You are here

Có phải người Việt Nam ngày càng yêu thương chó - mèo?! (Phần 1)

Nuôi chó - mèo là chuyện có từ xa xưa. "Chó giữ nhà - Mèo bắt chuột", đây là tục ngữ được lưu truyền từ lâu. Con chó và con mèo là những vật nuôi phục vụ cho con người Việt Nam, với nền văn hóa nông nghiệp - vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Giai thoại về "con mèo Trạng Quỳnh"  hoặc tục ngữ "Cứu vật, vật trả ơn - Cứu nhơn, nhơn trả oán" để nói về thói đời bạc bẽo - Con người đối xử với nhau còn tệ hơn cả con vật.
 
Đời sống văn hóa người Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ đặt con chó - con mèo ngang bằng với con người. Bằng chứng quá nhiều và đầy trên môi của người dân, khi cần xả cơn tức giận với đối thủ, người ta sẵn sàng lôi "con chó chết" hay "con chó đẻ" ra làm võ khí hoặc "làm như mèo mửa" để ám chỉ việc làm bê bối - bỏ mứa, trong phần hành công việc.
 
Văn hóa phương Tây du nhập - kể từ khi người Pháp đặt chân đến xứ này - họ mang đến nhiều nét văn hóa sống (uống cafe - ăn bánh mì - mặc veston - ở nhà kiểu Pháp - đi xe hơi v.v...) và cũng mang vào nét văn hóa xem chó - mèo là vật nuôi yêu thích, nhằm để tôn vinh "nhân tính" của người phương Tây và dạy dỗ cho những xứ sở cần "khai hóa" như Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
 
Chó - dưới tên gọi "cảnh khuyển" - được chính thức đưa vào phục vụ cho quân đội - cảnh sát, cũng xuất phát từ phương Tây. Tuy nhiên, chó cần được huấn luyện. Đã có những chú chó chết đi trong khi làm nhiệm vụ, được tôn vinh ngang hàng với người lính - hình ảnh này cũng xuất hiện hầu hết ở phương Tây. Tên gọi "Chó Săn" một thời phổ biến mà sau này, tại Việt Nam - nhà cầm quyền CSVN gọi khác đi, với tên 'Chó Nghiệp Vụ". Có vẻ như họ cũng ngần ngại và e dè, vì một vài lý do tế nhị của thuở trước 1975.
 
Tuy vậy, chó - mèo tại Việt Nam chưa bao giờ chiếm vị trí ngang hàng, thậm chí quan trọng hơn con người, dù dưới thời Việt Nam Cộng Hòa - một chế độ đủ văn minh - khá giàu có - dân trí không hề thấp, trên bệ phóng của nền kinh tế mạnh khỏe. Thậm chí, nền kinh tế dưới thời Việt Nam Cộng Hòa hơn cả Singapore - Thái Lan v.v... vào lúc bấy giờ. Ở phía bên kia vĩ tuyến 17 - trước 1975 - chắc chắn càng không bao giờ coi trọng chó - mèo, với nền kinh tế tập trung - phân phối, khiến cho gần 20 triệu dân luôn ở trong tình trạng thiếu thốn mọi mặt.
 
Sau 1975, chó - mèo cũng vẫn là những con vật nuôi, đúng với ý nghĩa ban đầu do Trời "quy định". Cũng bởi vào lúc bấy giờ, người Việt Nam còn thiếu đói xanh mặt - vàng mắt. Chủ nhà có thể chia sớt một chút miếng ăn cho con chó - con mèo nuôi trong nhà nhưng chắc chắn, với đàn con nheo nhóc thiếu cơm - khát sữa, chúng cần được ưu tiên số Một, chứ không phải con chó hoặc con mèo.
 
Năm 1995 - thời điểm Mỹ bỏ cấm vận, cuộc sống người dân dần dễ thở nhưng cũng chưa bao giờ "thịt chó" hoành hành rộng khắp TP.HCM.  Món nhậu "cầy tơ bảy món" có tại miền Nam Việt Nam từ lâu nhưng được người ta biết nhiều hơn, bởi nó theo chân khoảng trên dưới 1 triệu người dân miền Bắc di cư vô Nam vào năm 1954 - đợt di cư rầm rộ, mang đầy tính biến động thời cuộc của Việt Nam, lúc còn phân chia 2 quốc gia. Tuy vậy, "cầy tơ bảy món" hầu như chỉ quanh quẩn khu Ngã Ba Ông Tạ, hồi xưa. Chưa bao giờ, "món này" dám "bén mảng" tới quận Nhứt của Sài Gòn hoa lệ. Còn bây giờ, không chỉ quận Nhứt mà tràn lan khắp TP.HCM nhưng mỉa mai nhứt, chính là tên gọi "Thịt Chó... Sài Gòn" (!). Đây là bằng chứng rõ rệt cho đợt di cư lớn nhứt - sau 1975 - từ Bắc vào Nam và đặc biệt, ở tại quận Nhất - TP.HCM.
 
Cùng với đời sống dần dần khấm khá lên, phim ảnh phương Tây bắt đầu tràn ngập. Thậm chí, còn khuynh loát hầu hết màn ảnh rộng tại các rạp chiếu phim, với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông. Từ đó, nhiều thước phim và hình ảnh, người phương Tây nói chung, họ hôn hít - ôm ấp - chăm sóc và dễ dàng ngủ chung với chó - mèo đầy trên báo chí - phim truyện - phim tài liệu - phim quảng cáo và ngày càng phổ biến nhờ có mạng xã hội sau này. Hai loài vật này, nhiều khi đặt lên bàn cân, chúng hoàn toàn có thể trở nên "nặng ký" hơn cả con người!
 
Không thiếu người lớn tuổi và đặc biệt rất đông lớp thanh thiếu niên - họ có thể khóc thương - đau đớn - dạy đời - sỉ vả - mạt sát, kèm theo đòi những người đối xử tệ bạc với chó - mèo phải bị trừng trị, theo cách họ cho là xứng đáng. Dường như người Việt Nam ngày nay biết thương yêu động vật hơn - Thật ra nói cho chính xác " RẤT YÊU CHÓ - MÈO" với "lòng bác ái" học từ người phương Tây, nhằm nâng cao phẩm giá và cốt cách làm người?!...