Song Chi.
Phỏng vấn chuyên đề: “Chính sách đàn áp tôn giáo xuyên suốt bao nhiêu năm của nhà nước cộng sản Việt Nam”
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với Linh mục Antoine Lê Ngọc Thanh, người điều hành Ban Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từ năm 2009-2015, nguyên thành viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam và hiện đang phục vụ tại giáo phận Long Xuyên, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
*Thưa Cha, so với các tôn giáo khác như Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài…thì tình trạng đạo Công giáo bị kiểm soát ra sao, nhẹ nhàng hơn hay hà khắc hơn?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
So với các tôn giáo khác, như Phật giáo thì chúng ta thấy bị cản trở chính yếu là nhóm Phật giáo không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), còn ai theo GHPGVN thì đâu có bị đàn áp gì, họ còn được hỗ trợ, tạo điều kiện rất nhiều, các doanh nghiệp còn được xây chùa giao cho Giáo hội Phật giáo để thực hiện những việc tôn giáo của mình.
Còn Công giáo thì thời gian gần đây sự bách hại không dồn dập như giai đoạn sau tháng 4/1975, khi Công giáo bị bách hại về nhân sự, về cơ sở thờ tự, in ấn kinh sách cũng như các cơ sở kinh tế để nuôi sống người tu hành. Giai đoạn đó phải nói là Giáo hội Công giáo gần như bị cướp trắng tay, các Linh mục liên quan đến sứ mạng tuyên úy trước 4/1975 và các vị nào năng nổ mà nhà nước thấy không thể điều khiển được thì đều bị bắt đi “học tập cải tạo”. Gọi là đi “học tập cải tạo” vì không có bản án, không có ra tòa.
Sau năm 1990 bầu không khí tôn giáo tương đối đỡ hơn vì lúc đó Việt Nam đã bắt đầu mở cửa và bang giao với quốc tế nên từ đó, các sự bách hại chỉ mang tính riêng lẻ, không còn là một chiến dịch lớn cho từng vùng như thời điểm 1975-1990. Và những sự bách hại đó thường tập trung vào những nơi vùng sâu vùng xa.
Trở lại chuyện so sánh giữa các tôn giáo, thật ra chỉ có một mình PGVN là được tự do, còn các tôn giáo Cao Đài, Tin Lành, Hòa Hảo, kể cả các tổ chức mà ta gọi là “quốc doanh” đi nữa thì cũng bị đối xử không công bằng, cũng phải đối phó một cách khó khăn. Cái lý do mà dù đã bị “quốc doanh hóa” nhưng nhà nước vẫn lo sợ là vì tôn giáo điều khiển được dân, đặc biệt là Phật giáo Hòa Hảo bị soi mói một cách nghiêm khắc, vì hệ thống tổ chức của Phật giáo Hòa Hảo khá giống với Công giáo, có ban trị sự từ trung ương cho đến cấp xã, phường. Phải nói là so với anh chị em Phật giáo Hòa Hảo hay các tôn giáo khác mặc dù Công giáo cũng bị đau thương, cũng nhức nhối nhưng vẫn ít hơn.
*Thưa Cha, tại sao lại như vậy? Có phải vì Công giáo có Vatican phía sau hay vì các vị Linh mục ít khi lên tiếng mạnh như Cao Đài, Hòa Hảo…?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Không phải vì có Vatican cũng không phải do các Cha không lên tiếng mà vì nguyên nhân chính là hệ thống tổ chức của Công giáo liên kết với các giáo dận trên khắp thế giới và ngay trong chính Việt Nam. Sự liên kết đó làm cho nhà nước mặc dù đã nỗ lực rất nhiều ngay sau 1975 nhưng không thể xóa được từng nhóm của Công giáo, mà ngược lại còn khiến các sự liên đới mạnh hơn trong tinh thần đồng đạo của những người Công giáo, khiến cho họ vừa làm nhưng cũng vừa phải dè chừng. Còn chính sách ngoại giao của Việt Nam với Vatican thì chị biết rồi, khi nào cần thì họ quan tâm, không cần thì bỏ qua một bên, bởi vì đối với họ sự tồn tại của thể chế mới là quan trọng.
