You are here

Chiếm miền Nam, cướp cả tên trường!

Ảnh của Gió Bấc

Sau tháng Tư đen, không chỉ Sài Gòn mà hầu hết những ngôi trường học tiếng tăm, có truyền thống lịch sử lâu đời đều bị cướp tên. Đường lối “hòa hợp hòa giải dân tộc” được thực thi nghiệt ngả đến độ hàng trăm trường phổ thông tư thục Bồ Đề, Thánh Mẫu của các Phật giáo, Thiên Chúa giáo khắp các tỉnh thành miền Nam đều “tự nguyện” giải thể, hiến tặng hoặc cho nhà nước mượn không có ngày hoàn trả. Các Viện đại học tư như Vạn Hạnh, Minh Đức, Hòa Hảo…. cũng cùng chung số phận. Rộng lớn nhất là các trường trung tiểu học công lập đươc xem là loại chiến lợi phẩm và chính quyền quân quản tùy tiện thay tên đổi họ theo ý thích, theo quan điểm chính trị mà không hề xem xét các yếu tố giáo dục, tâm lý xã hội, giá trị nhân văn

Việc đặt tên trường ở thời VNCH hướng đến giá trị giáo dục, cho các học sinh noi gương tiền nhân trong học tập, tạo ra bản sắc của hiệu đoàn. Tên trường không chỉ danh xưng mà bao hàm những giá trị hiệu đoàn tiếp nối nhau qua nhiều năm tháng, Tên trường là niềm tự hào, yêu thương của mỗi thành viên, là hoài niệm hồi ức khi đã xa trường. Các tên trường thường là những danh nhân lịch sử gắn với giá trị văn hóa và hoàn toàn phi chính trị. Không có quan chức, tướng lãnh nào dù là tử trận hay đương chức được đặt tên trường học. Không có trường Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu hay Đỗ Cao Trí, Nguyễn Viết Thanh…. Chỉ có Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh….

Ấy mà sau tháng tư đen những cái tên trường đã bị nhuộm đỏ.

Thử điểm qua một số ngôi trường lớn của Sài Gòn. Trường trung học đầu tiên của cả miền Nam từ thời Pháp thuộc đã được Việt hóa với tên Petrus Ký, nhà bác học, người chuẩn hóa và phổ cập chữ Quốc Ngữ bị thay bằng Lê Hồng Phong, một lãnh tụ cộng sản học hành lèm bèm chủ nghĩa Mác Lê, không có chút đóng góp nào cho giáo dục. Tương tự, trường nữ trung học đầu tiên mang tên Gia Long, vị vua thống nhất đất nước, khai hóa học thuật cho Nam Kỳ bị gán vào tên Nguyễn Thị Minh Khai, công lao lớn nhất là phát động cuộc khởi nghĩa đẫm máu ở Nam Kỳ.

Trường trung học đầu tiên của Lục tỉnh là Phan Thanh Giản Cần Thơ, vị Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ, chủ biên nhiều bộ sử, địa chí trong triều Nguyễn bị thay bằng Châu Văn Liêm, cũng một cán bộ cộng sản chuyên kích động nổi loạn.

Trường Tống Phước Hiệp mang tên vị quan Trấn Thủ Vĩnh Long thời mở cõi bị thay bằng tên Lưu Văn Liệt, một học sinh lớp 10 bị tuyên truyền sách động mang lựu đạn vào quán bar gây án vào lúc đông người.

Những cái tên được nhà cầm quyền sính sử dụng để đặt cho trường học thường là hình tượng những tên khủng bố có thật hoặc do tưởng tượng như Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Mai Thi Non….Theo nhà thơ Nguyễn Duy, Võ Thị Sáu là cô bé thất học, tâm thần bị kích động đi ném lựu đạn giết một quan chức hành chính địa phương. Theo giáo sư Phan Huy Lê, Lê Văn Tám thiếu nhi lấy thân làm đuốc sống đốt kho xăng Nhà Bè là sản phẩm tưởng tượng của sử gia cộng sản Trần Huy Liệu. Mai Thị Non cũng là một nữ sinh bị lừa mang mìn hẹn giờ trong cặp sách vào đồn lính, mìn nổ sớm trước giờ, Non chết mà không giết được ai. Những hình tượng mà chính quyền cộng sản áp đặt vào đầu óc non nớt của học trò không khác chi hành vi của những kẻ khủng bố đánh bom liều chết bị cả thế giới loài người lên án. Chỉ khác chăng là bọn đánh bom liều chết hướng đến dân tộc khác, quân đội nước ngoài, còn các chiến sĩ cộng sản anh hùng nhà ta liều chết với những người Việt, ngay trên miền Nam ruột thịt của mình.

