Luật sư hay nói theo dân gian là Thầy Cải là định chế bảo đảm quyền được bào chữa của bị can, bị cáo. Để đảm bảo sự công bằng, minh bạch của hoạt động tư pháp, luật sư phải được tham gia ngay giai đoạn đầu tiên và đồng hành với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong suốt quá trình tố tụng. Tuy nhiên ở xứ Đông Lào thì sau nhiều năm cải cách luật sư vẫn luôn gặp khó và chỉ gặp mặt thân chủ khi đã có kết luận điều tra, thậm chí có vụ chỉ gặp, tiếp cận hồ sơ một thời gian ngắn trước khi xét xử. Thậm chí nhiều luật sư được mời ra khỏi tòa khi đang bào chữa, tranh luận bất cần lý do tùy theo vui buồn, thương ghét của chủ tọa phiên tòa.
Ông Ngô Anh Tuấn nickname Tuan Ngo, một luật sư trẻ năng nổ từng bào chữa cho nhiều bị cáo, những vụ án gai góc như vụ án Đồng Tâm, anh em Trịnh Bá Phương…luôn có thái độ ứng xử chừng mực, khách quan. Mới đây, tham gia vụ án Thánh Rắc Hành Bùi Tuấn Lâm, sau khi thăm gặp thân chủ trước phiên xử sơ thẩm, Tuan Ngo đã viết stt trên Fb cá nhân trong đó đã khen ‘Dù có một vài khúc mắc nho nhỏ ban đầu nhưng tôi thực sự ghi nhận, buổi thăm gặp được diễn ra thuận lợi, không bị hạn chế về thời gian. Mặc dù buổi gặp được ghi hình để phục vụ công tác giám sát nhưng chúng tôi không gặp trở ngại trong nội dung trao đổi vì các bên cùng thống nhất rằng, chẳng có gì bí mật ở đây cả. Lâm cũng ghi nhận rằng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, Lâm không bị phân biệt đối xử; đó là sự nhân văn cần thiết và là tín hiệu tốt cho một phiên tòa cởi mở hơn…..”
Nhưng bất ngờ, tại phiên tòa luật sư của Bùi Tuấn Lâm đã bị “mời” ra khỏi tòa một cách thiếu thiện ý và pháp lý. Anh đã bức xúc viết trên fb cá nhân về việc này, “Trong phần tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát, do có một số nội dung mà vị này đã tranh luận nhưng quan điểm giữa chúng tôi chưa đồng nhất nên tôi phân tích để kiểm sát viên tranh luận tiếp thì một vị thẩm phán (không phải là Chủ toạ phiên toà) yêu cầu tôi không nhắc lại nội dung đã trình bày. Tôi trả lời là vì vị đại diện Viện Kiểm sát chưa tranh luận hết nội dung mà luật sư đưa ra và họ cũng chưa từ chối tranh luận tiếp với luật sư thì theo luật, tôi vẫn tiếp tục tranh luận. Vị thẩm phán này không đồng tình với nội dung tôi nêu và yêu cầu tôi rời phòng xét xử dù tôi không có bất kỳ một hành vi to tiếng, quá khích nào nhằm cản trở hoạt động của phiên toà. Tôi nói rằng vị Chủ toạ mới là người điều hành phiên toà và nếu ông mời/đề nghị/yêu cầu tôi rời khỏi phòng xử thì tôi sẽ chấp hành ngay. Vị Chủ toạ mời tôi ngồi xuống nhưng gần như ngay sau đó, vị thông báo mời tôi rời khỏi phòng xử. Dù trong lòng không đồng tình với quyết định của vị Chủ toạ nhưng tôi chấp nhận rời phòng xử luôn vì không muốn không khí phòng xử nặng nề thêm nữa.
