You are here

Phỏng vấn ngắn nhân ngày 30 Tháng Tư

Ảnh của songchi

Song Chi.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn ngắn với nhà văn Nguyễn Viện đang sống tại Sài Gòn về ngày 30/4/1975:

1. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày 30/4/1975. Nhìn lại, theo anh bài học nào dân tộc Việt Nam có thể rút tỉa được sau biến cố lịch sử này?

NGUYỄN VIỆN:

Bài học không chỉ dành cho người thua cuộc, mà cả bên thắng cuộc cũng cần phải học bài học lịch sử đau thương này. Cho dẫu là chiến tranh hay hòa bình, dân tộc chúng ta, phe chúng ta, hay mỗi chúng ta đều cần phải chủ động nắm giữ nó. Không nắm giữ được nó, chỉ có nghĩa là chúng ta đánh thuê cho người khác. Và chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của chính mình.

2. Chúng ta có thể nhận ra những giá trị nào của VNCH đã không bị mất đi cho dù đã gần nửa thế kỷ?

NGUYỄN VIỆN:

-Trước hết, phải nói đến giá trị về thể chế: một chế độ xã hội dân chủ phù hợp với thời đại, văn minh nhân loại.

-Một nền giáo dục nhân bản và khai phóng.

-Một nếp văn hóa hài hòa và vị tha, vừa truyền thống vừa hiện đại.

3. Theo anh, tại sao đảng CSVN cho đến nay vẫn tồn tại?

NGUYỄN VIỆN:

Vì không ai có khả năng lật đổ nó. Đó là câu trả lời có thể chính xác và thực tế nhất.

4. Những sai lầm, những tội ác và những di hại nào lớn nhất mà chế độ độc tài toàn trị đã và đang gây ra cho Việt Nam?

NGUYỄN VIỆN:

Sai lầm lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam là chọn lầm thể chế. Và vì thể chế sai lầm nên hệ quả của sai lầm ấy sẽ còn di hại lâu dài. Đặc biệt là về sự tha hóa con người.

5. Tại sao người ta có thể nói VNCH không phải là quá khứ mà là tương lai của Việt Nam?

NGUYỄN VIỆN:

Bởi vì VNCH là một mô hình xã hội được coi là hoàn chỉnh nhất cho đến thời điểm này của lịch sử con người. Một xã hội dân chủ tam quyền phân lập.

6. Tại sao sau gần nửa thế kỷ, chính sách của nhà nước Cộng Sản đối với những gì thuộc về VNCH vẫn không thay đổi, vẫn tiếp tục oán thù, miệt thị xã hội miền Nam, vẫn cấm đoán sách báo, tranh ảnh, âm nhạc miền Nam để lại, kể cả những tác phẩm phi chính trị? Điều đó nói lên điều gì?

NGUYỄN VIỆN: Bởi vì, họ là người chiến thắng và cần phải duy trì sự chiến thắng ấy.

Điều tôi muốn nói thêm: Những người tự nhận là VNCH, đặc biệt là những người Việt tị nạn vì lý tưởng tự do phải làm gì khi Mỹ vẫn coi cuộc chiến tranh 1954-1975 là cuộc chiến của họ với người Cộng sản phía Bắc mà họ gọi là “Cuộc chiến tranh Việt Nam”. Cho đến nay mọi nỗ lực chữa lành lương tâm Mỹ trong mọi nghiên cứu, báo chí hay điện ảnh…của người Mỹ theo cách họ đang làm là một kiểu giẫm đạp một đồng minh đã ngã ngựa. Vai trò cũng như thân phận của người thua cuộc VNCH, một bên chính yếu của cuộc chiến tranh ấy bị Mỹ không coi là một thực thể pháp lý có chính nghĩa, đã tồn tại như một quốc gia, một dân tộc, một tiếng nói, một tư cách. Những người tị nạn Việt Nam trong điều kiện có thể đã làm gì để lấy lại danh dự của mình trong cái nhìn của đối phương cũng như của đồng minh và thế giới?

7. Anh có nghĩ rằng chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi nếu chế độ độc tài do đảng Cộng sản lãnh đạo vẫn tồn tại trong khi những người trực tiếp hoặc gián tiếp hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, hiểu về chế độ VNCH không còn nữa, lúc đó lịch sử cho tới văn hóa của Miền Nam sẽ bị xóa trắng?

NGUYỄN VIỆN:

Không, tôi cho rằng đảng Cộng sản cho dù có muốn cũng không thể xóa trắng điều gì khi nó đã trở thành lịch sử hay văn hóa, nhất là trong thời đại internet thông tin toàn cầu như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng đang chứng kiến sự quật khởi văn hóa tinh hoa của người Việt mà người Miền Nam đã gìn giữ được, bất chấp sự chuyên chính cộng sản.

8. Theo anh, chúng ta có hy vọng gì Việt Nam thoát khỏi chế độ Cộng sản và quỹ đạo Trung Cộng, dựa trên những yếu tố, dữ liệu chứ không phải bi quan hoặc lạc quan chung chung?

NGUYỄN VIỆN:

Chế độ Cộng sản thì người Việt Nam có thể thoát được do tự nó chuyển biến, chuyển hóa hoặc một cuộc lật đổ từ trên thượng tầng. Nhưng ảnh hưởng của Trung Cộng do yếu tố địa lý và văn hóa với Việt Nam vẫn sẽ là một định mệnh. Vấn đề chỉ là dân tộc Việt Nam có thể tự cường đến đâu để giảm thiểu sự ảnh hưởng đó.

9. Và câu hỏi cuối cùng, đó là trong bối cảnh hiện tại, mỗi người chúng ta nên làm gì, và có thể làm gì cho đất nước?

NGUYỄN VIỆN:

Góp phần nhỏ bé của mình vào sự tự cường dân tộc không chỉ bằng sức mạnh vật chất, mà còn cần một tinh thần độc lập cá nhân từ trong tư duy đến hành động, hay cách hành xử của mình với cộng đồng, đặc biệt là với chế độ bằng một thái độ trung thực, thẳng thắn.

Cảm ơn anh.