*Theo Cha thấy, tiếng nói của Vatican có ảnh hưởng chút nào đối với chính sách của nhà nước Việt Nam không?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Trước đây thì tiếng nói của Vatican có vẻ rất mạnh. Nhưng từ giữa thập niên 90 bắt đầu giảm đáng kể, là bởi vì bắt đầu Vatican và nhà nước Việt Nam có những thỏa thuận để cho hai bên đều dễ dàng trong công việc bổ nhiệm giám mục. Và khi thỏa thuận như vậy thì có những cái Vatican nói nhà nước Việt Nam nghe, có những cái họ không nghe bởi vì họ bảo đó là công việc nội bộ của họ.
*Phật giáo, Tin Lành hay Cao Đài đều có một hệ thống “tôn giáo quốc doanh” bên cạnh hệ thống tôn giáo độc lập, đúng nghĩa là tôn giáo, còn Công giáo thì có hiện tượng như vậy không, thưa Cha?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Công giáo không có hệ thống “quốc doanh” như vậy mặc dù nhà nước cũng có ý định khi thiết lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo yêu nước, sau này chỉ gọi là Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Họ cũng muốn bắt chước mô hình Trung Quốc là sẽ có một Giáo hội hoàn toàn không liên can đến Vatican hoặc liên quan mang tính danh dự thôi chứ không có yếu tố chi phối một cách trực tiếp. Nhưng các Giám mục, Linh mục và giáo dân Việt Nam không đồng tình nên cái Ủy ban đó đến giờ phút này vẫn tồn tại nhưng sống dở chết dở, giải tán cũng không được mà để thì cũng không hoạt động được gì, không tác động được gì đến Giáo hội.
+ Xin Cha kể về một số vụ việc đàn áp cụ thể, nghiêm trọng nhất của nhà nước cộng sản đối với đạo Công giáo kể từ sau 30/4/1975 cho đến nay?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Tôi không có thì giờ để nói tất cả. Tôi chỉ nói liên quan đến Dòng Chúa Cứu Thế thôi. Sau ngày 30/4/1975, hàng trăm linh mục tuyên úy bị tù đầy, hàng chục linh mục bị chết vì danh Chúa. Riêng Dòng Chúa Cứu Thế đã có gần 20 linh mục tuyên úy đã bị bắt đi học tập cải tạo. Riêng tại Sài Gòn tính luôn các cha Triều, có 39 linh mục tuyên úy bị đi học tập cải tạo, sau đó phần lớn đi HO… Có vị chết trong tù như Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Vàng, (1917-1986), ngày 3/6 vừa qua là tròn 37 năm Ngài chết trong tù vì bị hành hạ tra tấn trong nhà tù Cộng sản, trại giam A-20, Xuân Phước.
Còn bị đầu độc, theo Linh mục Tađêô (Thadeus) Nguyễn Văn Lý, cựu tù lương tâm với 4 lần thụ án nhiều năm trong nhà giam, cho biết Đức Tổng Giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền, nguyên Tổng giám mục đô thành Tổng Giáo phận Huế, bị đầu độc chết 8 tháng 6 năm 1988 tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Linh mục Tađêô (Thadeus) Nguyễn Văn Lý từng là thư ký của Đức Tổng Giám Mục và có thể nói là đệ tử chân truyền của ngài.
Toàn bộ các cơ sở lớn của Dòng Chúa Cứu Thế ở Miền Nam thí dụ như tại Đà Lạt, 28 hecta cùng với tu viện Dòng Chúa Cứu Thế bị tịch thu hết toàn bộ và hiện nay được sử dụng làm Viện Sinh học Tây Nguyên. Dưới đó là một trại gà tên là Scala cung cấp giống cho cả vùng Đông Nam Á trước 1975, sau 1975 bị họ thu trắng.