Tôi rời phòng xét xử theo sự hướng dẫn của lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên toà và dẫn vào ngồi ở một phòng làm việc có ghi “Chánh văn phòng” thuộc TAND thành phố Đà Nẵng. Tại đây, một số người không rõ danh tính đã làm việc với tôi, họ quay phim, lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung không phản ánh đúng sự thật khách quan đã diễn ra (tôi ghi rõ trong phần ý kiến của mình)”. (1)
Ý kiến của Tuan Ngo đã tạo sự đồng cảm hưởng ứng của đồng nghiệp. Dù điều 331 luôn là lưỡi gươm thần chết treo lơ lửng cho những ai có ý kiến bất đồng nhưng nhiều luật sư đã lên tiếng bàn luật về sự tùy tiện lạm quyền của thẩm phán và sự mơ hồ của luật pháp Việt Nam
Luật sư Trịnh Đình Dũng đã có bài phân tích dài và lưu ý rằng “Trước đây các LS Đồng Hữu Pháp, Nguyễn Duy Bình, và nhiều luật sư khác trong đó có tôi cũng đã từng bị mời ra khỏi phòng xét xử vì các LS chúng tôi ĐÃ CHÁY HẾT MÌNH ĐỂ BẢO VỆ CHO CÔNG DÂN MÀ CHÚNG TÔI ĐÃ NHẬN BÀO CHỮA, BIỆN HỘ.Luật sư Ngô Anh Tuấn là LS trẻ có đạo đức tốt, hết lòng về nghề Luật sư đã có ý định bỏ nghề này vì sự cố mà ông đã nêu……Chúng tôi mong rằng Liên Đoàn Luật sư VN với Ủy ban bảo vệ Quyền hành nghề Luật sư phải có chuyên đề hội thảo và trước mắt nên sâu sát , khuyến khích LS Ngô Anh Tuấn trình bày sự cố này …” (2)
Luật sư Trương Vĩnh Tuyến từ đoàn luật sư Bình Phước cũng đồng tình đặt vấn đề “không biết các thành viên Hội đồng xét xử đã căn cứ vào Điểm, Khoản, Điều của Văn bản pháp luật nào để đuổi ( nói có văn hóa là mời) người hành nghề luật sư đang trực tiếp tham gia phiên tòa, ra khỏi phòng xử án?
Nhân sự vụ các luật sư bào chữa cho bị cáo cô giáo ở tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An bị mời ra khỏi phiên tòa và nay là luật sư Ngô Anh Tuấn...Bần dân Dương Vĩnh Tuyến đề nghị quý cơ quan lãnh đạo ban hành bộ luật quy định trình tự, thủ tục, và nội dung của người hành nghề luật sư tại phiên tòa! Cần quy định cụ thể khi tham gia phiên tòa, luật sư được nói gì và không được nói gì...
Có như rứa thì mới không có sự kiện luật sư bị mời ra khỏi phiên tòa” (3)
Thật vậy, luật sư bị tòa tống cổ giữa phiên tòa không phải là chuyện hiếm. Trong vụ án tòa án huyện Hưng Nguyên xử vụ cô giáo Lê Thị Dung 5 năm tù vì vi phạm tài chính 45 triệu đồng, Thẩm phán chủ toạ phiên toà lần lượt mời LS Vũ Quang Ninh và LS Hoàng Thị Phương ra khỏi tòa khi họ thực hiện các hoạt động hành nghề LS theo quy định của pháp luật. Trước đó, các luật sư đã liên tục bị thẩm phán chủ tọa Nguyễn Thị Phan Hương cắt lời, chèn ép.
Dư luận phẩn nộ, đồng nghiệp lên tiếng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra văn bản cho rằng, “nếu trình bày của các luật sư là đúng, hành vi của thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, gây cản trở tới hoạt động hành nghề hợp pháp của LS và ảnh hưởng tới quyền, lợi hợp pháp của người bị buộc tội.
Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kính đề nghị TAND Nghệ An trong quá trình xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm, tiến hành thẩm tra, xem xét thận trọng vụ việc nhằm có đánh giá và kết luận có hay không dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm, từ đó, đưa ra quyết định, hướng xử lý phù hợp để vụ việc được giải quyết khách quan, toàn diện và đúng pháp luật”.(4)
Tuy nhiên, kiến nghị của Liên Đoàn Luật sư như nước chảy đầu vịt, không được ai lưu tâm. Viện Kiểm Sát Nghệ An vừa thay mặt nhà nước thực hiện quyền công tố vừa là cơ quan kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tố tụng đã có văn bản kháng nghị hủy án để điều tra lại thay đổi tội danh, tính toán lại số tiền vi phạm ở mức cao hơn mà không hề đoái hoài đến vi phạm của thẩm phán tước đoạt quyền bào chữa của cô Dung.
Thân phận pháp lý của luật sư ở xứ Đông Lào này mỏng như cánh chuồn. Không chỉ quyền bào chữa của họ không được bảo đảm mà ngay cả quyền tự do thân thể của họ cũng không được bảo vệ. Có thể nói luật sư là nghề nhạy cảm và nguy hiểm vào bậc nhất với các điều luật mơ hồ về tội lợi dung quyền tự do dân chủ theo điều 311 hoặc các tội phạm khác.
Không kể đến những luật sư trực tiếp tham gia tranh đấu, phản biện, bất đồng chính kiến như Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Luật sư, thái tử đảng Cù Huy Hà Vũ cũng bị kết án vì hai cái bao cao su.
Một số luật sư khác thuần túy vận dụng pháp lý để làm rõ tình tiết vụ án, bảo vệ người bị kết án oan sự nghiệp cũng bị chông chênh vì những cái cớ không đâu.
