Nạn nhân tiêu biểu của tai kiếp này chính là Bành Đức Hoài. Mang danh là một nguyên soái và trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, HVB cũng không coi họ Bành ra gì, với sự "bảo kê" của Mao và "bè lũ bốn tên".
Trong những tài liệu sau này, số phận của Bành Đức Hoài bị đày đọa, dẫm đạp và sỉ nhục đến không còn ra con người do HVB gây ra.
Ngày 25/12/1966, HVB giải Bành Đức Hoài đến nhà ga, vừa kéo vừa đẩy, bắt ông phải lên con tàu đi Bắc Kinh. Giữa khuya, HVB không để ông già 68 tuổi ngủ yên mà thay nhau “thét vào tai ông”, bắt khai rõ những “tội trạng phản cách mạng” ngay trên tàu. Rạng sáng 26/12, ông quá khát nước, lảo đảo lần bước vào buồng vệ sinh “vặn vòi nước, vụm hai tay vốc lên mấy vốc, ghé miệng uống ừng ực.
Ở phân đoạn khác:
Giờ đây vị nguyên soái ấy từ toa lét bước ra với hình hài tiều tụy đang bị đám HVB vô danh quát mắng, có tên giơ tay đòi đánh, ông ngẩng mặt lên nói rõ từng tiếng một: “Ta già rồi, năm nay đã gần 70 tuổi, hồi ta còn trẻ, một mình ta đánh gục 20 người, đánh đến mức kẻ nào bỏ chạy thì bỏ chạy, kẻ xin tha mạng thì tha cho, nhưng không bao giờ ta đánh một ông già”.
Chẳng cần nghĩ tới đạo lý của câu nói ấy, đến Bắc Kinh, hơn 60 HVB theo khẩu lệnh của Giang Thanh đã lôi Bành Đức Hoài ra trước Học viện Hàng không đấu tố lần thứ nhất vào 19/7/1967.
Lúc say máu, một HVB khỏe mạnh đã nhảy luôn lên bàn mắng nhiếc, gọi ông bằng mầy: “Mầy chống Mao chủ tịch phải không?”, rồi đấm mạnh vào mặt. Ông già loạng choạng ngã xuống. Đám còn lại túa đến lôi ông dậy đánh tiếp đến ngất xỉu, đưa vào bệnh viện 267. Kiểm tra X-quang thấy sườn bên phải gãy xương số 5, nứt xương số 10, máu tụ ngực trái, tổn thương nặng ngực phải.
Sau khi Bành Đức Hoài bị bắt và bị đánh đập, tra tấn, ép buộc phải thú nhận "tội lỗi phản cách mạng" nhưng không được, chúng nhốt ông ta trong một doanh trại quân đội ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh với điều kiện vệ sinh tồi tệ, không được chăm sóc y tế.
Từ đó đến năm 1971, tổ chuyên án tiếp tục thẩm vấn ông lạnh lùng và dã man với hơn 150 lần, dẫn đến phải nằm liệt giường, tàn phế. Bác sĩ trại giám sát biết không chữa chạy nổi mới chuyển ông vào bệnh viện Quân giải phóng. Tỉnh dậy, ông thấy tờ bệnh án treo ở đầu giường không viết tên mình (để bảo mật), thay vào đó bằng con số: “Họ tên: 145” (lấy tên giường số 5, buồng 14). Ông uất ức la to:
- Ta không phải con số 145! Ta là nguyên soái Bành Đức Hoài!.
Sau nhiều đày đọa tàn khốc, tháng 4/1973, Bành Đức Hoài được xác định là bị ung thư trực tràng ở giai đoạn cuối. Do suy nhược sau khi mổ, tâm trạng tồi tệ, mọi cố gắng của bác sĩ không cản được tế bào ung thư nhanh chóng lan rộng. Bành Đức Hoài dặn dò các cháu: "Sau khi bác chết, hãy chôn tro xương của bác về quê, chôn xuống đất, bên trên trồng một cây ăn quả, tro xương có thể làm phân bón, để bác báo đáp mảnh đất quê hương lần cuối cùng, báo đáp bà con thân thuộc". Tháng 10/1974, Bành Đức Hoài ở trong tình trạng thường xuyên bị hôn mê, chỉ dựa vào truyền dịch để duy trì sự sống. Ông ta qua đời ngày 29/11/1974, trung thành với lý tưởng cộng sản, nhưng vẫn giữ những bất đồng ý kiến với Mao Trạch Đông.
Hồng Vệ Binh tan rã
Cho đến khi, mức độ tao loạn phủ trùm Trung Quốc tựa những đập thủy điện vỡ toác, xối xả vào đầu dân chúng, tháng 12/1968, Mao cho triển khai phong trào "Tiến về nông thôn", lẹ làng đưa hàng trăm ngàn trí thức trẻ (nòng cốt của HVB) về các vùng xa xôi hẻo lánh với phương châm "sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của những người nông dân". Dưới chiêu bài êm ái đó, Mao đã thành công trong việc "vắt chanh bỏ vỏ" bằng việc tống khứ họ về nơi ít có thể gây loạn nhất. HVB từ đó tan rã.
Sau này, những người Trung Quốc ở tuổi 15 đến 25 trong thời Cách mạng Văn hóa thường được gọi là "Thế hệ bỏ đi" vì học hành dang dở, với quá khứ thấm đẫm máu đồng bào Trung Hoa của họ, cũng như gặm nhấm nỗi đau từ những tháng năm cuồng điên đến độ đánh mất hết lương tri và lý trí từ lá bài "Nhồi Sọ" của tên tội đồ Mao Trạch Đông.
Đó là vết nhơ không tẩy xóa được trong lịch sử tàn ác của ĐCSTQ và cũng là vết thương nhức buốt của người Trung Hoa cho đến tận ngày nay.
Bài viết được tham khảo từ tài liệu:
- Wikipedia về "Hồng Vệ Binh", "Bè lũ bốn tên", Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài, Giang Thanh.
- Sáu kỳ về loạt bài "Mật lệnh sau bức tưởng đỏ" của báo Việt Giải Trí
Bài bình luận gần đây