Vụ việc ba luật sư tham gia bảo vệ thân chủ vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ gồm luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đặng Đình Mạnh và Đặng Kim Lân xuất hiện ở Hoa Kỳ mới đây đã gây xôn xao dư luận và cộng đồng mạng. Sự việc bắt nguồn từ việc các luật sư tố cáo cơ quan công an Long An vi phạm các quy định tố tụng, sau đó công an Long An đã triệu tập các luật sư vì có đơn tố giác các luật sư vi phạm luật an ninh mạng. Sau nhiều lần gửi giấy triệu tập, công an Long An đã ra văn bản truy tìm các luật sư… và cuối cùng ba luật sư nói trên đã đi khỏi Việt Nam và xuất hiện ở Hoa Kỳ. Vụ việc này có rất nhiều vấn đề cần phân tích và xem xét.
Trước hết, vụ việc ba luật sư nhân quyền hàng đầu bỏ chạy khỏi Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng tới nền tư pháp, cụ thể là ảnh hưởng tới việc bảo vệ thân chủ trong các vụ án nhân quyền và các vụ án nói chung. Việc triệu tập các luật sư với lý do vi phạm luật an ninh mạng, trong khi các luật sư đăng tải các sự việc công khai, không hề vi phạm pháp luật (bởi các luật sư nắm rõ luật, và biết những điều được phép đăng) sẽ tạo ra tâm lý hoang mang cho giới luật sư. Sự việc này cũng khiến giới luật sư rất thận trọng trong việc can đảm lên tiếng bảo vệ thân chủ, dù biết rằng thân chủ không vi phạm pháp luật. Bởi trong vụ án Thiền Am, các luật sư đã mạnh mẽ lên tiếng và bảo vệ thân chủ trước các cáo buộc mà công an và viện kiểm sát đưa ra. Việc tố cáo công an Long An cũng là để bảo vệ thân chủ, khi công an Long An có những vi phạm về quy định tố tụng. Đó là các luật sư hết lòng vì thân chủ nhưng lại bị điều tra, triệu tập vì những điều mơ hồ trong luật an ninh mạng. Sự việc này cũng làm cho nền tư pháp Việt Nam thêm một vết nhơ khó gột bỏ.
Thứ hai, việc ba luật sư nhân quyền hàng đầu bỏ chạy còn ảnh hưởng tới phong trào dân chủ. Chúng ta biết, trong ba luật sư nói trên, thì luật sư Nguyễn Văn Miếng và luật sư Đặng Đình Mạnh tham gia bảo vệ quyền lợi của rất nhiều người đấu tranh, phản biện trong phong trào dân chủ. Các luật sư này luôn can đảm lên tiếng bảo vệ thân chủ mặc dù có nhiều áp lực từ phía cơ quan công an, cũng như tòa án. Số luật sư bảo vệ người đấu tranh và phản biện không có nhiều, và những người hàng đầu như các luật sư này càng hiếm. Khi họ bỏ nước ra đi, phong trào dân chủ, những người đấu tranh, phản biện chẳng may vướng vào vòng lao lý sẽ không còn những người giỏi chuyên môn và can đảm bảo vệ họ nữa. Dù vai trò của các luật sư trong các phiên tòa chính trị, hay an ninh quốc gia cũng hạn chế nhưng dù sao họ cũng là cầu nối giữa những người đấu tranh, phản biện với gia đình. Hơn nữa, những luật sư nhân quyền này còn lên tiếng biện minh cho những việc làm của người đấu tranh, và thông tin về phiên tòa tới thân nhân tù nhân lương tâm và công chúng. Việc triệu tập và truy tìm ba luật sư này cũng có ảnh hưởng tới việc lên tiếng, phản biện và đáu tranh của nhiều người trong phong trào dân chủ, bởi lẽ họ thấy rằng, ba luật sư hiểu biết về pháp luật, thực hiện những điều đúng với lương tâm và luật pháp như vậy còn bị trấn áp thì những người khác sẽ ra sao? Đã có rất nhiều người có ý kiến này trên cộng đồng mạng xã hội.
Cuối cùng, vụ việc ba luật sư bỏ chạy do áp lực từ cơ quan công an Long An cho thấy, việc trấn áp của nhà nước Việt Nam đối với giới đấu tranh, phản biện đã gia tăng lên một mức độ mới. Sự việc luật sư Ngô Anh Tuấn bị đuổi khỏi phiên tòa anh Bùi Tuấn Lâm (một sự việc chưa từng xảy ra) trong khi luật sư này chỉ đưa ra các ý kiến bảo vệ thân chủ một cách hoàn toàn ôn hòa, đúng pháp luật cũng là một động thái mới của nhà cầm quyền Việt Nam. Cùng với việc ba luật sư nhân quyền bị truy tìm, nhà cầm quyền Việt Nam đã gửi đi thông điệp mới. Đó là, dù là luật sư, dù làm đúng pháp luật nhưng liên quan tới giới đấu tranh, phản biện, phong trào dân chủ và gây khó khăn cho nhà cầm quyền trong việc kết án người dân thì cũng sẽ bị trấn áp. Sức mạnh chuyên chế của nhà nước Việt Nam đang tấn công vào thành trì cuối cùng bảo vệ quyền con người, quyền công dân đó là các luật sư và luật sư nhân quyền./.
Hà Nội, ngày 21/6/2023
N.V.B
Bài bình luận gần đây