áp, quy chụp người dân, chứng tỏ ông được trui rèn và kế thừa bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản. Nhưng trong triều đình nhà Sản ông đâu chỉ đứng một mình. Trên ông còn nhiều tầng nấc, cấp chức cao hơn. Trên Bộ VH-TT-DL quyền lực mèn mèn của ông còn có cái Bộ khác quyền uy tuyệt đối, nếu thấy ông sai, xúc phạm đến dân, lẽ nào Bộ ấy không lên giọng “sai đến đâu sửa đến đó”. Nếu thấy ông đúng, lẻ nào Bộ ấy không hào phóng trao tặng huân chương như từng truy tặng ba công an rớt giếng ở Đồng Tâm.  

Im lặng của Bộ cấp trên trong vụ này làm người dân quan ngại như người phát ngôn Nguyễn Phương Hằng quan ngại về hành vi hải quân Trung Cộng lấn chiếm biển Đông, cướp tàu cá giết ngư dân có nằm trong sự nhất trí chiến lược của lãnh đạo tối cao hai nước.

Điều quan trọng là trong bửa tiệc “hát trên những xác người” ngày 14-9, bên cạnh Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng còn có ông Võ Trọng Nghĩa Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương và nhiều Ủy Viên Trung Ương đảng khác cùng ngồi chễm chệ trên khán đài.

Tuy công văn đòi trấn áp xử lý những ý kiến phê phán bữa tiệc máu không gửi Bộ Công An nhưng đã được cơ quan ngôn luận của Tô Đại Tướng đồng hè lên án với ngôn ngữ sắt thép bằng bài bình luận “Những thông tin nhiễu loạn về vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội”

“ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin không chính xác về vụ việc gây hoang mang và nhiễu loạn thông tin, sai lệch vụ việc. Các thế lực xấu lợi dụng điều này để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân

Fanpage Việt Tân đưa tin xuyên tạc, vu cáo việc đoàn lãnh đạo Bộ Công an đang có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc khi vụ cháy xảy ra; hay bài viết khác của page này cũng chỉ trích Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi không cho dừng các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ ở nhiều nơi khi vụ cháy xảy ra…” (5)

Nghe văn phong kết án người ta thấy lạnh sống lưng. Phải chăng đây là khúc dạo đầu cho cơn biến động?

Thầy giáo Chu Mộng Long có bài “CÁCH MẠNG VĂN HÓA: VĂN HÓA LÀ TAO, TAO LÀ VĂN HÓA!” (6) dẫn chiếu những “điển tích” thời Cách Mạng Văn Hóa ở xứ sở bạn vàng cho thấy Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng không phải là người có sáng kiến cướp thảm đỏ của quốc khách. Ông học tập theo gương các tiểu tướng Hồng Vệ Binh ở trường Đại Học Thanh Hoa năm 1958. Các tiểu tướng cũng đã tiệc tùng, vui chơi, trao thưởng trong đại tang chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Những ai góp ý phê bình cũng bị Lâm Bưu đưa vào danh sách phong thần trình lên Mao Chủ Tịch. Đừng tưởng Bộ Trưởng Hùng vô lễ, vô học, ông ta học đúng, làm đúng bài Cách Mạng Văn Hóa của Bác Mao

Xưa nay, cái gì “nước lạ” có thì nước “chiều nay” sẽ học theo. Tàu có Trăm hoa đua nở, Việt có Nhân Văn Giai Phẩm. Bác Tập “diệt ruồi đả hổ” thì Bác Trọng “gom củi đốt lò”.

Chờ xem chấn hưng văn hóa kiểu “hát trên những xác người” trị giá 350.000 tỷ này Bộ cấp trên sẽ xử ra sao?

1-https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0XRWf2E6ioHcyq9AC...

2-https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0Yh7vU4RvMj1GjVJv...

3-https://nld.com.vn/van-nghe/nha-hat-thuoc-bo-vh-tt-dl-van-bieu-dien-du-h...

4-https://thanhnien.vn/ha-noi-dung-hoat-dong-giai-tri-nha-hat-cua-bo-vh-tt...

5-https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-thong-tin-nhieu-loan-...

6-https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02DHGm6mcECh2qFRjN5dxQLF...