Tại Nha Trang, khách sạn Hải Yến trên đường Trần Phú, trước đây là tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang. Ở Sài Gòn, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức 25- 27 hecta gì đó cũng là tu viện Dòng Chúa Cứu Thế. Nhà máy thực phẩm gia súc ở Cát Lái, Thủ Đức bị trưng thu. Ngay tại Kỳ Đồng trường Cứu Thế bây giờ là trường Kỳ Đồng, kế bên trường Cứu Thế là trung tâm Marana-tha bây giờ cũng bị lấy làm trường Mẫu giáo. Rồi ở sát ngay bên tu viện góc Kỳ Đồng-Nguyễn Thông là cái nghĩa trang nhỏ để dành cho các Cha, các Thầy trong Nhà Dòng chết thì bị họ yêu cầu cải táng lên để họ trưng thu, bây giờ làm hồ bơi. Trường học Phụng Sự ở Châu Ổ, Quảng Ngãi v.v… Đó chỉ là một vài cái chính, còn ở phía Bắc trước năm 1975 là chưa kể, và chỉ nói riêng Dòng Chúa Cứu Thế thôi thì toàn bộ tài sản coi như mình bị cướp trắng.
Lúc đó họ còn đe dọa sẽ tịch thu luôn tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở 38 Kỳ Đồng. Và để thực hiện điều này, họ đã âm thầm mang vũ khí đến Nhà thờ Kỳ Đồng giấu vào trong một góc tòa giải tội. May mà Nhà thờ phát hiện ra, báo Công an phường, lúc đó là P.17 bây giờ là P.9. Công An phường hồi đó không biết được âm mưu đó nên đã lập biên bản xong mang vũ khí về cất. Khoảng vài tiếng đồng hồ sau là quân đội ập đến bao vây tu viện, bảo đây là nơi phản động, có vũ khí nhưng vô trong tìm thì không có. Thì đây là một kế hoạch lớn, họ muốn tịch thu cả tu viện, cả nhà thờ, kế hoạch này ở tầm nào thì tôi không biết nhưng cấp quận, cấp phường không hay, vậy chắc chắn phải là cấp trên. Và sau đó thì họ cũng làm việc một thời gian rồi êm xuôi, coi như xong.
Nếu mình không phát hiện được là coi như có tàng trữ vũ khí và là tổ chức phản động. Y như cái vụ nhà Dòng thời Cha Tiến Lộc (Ngài vừa mới mất) ở Thủ Đức trước đây. Đơn giản là có một cậu bé đệ tử đang trong giai đoạn tu học, lượm được một cây súng lục chỉ còn có cái vỏ rỉ sét ở lề đường, Cha Tiến Lộc thấy các đệ tử cứ cầm giứ giứ nhau, Ngài bảo đưa đây rồi Ngài để làm cái chặn giấy trên bàn làm việc. Lúc công an, quân đội tới muốn tịch thu tu viên ở Thủ Đức nhưng không có lý do gì, họ thấy khẩu súng rỉ sét họ coi đó là bằng chứng, họ bắt Ngài cầm khẩu súng lên để chụp hình coi như là cầm vũ khí. Đó là những cái mà họ dàn dựng hết. Bằng mọi cách họ muốn loại trừ mọi cơ sở, ảnh hưởng, sức mạnh của Công giáo. Nhưng con người tính không bằng Chúa, Chúa có cách để gìn giữ Nhà Dòng vượt qua được những khó khăn về kinh tế và những sự bách hại.
Tôi chỉ muốn kể về Dòng Chúa Cứu Thế thôi chứ còn những nơi khác tôi không tham gia trực tiếp và không có cơ hội được biết chi tiết nên không dám kể, nhưng tôi biết không chỉ dòng Chúa Cứu Thế mà tất cả các Dòng như Dòng Tên, Dòng Đa Minh… cũng đều bị tương tự như vậy.
