You are here

Hậu quả của chính sách "Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa"

Chính sách "Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa" (CNH-HĐH) được ĐCSVN đặt ra vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, cột mốc quan trọng kể từ Đại hội đảng lần thứ X diễn ra từ 18 đến 25 tháng Tư năm 2006. Đại hội lần X đã xác định điều cốt yếu: Cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô [1].
 
Kết thúc Đại hội X, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào lúc bấy giờ hào hứng với khẳng định: Vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại [2].
 
Ngày 6 tháng Mười Hai năm 2022, trên cổng thông tin Chính phủ có đăng toàn văn về Nghị quyết 29-NQ/TW với nội dung [3] "Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đến năm 2030". Song song đó, Nghị quyết này khẳng định CNH-HĐH là "chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
 
Việt Nam với gần nửa thế kỷ - kể từ 1975 - được gọi là "đi lên từ chiến tranh đổ nát" với nền kinh tế phi thị trường cùng văn hóa nông nghiệp lạc hậu, đã - đang - sẽ tiếp tục ngự trị và thống trị cả về quản trị quốc gia và bang giao quốc tế. Chính hai yếu tố cốt lõi này đã dẫn đến nghịch lý và tạo xung đột trong toàn xã hội, ở tất cả lãnh vực.
 
Nghịch lý - bởi lẽ - cho phép tất cả đảng viên ĐCSVN được làm kinh tế tư nhân KHÔNG GIỚI HẠN QUY MÔ. Điều này đã tạo ra lợi thế quá lớn về hiện tượng và quá sâu về hình thức, với việc thao túng quyền lực, để thâu tóm tư liệu sản xuất mà quan trọng nhứt là ĐẤT ĐAI. Hầu hết các trọc phú hiện đại đều giàu có từ lãnh vực bất động sản - Điều không thể chối cãi - dù nhiều trọc phú hiện đại không phải là đảng viên (!). Đó là nghịch lý nổi rõ nhứt, khi họ dễ dàng có được những vùng đất "kim cương - vàng bạc", dù tại những thành phố lớn hay tại các tỉnh lỵ. Và người ta gọi là "lợi ích nhóm".
 
Xung đột giữa nhà cầm quyền CSVN và người dân - bởi vì - lợi ích từ tư liệu sản xuất mà quan trọng nhứt là ĐẤT ĐAI có được, hầu hết do cưỡng đoạt với giá bồi thường rẻ mạt, trở thành nỗi oan khuất của vô số người dân, trong cuộc "trường chinh đòi đất" lê lết theo chiều dài của các kỳ đại hội đảng. Đây là xung đột quan trọng nhứt, khi các cấp chánh quyền tỉnh - thành phố luôn đứng về phía các trọc phú để "thi hành công vụ" gọi là "cưỡng chế". Sự bất bình đẳng hiển nhiên xảy ra trong nền kinh tế phi thị trường. Dễ hiểu, sự thiệt thòi luôn "đứng cùng phe" với người dân.
 
Đặt cả "Nghịch lý và Xung đột" sơ phác nêu trên, trộn đều và hòa tan trong nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu, dễ nhận ra thảm cảnh của toàn xã hội ngày nay. Bởi đặc tính dễ nhận ra của nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu tác động mãnh liệt và sâu sắc vào xã hội:
 
- Đối với nhà cầm quyền CSVN: Dễ dàng thay đổi tất cả các chánh sách quan trọng, ví dụ: Năm 2020 không đạt được mục tiêu CNH - HĐH, thì kéo tới 2030. Năm 2030 không đạt nữa thì kéo tiếp tục. Từ việc dễ dàng thay đổi này dẫn tới, luật pháp luôn "lúp xúp" chạy theo để sửa đổi, sao cho phù hợp với chánh sách. Trong khi đó, chánh sách lại phải đáp ứng đúng với Nghị quyết của Đại hội đảng "cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân không giới hạn quy mô". Vì vậy, luật pháp Việt Nam không bảo đảm khoa học và không có tính bền vững theo thời gian, bởi không xuất phát từ thực tế và nhằm phục vụ cho dân chúng.
 

- Đối với dân chúng lẫn nhau: Không tin tưởng vào luật pháp, bởi thực tế hiển nhiên trong thời gian dài mà họ nhìn thấy và chịu đựng. Từ đó, tâm trạng uất ức vì mất nguồn lực để duy trì sự sống, họ dễ dàng hành động bộc phát, bất chấp hậu quả, Ví dụ: cuộc tự thiêu xảy ra tại Quảng Ngãi năm 2015 (giữa dân với dân). Điều này chứng tỏ tranh chấp dân sự (tức là luật pháp) đã tỏ ra không công bằng, khi chánh quyền xã đứng về một bên, chứ không giải quyết ngọn nguồn tranh chấp [4]. Hoặc mới hơn - tháng Mười Hai năm 2022 - chị em ruột vì không còn tin tưởng vào luật pháp xử tranh chấp, nên đã đổ xăng đốt và lãnh hậu quả, một người chết và một người bị phỏng nặng [5].

 
- Đối với dân chúng và nhà cầm quyền CSVN: Các cuộc tranh chấp đất để lại những đau thương khôn cùng, như: dân Thủ Thiêm, làng Đồng Tâm, dân Vườn Rau Lộc Hưng v.v...  Đặc biệt, báo Thanh Niên ra ngày 4 tháng Ba năm 2023 có bài "Đắk Lắk: Vì sao có hộ dân nhận bồi thường 1.900 đồng trong dự án đường trăm tỉ?", trong đó cho biết, có hộ gia đình chỉ nhận mức bồi thường 1.900 đồng đến 4.500 đồng. Một mức bồi thường gây ngộp thở và choáng váng, vào thời điểm năm thứ 23 của thế kỷ 21, cho bất cứ ai còn tin vào mắt mình! Dĩ nhiên, phần "toàn thắng" luôn nghiêng về phía "nhà nước". Nổi lên trong hai chủ thể (Nhà nước - Công dân) vẫn phải nhìn nhận pháp luật "không ra " trong các cuộc cưỡng chế.
 
Tạm kết
 
Người dân Việt Nam - ít nhứt nửa thế kỷ qua - vẫn quen "trọng tình hơn trọng lý" cùng nếp sống nông nghiệp lạc hậu (dù rất giàu có) nhưng vẫn không thoát khỏi tư duy "điền chủ" - có nhiều nhà nhiều đất càng chứng tỏ sự giàu có. Tương ứng theo - với vai trò công quyền - nhà nước CHXHCNVN cùng vô số lãnh đạo cấp cao nhứt đến thấp nhứt vẫn duy trì đầu óc "nông dân" để thực hiện công cuộc "Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa" bằng cách hành xử văn hóa nông thôn - làng nước với hình ảnh "lý trưởng - thằng mõ", vốn chỉ thích hợp cho các cuộc nổi dậy "Xô Viết Nghệ Tĩnh" hay "Cách Mạng Tháng Tám".
 
Chính sách CNH - HĐH nhứt định thất bại, cho đến khi xứ thiên đàng vẫn còn "sống và làm việc" theo... văn hóa nông nghiệp lạc hậu, với hậu quả ngập tràn và dai dẳng trên dải đất còm cõi, xuyên qua vùng Cao Nguyên Trung phần mà mới đây, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết "Vụ tấn công ở Đắk Lắk có tổ chức, rất manh động, man rợ", dù ông Xô không nói rõ nhóm người  "tổ chức tấn công" nhằm mục đích gì (?!).
________________________