Theo báo chí trong nước đưa tin, Viện kiểm sát TP. HCM đã hoàn tất bản cáo trạng để truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm với tội danh “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,…” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Phương Hằng lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân, liên tục tổ chức các buổi livestream để nói về nhiều nội dung chưa được kiểm chứng và phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cá nhân của ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Đình Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà.
Bà Nguyễn Phương Hằng không thể tự mình thực hiện các buổi livestream nên đã yêu cầu các nhân viên của Công ty CP Đại Nam giúp sức. Các đồng phạm của bà Hằng là bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Ðại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Ðại Nam).
Để tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình, bà Nguyễn Phương Hằng mời tiến sĩ luật, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM là bị can Đặng Anh Quân tham gia những buổi livestream. Khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác thì ông Quân cùng tương tác, phát ngôn góp phần cổ vũ bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Sau đó một số người bị bà Hằng xúc phạm như nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, Mỹ Oanh, … và luật sư Trần Văn Sỹ đã sử dụng mạng xã hội để đả kích bà Nguyễn Phương Hằng.
Đây chỉ là những mâu thuẫn có thể được điều chỉnh bởi thủ tục tố tụng dân sự. Nếu một trong các bên hoặc cả hai thấy rằng mình bị xúc phạm thì có thể khởi kiện ra toà án dân sự để yêu cầu phía bên kia xin lỗi, cải chính và bồi thường.
Nhưng cả hai bên đã làm đơn yêu cầu cơ quan công an của tỉnh Bình Dương và TP. HCM giải quyết vì cho rằng bên kia đã vi phạm pháp luật hình sự.
Kết quả về phía bà Nguyễn Phương Hằng có 5 người đã bị truy tố. Phía đối thủ của bà Hằng có nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ bị khởi tố với cùng tội danh.
Bài học gì rút ra từ những vụ án này?
Thứ nhất, Nguyễn Phương Hằng và những người liên quan đã hiểu sai về quyền tự do ngôn luận.
Quyền tự do ngôn luận được qui định trong Hiến pháp để điều chính mối quan hệ giữa mọi công dân với nhà cầm quyền. Không điều chỉnh mối quan hệ giữa các công dân với nhau.
Các công dân sử dụng quyền tự do ngôn luận để bày tỏ những quan điểm, chính kiến,… của họ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội,… của đất nước và các vấn đề quốc tế;
Các công dân sử dụng quyền tự do ngôn luận để bày tỏ sự đồng tình hay bất bình, phê phán các chính sách, pháp luật của nhà cầm quyền;
Các công dân sử dụng quyền tự do ngôn luận để chỉ trích, phê phán các quan chức chính quyền từ trung ương tới địa phương khi quyền và lợi ích của họ, của đất nước bị xâm hại, hoặc các công dân không hài lòng với các quan chức.
Các công dân không được sử dụng quyền tự do ngôn luận để “bóc phốt” nhau, xúc phạm hay phỉ báng nhau,…
“Bóc phốt” là hành vi của các công dân tố cáo nhau, công kích nhau công khai trên mạng xã hội. Kéo theo đó là những lời nói, hành vi xúc phạm lẫn nhau, công khai đời tư, thông tin cá nhân.
Do đó, các hành vi “bóc phốt’, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội tùy thuộc vào tính chất, mức độ khác nhau còn có thể bị xử bị xử lý theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Nếu “bóc phốt” mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trong số những người bị khởi tố của vụ án Nguyễn Phương Hằng có cả tiến sĩ, giảng viên luật Đặng Anh Quân và nhà báo kiêm luật sư Đặng Thị Hàn Ni. Nhưng cả hai người này vẫn hiểu sai về quyền tự do ngôn luận với những hành vi phạm pháp luật hành chính và hình sự.
Kết luận là các công dân không được sử dụng quyền tự do ngôn luận để “bóc phốt”, xúc phạm và vu khống lẫn nhau trên mạng xã hội.
Thứ hai, Nguyễn Phương Hằng và những người liên quan đã tin tưởng mù quáng vào pháp luật và các cơ quan tư pháp của chế độ độc đảng CSVN.
Khi bà Nguyễn Phương Hằng và các đối thủ bất phân thắng bại trên mạng xã hội. Họ đã quyết định dựa vào pháp luật và sức mạnh của cơ quan công an để giải quyết mâu thuẫn giữa họ.
Cả hai bên đều làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an thay vì họ kiện nhau ra toà án dân sự để giải quyết.
Nếu như Việt Nam là một nền chính trị tự do, dân chủ văn minh thì cơ quan công an sẽ xử phạt hành chính các bên rồi yêu cầu họ hoà giải hoặc đưa ra toà dân sự giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Nhưng thực tế lại phũ phàng, công an đã biến những người đang nhờ cậy họ giải quyết những mâu thuẫn trên mạng xã hội thành tội phạm, thành nạn nhân của một vụ án hình sự.
Cơ quan công an đã áp dụng Điều 331 về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là không đúng với bản chất của sự việc.
Thực chất, cơ quan công an đã sử dụng Điều 331 và vụ án Nguyễn Phương Hằng và những người liên quan để hù doạ, khủng bố những người dân khác đang sử dụng mạng xã hội.
Ngoài ra, cơ quan công an lợi dụng vụ án Nguyễn Phương Hằng và những người liên quan để kiếm tiền.
Kết luận là khi sống trong chế độ độc đảng CSVN, các tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân với nhau nên tự giải quyết hoà giải, hoặc tìm tới những người trung gian hoà giải, hoặc giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự.
Khi quý vị nhờ cậy tới cơ quan công an để giải quyết giúp mâu thuẫn dân sự thì quý vị đang chơi với hổ. Chính quý vị có thể trở thành nạn nhân, thành tội phạm của cơ quan công an bất cứ khi nào.
Bài bình luận gần đây