Luật sư Võ An Đôn ở Khánh Hòa đã bị tước quyền hành nghề khi lên tiếng bảo vệ nhiều dân oan. Luật sư đình đám như Trần Vũ Hải bị truy tố về tội trốn thuế. Điều rõ ràng nhất là các luật sư chạm đến sự thật của các vụ án oan do nhà nước cố tình quy chụp rất dễ bị vạ lây.
Vụ án xử tù ông Lê Tùng Vân và các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai là điển hình của trò chơi tạo án oan với người dân và quy chụp trấn áp người gở tôi.
Sau khi các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đạp lên các quy định tố tụng, dựng nên những bản án oan hàng chục năm tù qua hai phiên tòa bỏ túi họ lại chuyển sang bước trấn áp trả thù các luật sư. Công an tố giác với công an về sai phạm của luật sư để mời làm việc theo kiểu quy chụp.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Long An xem xét đường lối xử lý liên quan đến vụ án xảy ra tại ‘Tịnh Thất Bồng Lai’. Văn bản khẳng định:
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bên cạnh việc giám sát, hỗ trợ quyền hành nghề của Luật sư thành viên, đồng thời quan tâm đến nhận thức, kỹ năng và ứng xử trong quá trình tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẵn sàng phối hợp và cử đại diện làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An trong trường hợp cần thiết (hoặc khi có yêu cầu) nhằm góp phần xác minh, làm rõ vụ việc nêu trên.
Do đó, thông qua nội dung đơn và kết quả làm việc nêu trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các cơ quan xem xét và có đường lối giải quyết vụ việc một cách thận trọng, khách quan theo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật”. (5)
Theo thông lệ, các văn bản của Liên Đoàn Luật sư cũng rơi vào im lặng, không cơ quan nào rảnh hơi trả lời. May mắn là lần này, trước áp lực dư luận, phía công an Long An đã tạm dừng việc triệu tập lấy lời khai của hai luật sư Đặng Đình Manh và Đào Kim Lân, lưỡi gươm thần chết vẫn treo lơ lửng.
Trường hợp duy nhất kiến nghị của Liên Đoàn Luật sư được phản hồi là trong màn kịch Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải do chánh án dao thớt Nguyễn Hòa Bình chủ trì. Để ra vẻ khách quan, minh bạch trước phiên xử TATC đã thông báo mời Luật sư Trần Hồng Phong tham gia phiên tòa. Thế nhưng sau khi kết thúc phần xét xử buổi sáng ngày 06/5, Luật sư Trần Hồng Phong được thông báo sẽ không được tham dự phiên tòa giám đốc thẩm bắt đầu từ buổi chiều cùng ngày - 06/5 (phiên tòa diễn ra trong 3 ngày, từ 06-08/5). Chủ tọa phiên tòa cho biết phiên tòa buổi sáng Luật sư đã hoàn thành việc trình bày các chứng cứ mới, do vậy bắt đầu từ phiên tòa buổi chiều trở đi Luật sư không cần tham dự.
Ngày 07/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản số 127/LĐLSVN kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét yêu cầu của Luật sư Trần Hồng Phong đề nghị được tham gia đầy đủ phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải xảy ra tại tỉnh Long An.
Văn bản do TS. LS. Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký, được gửi tới ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án TAND tối cao – Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm; Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; Viện KSND tối cao. (6)
Báo chí dư luận xã hội thông tin ầm ỉ về sự trái khoáy này và Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã có màn sửa sai rất đểu là cho Luật sư Trần Hồng Phong được tham dự phiên tòa ngày 8-5, ngày cuối cùng của phiên xét xử để nghe tuyên án. Phải khăn gói từ Sài Gòn ra Hà Nội 2 lần trong ba ngày, mang tiếng là dự phiên tòa 2 ngày nhưng Luật sư Trần Hồng Phong chỉ được dự để nghe mà không được thực hiện quyền bào chữa của mình.
Quan chức cao nhất của ngành tòa án hành xử như vậy thì trách sao cấp dưới không thẳng tay đàn áp luật sư. Thực tế này có thể hy vọng gì với nền tư pháp của nhà sản?
Với những sai phạm đầy ác tâm, bảo vệ cho oan án tử hình người vô tội bằng con dao cái thớt đi mua ngoài chợ, Nguyễn Hòa Bình vẫn lần lượt thăng tiến từ ủy viên trung ương, thành viên Ban Bí Thư và nay là Ủy Viên Bộ Chính Trị, liệu người dân sẽ hiểu và tin điều gì vào cuộc đốt lò của Tổng Trọng?
3-https://www.facebook.com/Tuyendienphiennaonang/posts/pfbid02TwC2CXuHZqpR...
Bài bình luận gần đây