Không thể thống kê hết tên trường ở các địa phương Miền Nam được dán nhãn bằng tên gọi là anh hùng nhưng thực tế là những tấm gương khủng bố: Hồ Thị Kỷ, Phan Ngọc Hiển….

Thử hỏi tại sao suốt chiều dài lịch sử của Miền Nam ngay từ thời Pháp thuộc đến hai nền cộng hòa học sinh có bãi khóa, có biểu tình nhưng không có khái niệm “bạo lực học đường” diễn ra hàng ngày như trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng hiện nay? Ấn tượng từ tấm gương Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám … những bài học về chủ nghĩa anh hùng cách mạng tất yếu sinh ra bạo lực học đường, bạo lực xã hội và cả gia đình. Đưa tấm gương khủng bố lên tên trường học, dạy trẻ con bắn giết mà không tạo ra những băng đảng khủng bố mới là chuyện lạ.

Một sự thay đổi tên trường hết sức tùy tiện khác là đổi theo sự thay đổi đia danh hành chính. Tỉnh Kiến Tường trước 1975 có trung học Kiến Tường, sau 1975, tỉnh Kiến Tường trở thành Huyện Mộc Hóa và Trung Học Kiến Tường cũng bị đổi tên theo. Ở Gò Công trước 75 có trường trung học Hòa Tân sau 1975 Gò Công bị hạ xuống thành huyện và trường Hòa Tân bị đổi tên thành Tân Tây. Cứ như vậy có nhiều ngôi trường bị đổi đi đổi lại nhiều lần.

Với miền Nam, ngôi trường không chỉ thể chỉ xem xét cơ học là cái nhà để cho người ta ngồi học nhồi nhét kiến thức, tranh giành mảnh bằng. Trường học là không gian sống học tập, yêu thương, sáng tạo của tuổi hoa niên đẹp đẻ nhất đời người. Đó là tình cảm bạn bè, thầy trò sáng trong vun đắp từ từng giờ chơi, tiết học, kết nối các thành viên thành khối hiệu đoàn. Tùy theo từng trường họ có thể tạo ra bản sắc văn hóa riêng, một truyền thống riêng. Trường nữ trung học Trưng Vương Sài Gòn được giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn diễu hành trong lễ kỹ niệm Hai Bà Trưng hàng năm đã sáng tạo ra những nhạc cảnh Đêm Mê Linh, Đêm Lam Sơn hoành tráng. Những nữ sinh Trưng Vương trưởng thành theo nghề sư phạm đã gieo mầm các nhạc cảnh này cho khắp miền Nam. Trường Võ Trường Toản nổi tiếng tổ chức ấn hành nội san học đường khơi dậy phong trào sáng tác học sinh. Trường khác có thế mạnh thể thao, võ thuật.

Ngôi trường, mùa hè, mùa thi đã trở thành đề tài của biết bao tác phẩm thi ca, văn học làm nao lòng người và vẫn còn sức sống sau hơn 60 -70 năm tuổi. Đó là: “Ngựa chứng trong sân trường”, “Vòng tay học trò”, “Trường cũ tình xưa”, “Nỗi buồn hoa phượng”, “Ngày xưa Hoàng Thị”….

Trong điều kiện ấy, tên trường không chỉ là tên gọi hành chính mà hàm chứa kỷ niêm, tình cảm gắn bó suốt cả đời người. Trong hồi ký chiến tranh Về Kontum, trung tá Pháo binh Nhảy Dù kể lại câu chuyện khó khăn tưởng chừng bất khả thi khi phối hợp với Không quân bốc cánh quân Bravo của tiểu đoàn 9 Dù trong rừng gần căn cứ Võ Định về Kontum. Đơn vị này đang bị một đại đơn vị quân Bắc Việt bám sát, lưới lửa phòng không dày đặc, hợp đoàn trực thăng nhiều lần tiếp cận nhưng không thể đáp được. Biết tính khí của sĩ quan chỉ huy hợp đoàn trực thăng quý trọng tình nghĩa với trường cũ Chu Văn An, ông Lạc phải nói dối là “Đường - Đại úy Dù chỉ huy cảnh quân Bravo- cũng học Chu Văn An sau mình hai khóa! Rán cứu nó!” Nghe đến thằng em Chu Văn An, viên sĩ quan không quân đã liều chết đưa hợp đoàn trực thăng bốc toàn bộ cánh Bravo hơn 200 quân của Tiểu Đoàn 9 về Kontum không sót một người. (1)

