You are here

"Hòa giải và hòa hợp dân tộc" đã có trong Hiệp định Paris 1973

Năm nay, các trang báo trong nước tiếp tục khơi gợi lại khái niệm "hòa giải - hòa hợp dân tộc". Đây là một khái niệm nằm tại điều 11 Chương 4 trong Hiệp Định Paris 1973. Nguyên văn như sau:

Điều 11

Ngay sau khi ngừng bắn hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:

- Thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xoá bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;

- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

Giải thích: "Hai bên miền Nam Việt Nam" có nghĩa: Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (thành lập vào năm 1960), về sau đổi thành Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN - tồn tại từ tháng Sáu năm 1969 đến 1976), với lá cờ nửa đỏ nửa xanh và ngôi sao vàng ở giữa. Sau khi thành lập, CHMNVN được 23 nước công nhận và có 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Hội đồng cố vấn của CHMNVN là ông Nguyễn Hữu Thọ và Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN là ông Huỳnh Tấn Phát. Bộ trưởng Bộ ngoại giao CHMNVN là bà Nguyễn Thị Bình (bà Bình cũng là Trưởng đoàn đàm phán của CHMNVN trong Hiệp định Paris 1973).

Cần nói rõ thêm: Khái niệm "hòa giải - hòa hợp dân tộc" KHÔNG HỀ nhắc đến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Bởi dù muốn hay không, VNDCCH là một quốc gia riêng biệt, không nằm trong phạm vi "hòa giải - hòa hợp dân tộc" như Hiệp định Paris 1973 đã nêu rõ.

Có lẽ, đây là điều đáng kinh ngạc và gây bất ngờ, đối với lớp trẻ sinh sau đẻ muộn. Tuy nhiên, điều đáng chê bai, bởi vì nhiều người nổi tiếng, trong đó có các nhân vật mang danh giáo sư - tiến sĩ thuộc "Bên Thắng Cuộc", tiếp tục lên tiếng kêu gọi "hòa giải - hòa hợp", lại gây ra "sững sờ" về kiến thức lịch sử quá kém cỏi, khi ngộ nhận (khó bỏ qua) về khái niệm "hòa giải - hòa hợp dân tộc" như thể do chính nhà cầm quyền CSVN đẻ ra vào những năm đầu của thế kỷ 21 (!).

Những nhân vật có tên và có tuổi thuộc "Bến Thắng Cuộc" - dù là "người đương thời" hay "người lỗi thời" - chẳng lẽ không biết rằng: Nhờ xé bỏ Hiệp định Paris 1973, mà đội quân Bắc Việt đã có một chiến thắng phi nghĩa - bất nhơn - bạo tàn mang tên "giải phóng miền Nam Việt Nam - thống nhất đất nước" ?!  Ngay đây cũng cần mở ngoặc, để giải thích với thế hệ trẻ: Tại sao trước 1975, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa thường gọi "quân Bắc Việt" mà không gọi là "Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Đây ngỡ chuyện nhỏ nhưng rất quan trọng, vì Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ coi Bắc Việt là một nhà nước đúng với nguyên nghĩa, bởi Bắc Việt không do DÂN bầu lên.

Quả đáng trách cho những sử gia - chuyên gia của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại không am hiểu tính Chân Thật, vốn là thuộc tính quan trọng nhứt của Lịch Sử.
 
Không phải là những câu chữ màu mè như người ta thường thấy: "Nhân dân ta đã viết lên những trang sử chói lọi", "Những trang sử hào hùng của dân tộc ta" v.v... mà Lịch Sử cần phải được nhìn nhận "rõ ràng - sòng phẳng - mẹ nó - sợ gì" như phát ngôn của đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng Năm năm 2022, trong chuyến công du tại Mỹ quốc. Hơn nữa, ngày 30 tháng Tư năm 1975 là Lịch sử hiện đại, bởi thời gian chỉ 48 năm kể từ khi Việt Nam Cộng Hòa vong quốc.
 
Di hoạ từ Hiệp định Paris 1973, không chỉ là sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa mà còn kinh khủng hơn ngàn lần, bởi sự trầm luân của hơn 20 triệu người dân từ vĩ tuyến 17 trở xuống cực Nam, cùng hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn đang tiếp diễn...
 
Gần nửa thế kỷ, khi nói về tính Vận Động - vốn là thuộc tính căn bản nhứt của Triết Học - ngày 30 tháng Tư năm 1975 vẫn bị nhà cầm quyền CSVN nhìn nhận như là chuyện quá vãng, không khác một "Dấu Chấm Hết" - Một Dấu Chấm Hết trong tức tưởi vẫn còn nguyên đó...
 
Cho cả sự nhục nhã - đớn hèn và cay đắng của công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày hôm nay...
 
(còn nữa)