*Bản thân Cha có những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân nào về việc bị đàn áp, khống chế, vô hiệu hóa…này?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Bản thân tôi chỉ bị khống chế thời gian ngắn trong khoảng 2005-2008. Khi đó tôi phụ trách nhiệm sở cho anh chị em sắc tộc Gia Rai ở vùng cao nguyên Trung phần, địa sở tôi có 15,000 giáo dân nhưng chỉ có một địa điểm duy nhất tại làng Bin Ama Djơng, thị xã Ayun Pa là được dâng lễ. Giáo dân ở những đoạn đường cách hơn 50 cây số đâu có ra được, nhất là người lớn tuổi, trẻ con, tôi phải vô từng làng dâng lễ thì họ lập biên bản, nhưng tôi không dừng lại, lần sau tôi lại tiếp tục đi làng khác, họ lại lâp biên bản, tôi lại tiếp tục đi, bởi vì tôi coi đó là sứ mạng của mình, chừng nào chết thì thôi, còn sống thì mình vẫn làm. Họ tìm cách trục xuất tôi ra khỏi tỉnh bởi vì tôi là người từ Sài Gòn lên nhập hộ khẩu vào tỉnh Gia Lai để làm việc chứ tôi không phải người gốc tại nơi đó. Nhưng rồi Thiên chúa lo liệu nên họ không làm được việc đó. Có một lần tạm coi là nguy hiểm nhất là vào dịp Noel 2006 khi tôi đang chạy xe gắn máy vô làng ở Krong Pa để dâng lễ Giáng sinh, thì anh Phó Công an phụ trách An ninh huyện chạy xe song song giơ chân giứ giứ nói ông mà vô đây nữa là tôi đạp ông chết, nhưng tôi vẫn cứ đi. Chắc là họ thấy mình cứng đầu quá nên họ buông. Có thể nói tôi chỉ có chút kinh nghiệm như vậy chứ không nhiều so với các anh em khác.
*Thưa Cha, hồi nãy Cha có nói đồng bào các sắc dân bản địa ở vùng sâu vùng xa bị đàn áp nhiều hơn. Và các linh mục phục vụ ở đây cũng bị quấy phá nhiều, thậm chí bị chém chết như Linh mục Trần Ngọc Thanh, Dòng Đa Minh, ở Kon tum, bị chém trọng thương như Linh mục Trần Văn Truyền ở Gia Lai… Thưa Cha tại sao lại như vậy?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Với người dân tộc nhà nước đàn áp nhiều vì họ muốn điều khiển người dân tộc, họ không muốn người dân tộc theo tôn giáo vì theo tôn giáo họ không điều khiển được. Khi người dân tộc muốn giữ văn hóa của mình thì nhà nước dùng truyền thông để nói đó là mê tín, là hủ lậu cần loại trừ. Người dân tộc bị tước đoạt từ cái cồng chiêng, từng phương tiện văn hóa cho tới từng bộ quần áo truyền thống… Khi có Công giáo xuất hiện thì chính các Cha khuyến khích đồng bào các sắc tộc mặc lại trang phục, hát lại, mua lại, cồng chiêng đánh lại, đồng bào trở thành một cộng đồng sống động, có sức sống, và chính vì vậy mà nhà nước cộng sản muốn loại trừ tôn giáo ra khỏi các cộng đồng đó để họ điều khiển. Chị biết, khi làm cho người dân tộc bị mất gốc, không còn điểm tựa để bám vào nữa thì bảo người ta đi sang trái, sang phải gì người ta cũng đi, thậm chí bứng người ta như một cái cây bonsai ra chỗ khác thì người ta cũng chịu thôi.
*Ngoài việc sử dụng bạo lực để đàn áp, nhà nước Việt Nam đã sử dụng những biện pháp nào để lợi dụng đạo Công giáo, tha hóa người tu hành, gây chia rẽ giữa tôn giáo này với tôn giáo kia v.v…? Theo Cha, những biện pháp này có thành công không?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Về việc gây chia rẽ giữa tôn giáo này với tôn giáo khác thì họ làm thường xuyên. Như thời gian vừa rồi trên truyền thông, trên mạng xã hội có khi họ cắt ghép các câu trong bài giảng của một vị sư để lên án công giáo hoặc ngược lại, có những bài giảng, bài viết của một số mục sư, linh mục họ cũng cắt ghép để cho người ta hiểu sai bản chất của các thông điệp để kích động sự chia rẽ, đối kháng tôn giáo. Chuyện này từ trước đến giờ họ coi như một phương pháp để bảo vệ chế độ, cộng đồng các tôn giáo mà chia rẽ thì họ sẽ yên tâm hơn.
