You are here

EVN: thanh tra nội bộ hay “thanh tra, kiểm toán, điều tra đặc biệt”?

Ảnh của Gió Bấc

Sau điệp khúc tăng giá, kêu lỗ, lại đòi tăng giá, EVN đã “trừng phạt” người dân bằng đòn cúp điện giữa mùa nắng nóng. Dư luận sục sôi phẩn nộ từ ngõ hẻm Hà Thành đến hội trường máy lạnh Diên Hồng. Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo xử lý hết sức nhẹ nhàng cho Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến 1/6/2023. Ai cũng biết rằng EVN là con đẻ của Bộ Công Thương, nhân sự điều hành, cơ chế chính sách quản lý EVN nhất nhất là do Bộ Công Thương. Giao thanh tra kiểu ấy khác nào giao cái miệng thanh tra bao tử, như thầy thuốc cho thuốc xổ trị bệnh ung thư.

Càng khôi hài hơn nửa, trong chuyện nhiều tập EVN của xứ sở trì trệ Hà Nội không vội được đâu, Thủ Tướng anh minh lại chỉ đạo khung thời gian thanh tra thật thần tốc hơn cả vua Quang Trung đánh quân Thanh. Ngày 6-6 ban hành công văn nhưng “với Bộ Công Thương, Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện để xây dựng kịch bản ứng phó. Việc này phải thực hiện trước 10/6.

Bộ Công Thương cũng cần khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, trong đó tập trung giải pháp thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn khó khăn về cung ứng điện. Chỉ thị này phải trình Thủ tướng ký ban hành trước 8/6.” (1)

Bộ Công Thương: tại trời gây nghịch lý!

Với những mốc thời gian ấy, chắc chắn các báo cáo này ngoài câu chữ lấp liếm, khó có thể có giải pháp đột phá và điệp khúc cúp điện trong mùa nóng vẫn cứ diễn ra trong nhiều năm nữa.

Về kết quả thanh tra của Bộ Công Thương với EVN thì không phải chờ đến 10-6 như yêu cầu của Thủ Tướng. Chỉ vài ngày trước đó, Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có báo cáo giải trình với Quốc Hội nghe xuôi rót tất cả những gút mắc thiếu điện than, dư điện gió, điện mặt trời. Chắc chắn kết luận thanh tra theo yêu cầu của Thủ Tướng ông Nguyễn Hồng Diên không thể tự vả vào miệng mình khi nói khác với nội dung đã trình Quốc Hội.

Theo báo cáo của ông Diên, tất cả là do bởi ông trời, nắng hạn làm cạn nước thủy điện phía Bắc trong khi điện gió, điện mặt trời nằm ở trong Nam. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong những năm gần đây, điện gió, điện mặt trời phát triển khá mạnh ở nước ta do nhu cầu điện năng tăng nhanh và cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước khá hấp dẫn. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió và mặt trời. “Tuy nhiên, có một số nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế, muốn sử dụng nguồn năng lượng này phải đầu tư khá lớn cho hệ thống truyền tải hoặc lưu trữ điện”

Nghe ông Bộ trưởng nói dân đen tức muốn bật ngửa. Nếu ông trời ngoan ngoãn thuận lý tạo ra điện gió, điện mặt trời phủ đều các vùng miền cả nước thì cần gì phải có anh Bộ Trưởng, chỉ cần anh nhân viên thu tiền điện là đủ rồi. Hơn 30 năm trước ông Sáu Dân đã hứng chịu búa rìu dư luận, ông Vũ Ngọc Hải đã phải đi tù để trả giá cho đường điện 500 KV Bắc Nam, khai thông nghịch lý nơi thừa nơi thiếu. Ngay hiện nay, Singapore ở tít phía Nam đã mua điện của Lào, phải vận chuyển qua nhiều nước. Việc xây dựng hệ thống truyền tải điều hòa năng lượng điện Bắc Nam đâu phải là chuyện đội đá vá trời?

Một lý do bỏ thừa, không tiếp nhận nguồn điện năng lượng tái tạo do các doanh nghiệp đầu tư được Bộ Công Thương và EVN nại ra là vướng thủ tục “Không thể phủ nhận sự lãng phí nếu hàng chục dự án điện mặt trời và điện gió được đầu tư mà chưa được khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, để không lãng phí nhưng cũng không bị xem là hợp thức hóa cái sai, thậm chí là vi phạm quy định pháp luật hiện hành thì rất cần phải có chủ trương và cơ chế của cấp có thẩm quyền, sự chấp nhận và nỗ lực của các chủ đầu tư, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương thì mới tháo gỡ được, bởi Hầu hết các chủ đầu tư các dự án nêu trên đã “chạy đua” với thời gian để được hưởng giá FIT nên đã bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định của pháp luật (thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành)”

Thủ tục không phải trên trời rơi xuống, thủ tục không phải là luật trời bất di bất dịch mà chính là các quy định, giải pháp điều hành bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho kinh tế xã hội. Thủ tục ràng buộc gây lãng phí nguồn điện năng đang cần thiết là thứ thủ tục phản động phải sớm dẹp bỏ chứ sao lại trưng ra làm lý do để cản trở sự phát triển hở ông Bộ Trưởng? 