Không chỉ tình cảm bạn bè cùng trường, tình thầy trò, và đồng nghiệp cùng trường cũng rất s6u dày. Báo chí Việt Nam còn đăng câu chuyện thầy Nguyễn Hữu Hệ từng dạy ở ba trường Trung học Kiến Tường, Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức và Marie Curie lớn tuổi vẫn sống độc thân, được các cựu học sinh cả ba trường thường xuyên thăm viếng. Được tin thầy bệnh tâm thần cả ba nhóm đến thăm, nuôi bệnh thì phát hiện ra cô osin đã lừa thầy sang tên ngôi nhà cho cô ấy cùng với toàn bộ số tiền vài trăm triệu mà họ đã quyên góp hỗ trợ thầy. Ba nhóm cựu học sinh phải cử người rước thầy về nhà riêng nuôi dưỡng, tìm kiếm người thân con cháu của thầy và kiện cáo đòi lại căn nhà. Họ tự điều tra, có đầy đủ bằng chứng vụ lừa đảo nhưng công an, tòa án cứ làm lơ. (0)

Đó không phải là câu chuyện cá biệt về tình cũ trường xưa mà trong bối cảnh đau thương của miền Nam bị giải phóng, đất nước bị thống nhất vào tay bên thắng cuộc, trường cũ bị xóa tên, người miền Nam bị ly tán tha hương khắp nơi trên thế giới họ vẫn kết nối nhau trong những hội đoàn cựu học sinh và đều có website riêng. Một số trường có bề dày truyền thống như Trung học Chu Văn An, Võ Trường Toản lại có nhiều hội đoàn ở nhiều quốc gia, châu lục khác nhau. Cá biệt trường Petrus Ký có đến 10 hội đoàn Ái hữu Petrus Trương Vĩnh Ký ở bắc Mỹ, nam Mỹ, Canada, Âu, Úc, Việt Nam (2)

Ở tỉnh đồng bằng Trường Tống Phước Hiệp có hội Ái hữu Cựu học sinh Tống Phước Hiệp (3)

Kiến Tường là tỉnh mới lập trong vùng Đồng Tháp Mười heo hút, chỉ hơn 10 năm đã bị xoá tên nhưng các cựu học sinh Kiến Tường vẫn lập hội nối hai đầu cầu Việt Mỹ và sinh hoạt rất mạnh mẽ.

Hầu hết các hội đoàn này đều hoạt động sôi nổi quan hệ gặp ở, tương thân tương ái, chia sẻ kiến thức, sáng tác, hồi ức kỷ niệm ….

Nhiều thành viên của các hội đoàn là những người thành đạt, có kiến thức, có vai trò nhất định trong xã hội là những nguồn lực khả dĩ có thể hở trợ các thế hệ nối tiếp ở ngôi trường cũ, tình cảm nhiệt huyết của họ cũng không thiếu. Nhưng rất tiếc, trường cũ bị bị xóa tên, đổi tên, ngôi trường bây giờ không còn là trường của họ. Mối liên hệ thương yêu đã bị cắt đứt thành nổi đau từ năm 1975 nên họ khó có lý do, động lực để quay lại ngôi trường. Họ thừa nhiệt tình để tìm kiếm, thăm hỏi hỗ trợ nhau dù khoảng cách địa lý rất xa đến nửa vòng trái đất nhưng hầu hết đều đóng khung sự chia sẻ, tương thân trong các thành viên trước 1975

Việc xóa tên, đổi tên trường của chính quyền cộng sản không chỉ phá hủy không gian văn hóa đẹp của nền giáo dục miền Nam, cướp đi ký ức đẹp của các cựu học sinh miền Nam mà còn phá hủy mối dây liên hệ, tước đi cơ hội tiếp nhận sự hổ trợ từ thế hệ học sinh trước đây với thế hệ ngày nay.

0-https://danviet.vn/bi-an-lao-vo-su-ban-nha-6-ty-gia-700-trieuky-2-chau-g...

1-https://www.youtube.com/watch?v=ygp5XR97O_M&t=366s

2-http://www.petrusky.de/index.php/lienkethoidoan

3-https://tongphuochiep-vinhlong.com/2017/07/hoat-dong-cua-ho%CC%A3i-ai-hu%CC%83u-chs-tong-phuoc-hie%CC%A3p/

4-https://trunghockientuong.com/