Về phía nội bộ của Công giáo, từ giữa thập niên 90, giữa Vatican và nhà nước Việt Nam có đi đến một thỏa thuận là khi Vatican bổ nhiệm Giám mục tức là vị chức sắc cao cấp của một giáo phận thì phải được nhà nước Việt Nam đồng ý. Khi Tòa Thánh Vatican đã làm hàng loạt giai đoạn tuyển chọn rất công phu, đưa ra danh sách cuối cùng có 3 vị cho nhà nước Việt Nam, họ chọn vị nào thì Tòa Thánh Vatican chỉ được bổ nhiệm vị đó mà thôi. Và việc này đã gieo rắc sự hoài nghi, sợ hãi. Người được chọn thì sợ hãi không biết anh em nghĩ sao về mình. Còn những người khác thì sẽ tự hỏi tại sao các vị kia không được chọn mà người đó được, người đó có “đi đêm” với nhà nước Việt Nam không, có là con bài của nhà nước không v.v… Mặc dù trong Giáo hội, các Giám mục, linh mục và giáo dân đều nói với nhau đó là cái điều kiện mà mình không thể vượt qua được, còn chuyện ai đó có “đi đêm” hay trở thành công cụ của nhà nước thì chưa có đủ bằng chứng như vậy. Nhưng rõ ràng nó gây chia rẽ trầm trọng khiến cho người ta dễ dàng hoài nghi và chỉ cần một lời nói, một hành vi gì mà người ta phán đoán là bất thường thì xem như người đó bị kết án mặc dù người đó không phải như vậy. Ví dụ như cái vụ lùm xùm ở giáo phận Vinh vừa rồi chẳng hạn, thì cũng khởi đi từ nguyên nhân như vậy.
*Trở lại vụ lùm xùm ở giáo phận Vinh, chúng ta cũng biết là bên Phật giáo có tình trạng nhà nước “cài cắm” người vào trong hàng ngũ Phật giáo, rồi dùng tiền, quyền lực để lôi kéo, mua chuộc, làm tha hóa một số vị tu hành v.v…Còn bên Công giáo thì thế nào, thưa Cha?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Cách đậy 5 năm trong cuộc “Hội luận Cà phê đá” vào thứ Hai hàng tuần của tôi với cha Vũ, tôi có trình bày về vấn đề này và một trong những nhận định của tôi lúc đó là tôi nghĩ rằng khó “cài cắm” người vào hàng ngũ chức sắc Công giáo. Bởi vì mặc dù chương trình đào tạo cũng không có gì quá sức với con người nhưng để đạt được đời sống đó thì cần phải có một kinh nghiệm được Chúa cứu, được Chúa yêu. Con người ta gần như phải chấp nhận mình trở thành con số Zero để được Chúa cứu. Thì người “cài cắm” khó có thể đạt được điều này. Tuy nhiên khi tôi nói xong, một Đức Giám mục có xem chương trình đó, sau này Ngài gặp một vị Bề trên của tôi, Ngài bảo là nói với Cha Thanh là họ có “cài” được người vào Công giáo đó. Thì rõ ràng là một hệ thống, một tổ chức dù có kỹ đến đâu cũng sẽ có kẻ tìm cách khoan được những lỗ hổng thôi.
*Xin Cha cho một sự so sánh về chính sách tôn giáo của nhà nước VNCH trước đây và nhà nước cộng sản VN bây giờ? Sự khác nhau đó, nếu có, là vì sao?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Thật ra trước 1975 tôi còn quá nhỏ nên cũng không thể là nhân chứng một cách chính xác được. Là nghe người này người kia kể và đọc sách vở thôi. Nhưng có thể thấy một cách tổng quát thế này: trước 1975 Công giáo có nhiều cơ sở rất lớn, rất tốt để có thể đóng góp cho xã hội từ giáo dục, y tế, những hoạt động về đạo đức của cộng đồng lẫn tôn giáo, nhưng sau 1975 đã bị cướp đoạt để làm những cơ sở của nhà nước. Chì cần nhiêu đó thôi cũng đã thấy rằng trước năm 1975 chính sách của VNCH đánh giá tôn giáo không phải là thù địch mà là một thành tố giúp xây dựng cộng đồng xã hội. Và tôn giáo thực sự đã đóng góp rất nhiều cho xã hội, rất nhiều trí thức của miền Nam dưới chế độ VNCH, gần như 90% là có tôn giáo, hoặc Phật giáo, hoặc Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… Còn đối với cộng sản thì coi tôn giáo là một thế lực và tự nhiên họ đặt họ vào vị trí đối đầu, họ loại đi khả năng đóng góp của các tôn giáo cho sự phát triển xã hội. Và có lẽ một trong những điều làm cho đất nước Việt Nam chậm phát triển là vì các nhóm tinh hoa của các tôn giáo không thể đóng góp một cách chính danh cho hoạt động xã hội.