Nhập khẩu điện Trung Quốc là chiến lược dài hạn????!!!

Đưa ra các lý do khiên cưỡng bảo vệ cho sự thụ động, bất lực ấy Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên còn tiết lộ một điều hết sức đáng ngại là chủ trương lệ thuộc về năng lượng với bạn vàng Trung Quốc. Bộ Trưởng Diên cho biết: “Chủ trương mua, bán điện của Việt Nam từ nước ngoài đã được quy định tại Luật Điện lực và các nghị định có liên quan. Việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam đối với các nước láng giềng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống và được xác định trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng thời kỳ.”

Dẫn chứng thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, từ năm 2015, Việt Nam đã là nước nhập khẩu năng lượng tịnh, đã nhập than, dầu để phát điện và sắp tới sẽ nhập khí LNG. Việc nhập khẩu điện đã được thực hiện từ nhiều năm trước, như với Trung Quốc từ năm 2010, Lào từ năm 2016. (2)

Nói như vậy, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào là bắt buộc, là có kế hoạch dù Việt Nam có thừa hay thiếu

Một nhà nước từ chối khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo sẵn có lại đi mua điện từ nước ngoài và xem “Việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam đối với các nước láng giềng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống và được xác định trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng thời kỳ.” là điều cực kỳ khó hiểu? Tổng Trọng luôn gào thét diễn biến hòa bình, thế lực thù địch làm ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia mà chưa chỉ ra được trường hợp cụ thể nào. Việc xây dựng chiến lược năng lượng quốc gia lệ thuộc vào nước khác bảo vệ chủ quyền quốc gia cho nước bạn?

Nhưng trên diễn đàn 500 ông nghị gật do đảng sàng lọc vẫn còn sót lại vài cái đầu biết nghĩ.

Ách tắc do quy định của Bộ Công Thương!

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đã chỉ ra những ách tắc thiếu điện không phải do ông trời mà do chính Bộ Công Thương. Ông Hiển cho rằng, gần đây có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong thời gian gần đây không khuyến khích, ưu đãi các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết 55. Không ít các quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, chứa nhiều quy định chưa hợp lý và tập trung ở 3 văn bản chính là Nghị quyết 21, Thông tư 15 và Thông tư 01 của Bộ Công Thương.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển rút ra 6 vấn đề bất cập từ các quy định này:

Thứ nhất, các văn bản này bãi bỏ thời gian áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm. Hệ quả là các tổ chức tài chính không tính được hiệu quả của dự án và như vậy họ sẽ không tài trợ cho các dự án điện gió.

Thứ hai, đã bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD, làm cho các nhà đầu tư không lường trước được rủi ro và không an tâm đầu tư phát triển dự án, vì hầu hết các thiết bị đều nhập từ nước ngoài.

Thứ ba, đã bãi bỏ điều khoản về bên mua điện có trách nhiệm mua lại toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện gió nối lưới với giá mua điện tại thời điểm giao nhận theo quy định tại Quyết định 39. Việc này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời không được hưởng ưu đãi, ưu tiên trong việc huy động công suất như trước đây nữa. Từ đó khả năng cắt giảm công suất thường xuyên với dự án điện gió, điện mặt trời rất cao.

Thứ tư, khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tại Quyết định 21 đã không phản ánh đúng mối tương quan trong việc tính toán phương án bán điện hàng năm. Theo Quyết định số 02/2023 của Thủ tướng thì mức giá bán lẻ bình quân tối thiểu là 220,03 đồng/kWh và mức giá bán lẻ bình quân tối đa là tăng 537,67đồng/kWh. Trong khi đó, mức giá trần cao nhất cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp lại thấp hơn từ 21- 29% so với cơ chế giá cố định được quy định tại Quyết định 13 và Quyết định 39.

“Đây là mâu thuẫn, nghịch lý về chính sách, cơ chế, chính sách quản lý, điều tiết giá đầu vào, đầu ra khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy có sự thiên vị đối với các cơ quan, đơn vị của EVN”, đại biểu Hiển nói.

Thứ năm, những năm gần đây, việc đầu tư các công trình truyền tải điện không đáp ứng được yêu cầu thực tế, dẫn đến EVN phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy này dẫn đến lãng phí tài nguyên và thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư lĩnh vực này.

Thứ sáu, một số quy định trong Quyết định 21 và Thông tư 01 không thống nhất, mâu thuẫn với văn bản của cấp trên. Cụ thể như là Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ như quy định về trách nhiệm mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới, giá điện mặt trời nối lưới điện.

“Hậu quả của các quy định trên là một lượng lớn sản lượng điện không khai thác được, đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên năng lượng nói chung, đẩy nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn”, đại biểu Hiển nhấn mạnh.

Theo tính toán của đại biểu Hiển: "Ước tính từ thời điểm trễ hẹn giá Fit này đã có trên 4.600MW từ các dự án trên không được khai thác đưa vào sử dụng. Trong khi đó chúng ta đang trong tình trạng thiếu điện, đã và đang phải nhập điện từ nước ngoài. Theo số liệu, hiện nay chúng ta phải nhập là 1.272MW và dự kiến đến năm 2030 là 5.743MW". (3)

Phải điều tra đặc biệt!

Đại biểu Quốc Hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đưa đánh giá nghiêm túc về hậu quả thiếu điện. Ông cho rằng “việc cắt điện sinh hoạt của người dân trong những thời điểm thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng với nhiệt độ tăng cao đang diễn ra chưa phản ánh đúng tinh thần phục vụ nhân dân là rất đáng trách. Điều này khẳng định rằng nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân của EVN không hoàn thành.

Tôi không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, không phát điện, trong khi lại phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng. Nếu thiếu đường truyền tải, tại sao lại không cho các DN khác (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đầu tư thêm 1 đường dây 500 kV thứ 2? Trong 10 năm qua, giá điện tăng đến 8 - 9 lần, cụ thể từ năm 2011 đến nay, giá điện đã tăng khoảng 30%, từ mức giá 1.304 đồng lên 1.920,3732 đồng. Còn từ 1/3/2009 đến nay, giá điện bình quân của EVN đã nhiều lần điều chỉnh, từ mức 948,5 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng gần 100% - ngang bằng mức tăng lương cơ sở của cán bộ, công nhân viên.

 EVN kêu lỗ nhưng 5 đơn vị thuộc EVN là Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) lại báo lãi. Tất nhiên là lãi so với cùng kì năm trước không cao hơn, nhưng vẫn là có lãi.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao trong lúc các đơn vị thành viên có doanh số tăng, lãi tăng, trong đó có công ty gửi ngân hàng ít khoảng 4.000 tỷ đồng, công ty nhiều gửi đến 10.000 tỷ đồng, tức là số tiền gửi lên đến hàng chục nghìn tỷ và ngay cả các DN bán điện cho EVN cũng đều có lãi lớn, vậy tại sao EVN lại báo lỗ? Phải chăng đây là cách đẩy cái lỗ về cho tập đoàn mẹ và đẩy lãi về cho các đơn vị thành viên? Đây là câu hỏi lớn, rất cần có câu trả lời.”

Đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý “Trở lại câu chuyện EVN giai đoạn trước (vào khoảng năm 2014), Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về hàng loạt vi phạm của EVN, nhưng tôi nhận thấy khâu xử lý sai phạm phần lớn là giao cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số địa phương liên quan đứng ra xử lý trách nhiệm của tập thể và các cá nhân liên quan. Trong khi đó, theo Kết luận có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng, chẳng hạn như đầu tư ngoài ngành trái với tôn chỉ, mục đích hoạt động vượt vốn điều lệ tới hơn 45.000 tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không đúng quy định hơn 1.900 tỷ đồng... rồi chỉ định thầu sai, hạch toán sai cùng rất nhiều vấn đề nhưng chỉ xử lý chiếu lệ.”

Đại biểu Lê Thanh Vân đã kiến nghị giải pháp hoàn toàn khác với chỉ đạo của Thủ Tướng “Cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi…

“Vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi? Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không?… Đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra đặc biệt để xem xét vấn đề này”. (4)

Thật vậy, trong tay chính phủ còn nhiều công cụ khách quan như Kiểm Toán Nhà Nước, Thanh Tra Chính Phủ thậm chí còn cả thanh kiếm thần oai của Tô Đại Tướng. Chuyện thiếu điện giả thừa điện thật, chuyện giá điện cao trên trời vẫn kêu lỗ không thể lấp liếm bằng cách để Bộ Công Thương thanh tra EVN như đã từng giao Bộ Y Tế thanh tra Kit test Việt Á.

1-https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-yeu-cau-lap-doan-thanh-tra-ve-quan-ly-va-cung-ung-dien-cua-evn-20230606214201069.htm

2-https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/bo-truong-nguyen-hong-dien-giai-trinh-lam-ro-cac-van-de-dai-bieu-quoc-hoi-quan-tam-ve-phat-trien-nang-luong-tai-tao.html

3-https://vtc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nhieu-nha-dau-tu-nang-luong-tai-tao-doi...

4-https://vov.vn/kinh-te/dbqh-le-thanh-van-de-nghi-chinh-phu-thanh-tra-dac-biet-evn-post1024668.vov