Hoạt động từ thiện cũng không được, đều phải thông qua Mặt trận Tổ Quốc là một tổ chức không muốn làm mà chỉ muốn quản lý mà thôi.
*Thưa Cha, được biết là Dòng Chúa Cứu Thế trong nhiều năm qua đã có những hoạt động gọi là giúp đỡ các thương phế binh VNCH, và các hoạt động này hình như cũng bị nhà nước ngăn trở, sách nhiễu?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Các hoạt động này chúng tôi làm từ năm 2012 tại Kỳ Đồng. Với nhà nước Việt Nam thì họ coi đó là một sự thách đố của chúng tôi đối với họ, nhưng thật ra chúng tôi không có ý định đó. Chúng tôi chỉ muốn làm một việc mang tính bổn phận của một người dân đối với một người dân. Bởi vì tất cả các ông bà thương phế binh VNCH là những người dân sinh ra trong thời điểm lịch sử lúc đó của đất nước, và họ phải chu toàn bổn phận công dân của họ. Đúng ra sau chiến tranh họ phải được chính quyền mới lo cho họ, nhưng họ lại bị gạt sang bên lề, bị gán cho đủ thứ lời miệt thị khiến cho cơ hôi sống của họ ngày càng tệ hơn. Và khi chúng tôi cố gắng làm một điều gì đó cho họ thì chúng tôi chỉ thấy đó là bổn phận phải làm, chứ không phải là từ thiện hay việc tốt gì cả. Nhưng mà luôn luôn bị giải thích sai. Một điều căn bản là nhà nước này muốn xóa đi những dấu vết của các chính sách sai lầm của mình, khi chúng tôi làm những việc như vậy thì cái chính sách sai lầm của nhà nước lại bị xã hội nhắc tới do đó họ trở nên căm ghét chúng tôi và chúng tôi trở thành nạn nhân là vì vậy.
+ Thưa Cha lúc bắt đầu làm có khoảng bao nhiêu ngàn thương phế binh VNCH, còn hiện nay thì còn được bao nhiêu?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Về con số chính xác thì chúng tôi không có, nhưng có nhiều nhóm vào thời điểm 2012 đưa ra con số khoảng 15.000 người còn sống. Nhưng năm 2012 chúng tôi tiếp nhận đầu tiên là 250 người từ chùa Liên Trì chuyển qua, chùa Liên Trì đã làm việc này trước đó nhưng rồi bị chính quyền địa phương gây khó dễ, tấn công, không làm được nữa mới đề nghị chúng tôi làm. Đến 2013 tăng gấp đôi là 500 người, 2014 là 1000 người. Cao nhất là thời điểm 2019 chúng tôi chăm sóc trực tiếp trên 7000 người. Đến 2023 gần 6000 người. Số lượng các ông chết trong danh sách của chúng tôi từ 2012 đến cuối năm 2022 là 2474 người. Nên chúng tôi thật ra chưa bao giờ tiếp cận đủ con số 15,000 người như số liệu các nơi nói như vậy. Tôi nghĩ thời điểm này lắm khoảng gần 10,000 thương phế binh VNCH còn sống.
*Tất cả những sự đàn áp, lũng đoạn mà nhà nước VN đã và đang gây ra cho Công giáo đã gây ra hậu quả gì cho sự phát triển của đạo Công giáo ở VN, thưa Cha?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Nó gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Thứ nhất, nó làm cho sự đón nhận niềm tin bị qua quá nhiều màng lọc hoài nghi. Người ta không đón nhận niềm tin như đúng bản chất của niềm tin mà chỉ đón nhận niềm tin ví dụ như gia đình có đạo gốc hay lấy vợ lấy chồng có đạo nên phải theo đạo, mà tình trạng này rất là nhiều. Thứ hai, trong nội bộ Công giáo rõ ràng sự lắng nghe và kính phục các chức sắc với nhau giảm nhiều, nên làm cho hiệu quả công việc cũng giảm.
*Thưa Cha tại sao niềm tin bị giảm?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Ví dụ như sự việc lùm xùm xảy ra vừa rồi ở giáo phận Vinh (chuyện linh mục H.H.H) làm cho nhiều người đặt vấn đề vậy thì sự nghiêm cẩn của tiến trình đào tạo có còn không? Và như vậy là mình đang được dẫn dắt bởi những người thực sự được Chúa chọn để hướng dẫn mình cho đúng chân lý đến cùng hay chỉ là một sự tạm bợ? Tất nhiên về mặt nguyên tắc chung thì người ta bảo sự việc xảy ra chỉ là nhất thời, nhưng rõ ràng là có ảnh hưởng.
*Sau 2 lần, năm 2005 và năm 2006, bị liệt vào danh sách các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern) về Tự do tôn giáo, ngày ngày 2/12/2022 vừa qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lai đưa VN vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” (Special Watch List) và cũng có người cho rằng với những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian qua, lẽ ra Hoa Kỳ nên đưa VN trở lại vào danh sách CPC và có những biện pháp chế tài nghiêm khắc thì đúng hơn. Nhưng có vẻ như sự nhân nhượng, dễ dãi của chính phủ Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây về vấn đề nhân quyền đối với VN suốt một thời gian dài khiến cho tình trạng đàn áp tôn giáo ở VN không hề được cải thiện. Theo Cha, các vị mục tử chân chính cũng như tất cả những ai quan tâm đến tự do tôn giáo ở VN cần phải làm gì để thúc đẩy tự do tôn giáo và bảo vệ các tôn giáo khỏi bị lũng đoạn, tha hóa?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Thật ra các nước phương Tây và đặc biệt là Mỹ thì ở thời điểm này, với một bài toán mà họ phải giải là bài toán Trung Hoa đại lục thì gần như CSVN muốn làm gì thì làm, còn phía phương Tây và Mỹ thì muốn làm sao có thể biến Việt Nam thành đồng minh, nên gần như họ không coi các điều kiện nhân quyền, tự do tôn giáo là quan trọng gì nữa cả. Mặc dù về thủ tục Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm vẫn cứ ra một báo cáo như vậy nhưng thật ra nó không hề quan trọng. Vấn đề này tôi đã thấy từ năm 2012 chứ không phải bây giờ, khi có dịp đến Mỹ, ngay tại văn phòng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tôi cũng đã đặt vấn đề đó rồi, nhưng đến nay gần như không có gì thay đổi. Là bởi vì Mỹ đang muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên mức chiến lược, mà một trong những điều kiện mà họ đã đồng ý với phía Việt Nam là họ sẽ không có bất cứ một hành động nào để can thiệp thay đổi thể chế. Và thường khi nâng cấp chiến lược thì các thỏa thuận phải có giá trị cỡ 50 năm trở lên, chứ đâu phải 5, 10 năm. Nên kỳ vọng vào Mỹ và phương Tây can thiệp vào nhân quyền hay tự do tôn giáo thì cũng kiểu như anh đi với người ta thì anh cũng phải bắt chước người ta một chút thì được, nhưng để như một sự xoay trục chính là không được, là mình đặt kỳ vọng quá lớn lên vai người ta trong khi người ta không sẵn sàng vác cái gánh nặng đó.
+ Thưa Cha, khi không thể kỳ vọng vào bên ngoài mà cũng không có hy vọng gì vào sự thay đổi của nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam thì mình phải làm gì?
Linh mục Lê Ngọc Thanh:
Mình phải chuyển nội dung đức tin vào bên trong. Tự thân nội dung đức tin đó đã thay đổi thế giới từ nhóm 12 tông đồ cách đây hơn 2000 năm. Nên lúc này hơn lúc nào hết phải nhấn mạnh vấn đề huấn luyện sự trưởng thành đức tin. Và khi con người trưởng thành đức tin họ có thể vì đức tin thay đổi thế giới, chứ không kỳ vọng vào công cụ bên ngoài, mà bên Phật giáo bảo là tha lực, không dùng tha lực được, phải dùng nội lực.
* Xin chân thành cảm ơn Cha.
Bài bình luận gần đây